Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn 22/03/2021 15:47:00 806

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn

22/03/2021 15:47:00

(Nhandan.com.vn) Theo một khảo sát hơn 10 nghìn doanh nghiệp trên cả nước mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại dịch Covid-19 tác động rất tiêu cực đến các doanh nghiệp khi hơn 87% số doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực, chỉ 11% số doanh nghiệp không bị ảnh hưởng gì và gần 2% vẫn kinh doanh tốt. Mặc dù trong khoảng một năm qua, nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đã được Chính phủ ban hành, kịp thời “cứu sống” nhiều doanh nghiệp, song vẫn còn nhiều chính sách hiện vẫn chỉ nằm trên giấy mà chưa thể thực hiện do thiếu tính thực tế hoặc điều kiện đáp ứng quá chặt chẽ.

Phần lớn doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực

Trong năm 2020 vừa qua, đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cũng theo khảo sát của VCCI, có tới 65% doanh nghiệp tư nhân và 62% doanh nghiệp FDI cho biết, doanh thu năm 2020 bị giảm mạnh so với năm 2019. Trong số các nhóm doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ. Phần lớn các doanh nghiệp đều cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, dòng tiền và ảnh hưởng tới vấn đề nhân công, người lao động của doanh nghiệp. Chưa kể, chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ sản xuất, dẫn tới chậm trả hàng cho đối tác, giảm đơn hàng, sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí hủy dự án đang hoặc sẽ thực hiện,…

Bên cạnh đó, một số ngành bị ảnh hưởng lớn từ tác động của dịch Covid-19 như: May mặc (97%), thông tin truyền thông (96%), sản xuất thiết bị điện (94%), bất động sản (100%), nông nghiệp, thủy sản (95%),… Ngoài ra, để cầm cự trước dịch bệnh, 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc. Trong đó, các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ là nhóm thực hiện biện pháp này cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%. Với khối doanh nghiệp FDI, 26% doanh nghiệp quy mô vừa và 32% doanh nghiệp quy mô lớn phải cho một lượng lao động nhất định nghỉ việc. Cũng không ít doanh nghiệp gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc. Số lượng lớn các doanh nghiệp trong nước cũng không thể ra nước ngoài tiến hành các hoạt động giao thương theo kế hoạch. Nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán.

Hiện mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 đã ở mức thấp nhất khi chưa bằng một nửa so với những năm trước đây. Số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường lên đến mức kỷ lục khi vượt ngưỡng 100 nghìn. Ðiều này cho thấy, năm 2020 là một năm đầy khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ về tài khóa như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng, cho vay với lãi suất bằng 0% để trả lương cho người lao động đã giúp cộng đồng doanh nghiệp kiên cường vượt lên khó khăn, thử thách để “chống chọi” với tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Ðiều này đang trở thành năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp Nam.

Cần những chính sách đúng, trúng, đủ

Trong những chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, phải kể đến gói chính sách hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với giá trị khoảng 73,1 nghìn tỷ đồng; các khoản tiền được hồi tố, hoàn trả lại cho các doanh nghiệp lên đến gần 5 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ tiền tệ, tín dụng có giá trị khoảng 36,6 nghìn tỷ đồng,... Các chính sách này đã giúp cộng đồng doanh nghiệp phần nào vượt qua được những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, giữ được sức phát triển qua cả một năm đầy sóng gió. Nhưng trên thực tế, cũng còn rất nhiều chính sách chỉ nằm trên giấy mà chưa thể thực hiện do thiếu tính thực tế hoặc điều kiện quá chặt. Theo một khảo sát tính đến đầu tháng 10/2020 của VCCI, có khoảng 80% doanh nghiệp cho biết, không nhận được gói hỗ trợ Covid-19 lần 1 của Chính phủ. Lý do chủ yếu do doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện, gặp phải những rào cản, thủ tục phức tạp, nên không “mặn mà”. Vì vậy, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp cận tốt với các gói hỗ trợ, cần rà soát, giải quyết các vướng mắc, bất cập trong triển khai để có được những chính sách tốt.

Theo đại diện VCCI, trên thực tế, việc hỗ trợ chỉ được coi là thành công, có hiệu quả khi doanh nghiệp nhận được những chính sách bằng các tác động trực tiếp và cụ thể. Nếu chính sách được xây dựng khó thực hiện thì không có tác động tốt đến doanh nghiệp. Ngược lại, còn làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp về việc đồng hành của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Vì vậy, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đầy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện nhận hỗ trợ theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp. Cùng với đó là cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Chúng ta cần thẳng thắn nhìn vào kết quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và chủ động nắm bắt tình hình triển khai các chính sách đã ban hành, xác định doanh nghiệp đang vướng gì, cần gì để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ. Bên cạnh các giải pháp trước mắt đã được Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành, cần có giải pháp mang tính dài hạn như tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi. Các doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy, quan tâm hơn đến phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy sự kết nối với người tiêu dùng để hình thành các chuỗi cung ứng nội địa.

Có thể thấy, việc ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện một thông điệp vô cùng tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ đã được lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tìm ra được tiếng nói chung trong thúc đẩy hiệu quả thực thi chính sách. Từ đó, giúp cải thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hỗ trợ “đúng, trúng, đủ” và  mang tính dài hạn hơn cho cộng đồng doanh nghiệp. Làm sao để những chính sách đã ban hành nhanh đi vào thực tiễn nhất, phù hợp với các doanh nghiệp từng ngành, từng lĩnh vực và từng giai đoạn, giúp các doanh nghiệp tăng khả năng chống chịu với các “cú sốc” trong tương lai.

Thảo Chi