Ngành bán lẻ Việt Nam cần đột phá mới

Ngành bán lẻ Việt Nam cần đột phá mới 10/03/2021 17:11:00 545

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Ngành bán lẻ Việt Nam cần đột phá mới

10/03/2021 17:11:00

(Nhandan.com.vn) Quy mô đầu tư vào thị trường bán lẻ (TTBL) dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025 (gấp 1,6 lần năm 2020), nhờ vào sự tăng trưởng thu nhập của một bộ phận người tiêu dùng (NTD). Nhờ đó, TTBL Việt Nam cũng sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong những năm qua, TTBL Việt Nam cũng chứng kiến sự "ra đi" của nhiều thương hiệu bán lẻ đình đám thế giới, thay vào đó là sự xuất hiện thương hiệu của những người chủ mới. Điều này cho thấy sự khốc liệt của TTBL nhưng cũng hé mở những cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong nước nếu biết tận dụng cơ hội, tạo đột phá chiếm lĩnh thị trường.

Sàng lọc khốc liệt

Trong năm 2020, với bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TTBL Việt Nam vẫn giữ đà tăng trưởng tốt và vững vàng. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong tổng mức hơn 5 triệu tỷ đồng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 3,9 triệu tỷ đồng (chiếm 79% và tăng 6,8% so cùng kỳ năm trước). Điều này cho thấy TTBL đầy tiềm năng với nhiều dư địa phát triển, song cạnh tranh cũng rất khốc liệt, đòi hỏi doanh nghiệp phải phân loại thị trường, phát triển những mô hình bán lẻ phù hợp đối tượng khách hàng. TTBL Việt Nam trong nhiều năm qua đã có nhiều sự thay đổi về thị phần, thương hiệu thông qua các thương vụ chuyển nhượng, mua bán, sáp nhập. Mới đây nhất, ngày 01/3, thương hiệu Big C thuộc Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) đã chính thức bị Central Retail xóa sổ, thay vào đó là thương hiệu Go! và Tops Market để tái định vị thương hiệu của họ. Trước đó, cuối năm 2020, Tập đoàn E-Mart (Hàn Quốc) sở hữu đại siêu thị E-Mart tuyên bố muốn rút khỏi thị trường Việt Nam do sau 5 năm nỗ lực nhưng vẫn không thể mở thêm được điểm bán mới ngoài đại siêu thị duy nhất tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trên thực tế, thị phần ngành bán lẻ trong những năm qua đã có sự thay đổi đáng kể. Nếu thời điểm năm 2016, dư luận giật mình trước con số thống kê hơn 50% thị phần bán lẻ của Việt Nam đã về tay doanh nghiệp ngoại và dự báo một tương lai không xa của ngành bán lẻ Việt Nam với nhiều gam mầu tối. Thì sau gần 5 năm, số lượng doanh nghiệp bán lẻ (DNBL) trong nước đã có sự vượt trội về số điểm bán khi các doanh nghiệp này liên tục mở rộng độ phủ và đang dần chiếm ưu thế trên TTBL. Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đến nay Việt Nam có khoảng 1.085 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2 nghìn cửa hàng tiện lợi. Trong đó, DNBL Việt Nam đang chiếm khoảng 70% đến 80% số điểm bán trên cả nước. Việc mở rộng độ phủ cho thấy các DNBL trong nước không chịu khuất phục, vẫn âm thầm mở rộng quy mô, đảo ngược tình thế để làm chủ "sân nhà" bằng năng lực của mình. Các DNBL trong nước đã thể hiện sự khôn khéo khi vừa củng cố thị phần tại các tỉnh, thành phố lớn, vừa nhắm đến các thị trường ngách, nông thôn. Đây là một lựa chọn khôn khéo để đáp ứng tốt xu hướng mua hàng nhanh chóng, tiện lợi của NTD.

Bám sát tín hiệu thị trường

Nhìn vào sự thăng trầm của các thương hiệu bán lẻ đình đám ở Việt Nam có thể thấy TTBL Việt Nam là "miếng bánh" đầy tiềm năng nhưng cũng không dễ mất. Việc rút khỏi thị trường của các thương hiệu lớn như Auchan (Pháp) như Parkson (Malaisia) đã từng bước thu hẹp, đóng cửa hàng loạt mặt bằng vì đã qua thời vàng son, cho thấy đây không phải là một sân chơi dễ dàng. Bởi ngoài yếu tố tiên quyết là lựa chọn được vị trí có mật độ dân số và sức mua tốt thì sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng, cũng như sự cạnh tranh từ thương mại điện tử, đã khiến việc phát triển một mô hình bán lẻ phù hợp thị trường mục tiêu, trở thành yếu tố quyết định sự thành bại của một thương hiệu.

Đánh giá về TTBL Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, bức tranh bán lẻ năm 2020 đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt là thói quen mua sắm của NTD và điều này sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2021. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển mô hình đại siêu thị, trung tâm thương mại vừa mua sắm, vừa vui chơi về khu vực vùng ven ở các thành phố lớn đang là lựa chọn ưa thích của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, nhà bán lẻ. Nguyên nhân do có nhiều thay đổi về tầm nhìn của giới đầu tư, xu thế nhà ở, hành vi và thói quen mua sắm của cư dân. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, NTD cũng đang dần chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn, điều này đã khiến thương mại điện tử sống khỏe và hứa hẹn nhiều triển vọng hơn nữa trong năm nay. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), chỉ tính riêng mảng bán lẻ trực tuyến trong năm 2020 đã đạt tổng doanh thu gần 12 tỷ USD (tăng trưởng 18%), ước đạt chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Năm 2020 đã định hình lại lối chơi của các DNBL Việt Nam với các thay đổi quan trọng. NTD đã được hưởng lợi khi có thêm nhiều trải nghiệm mua sắm mới và tiện lợi hơn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít DNBL trong nước vẫn yếu về vốn, quy mô nhỏ, khả năng quản trị thiếu chuyên nghiệp khiến cho sức cạnh tranh đã yếu lại càng yếu hơn. Vì vậy, các DNBL phải biết tận dụng thời cơ, chớp lấy cơ hội ngay lúc này để tăng tốc bứt phá, chiếm lĩnh thị trường bằng nhiều cách. Phải biết đón lõng xu hướng bán lẻ mới, tạo sự khác biệt và mang lại nhiều giá trị cộng thêm cho khách hàng. Nếu các DNBL không tiếp tục đổi mới, khách hàng sẽ chuyển sang chỗ khác khi đáp ứng tốt hơn nhu cầu trải nghiệm mua sắm. Đồng thời, các DNBL cần phải tích hợp bán hàng đa kênh, cả trực tiếp và trực tuyến để đáp ứng đa dạng nhu cầu của NTD. Chính vì vậy, đây đang là thời điểm, cơ hội để DNBL Việt Nam tạo sự đột phá, tận dụng sự phát triển của công nghệ, đi tắt đón đầu, cạnh tranh thành công với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Tô Hân