Tổng cung | |
Công nghiệp | Theo congthuong.vn ngày 14/02, trong giai đoạn 2016 - 2020, kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp đã có sự dịch chuyển tích cực, theo hướng giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đã tăng từ 13,4% (năm 2016) lên khoảng 16,58% (năm 2020). Trong khi đó, tỷ trọng công nghiệp khai khoáng đã giảm từ 8,1% xuống còn 6%. Một số ngành công nghiệp có quy mô lớn đã hình thành được với khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường. Một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước đã có năng lực cạnh tranh tốt, chẳng hạn như Tập đoàn VinGroup, Trường Hải… (trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô), Vinamilk, TH True Milk (lĩnh vực sản xuất, chế biến sữa và thực phẩm), Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hoà Phát, Công ty thép Pomina… (lĩnh vực sắt thép, kim khí). Công nghiệp hỗ trợ đã từng bước phát triển, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng. Năng lượng tái tạo được quan tâm đầu tư, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời được khởi công xây dựng và đi vào hoạt động. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu đã tăng từ 65% (năm 2016) lên 85% (năm 2020); tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản phẩm đã tăng từ 63,9% (năm 2016) lên 77,7% (năm 2019). Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí 58 (năm 2015) lên vị trí 42 vào (năm 2019) theo xếp hạng của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc. |
Tổng cầu | |
| Theo baodauthau.vn ngày 14/02, trong năm 2021, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự kiến khởi công 19 dự án, hoàn thành 24 dự án, trong đó riêng quý I/2021 dự kiến khởi công 5 dự án và hoàn thành 2 dự án. Theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, tính đến hết tháng 01/2021, Bộ GTVT đã khởi công 2 dự án: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và hoàn thành dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Từ nay đến hết năm 2021, Bộ GTVT dự kiến khởi công tiếp 17 dự án, gồm: Dự án đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên; Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn. Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt; dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm; Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Dự án tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên; Dự án tuyến tránh quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau;... Đối với những dự án sẽ hoàn thành trong năm 2021, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông thông tin gồm: Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông; Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; Dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh; Dự án quốc lộ 27, đoạn tránh Liên Khương. |
Đầu tư | Theo baodauthau.vn ngày14/02, trong những năm qua, hệ thống cảng biển Việt Nam đã phát triển vượt bậc, cơ bản đáp ứng được mục tiêu phát triển theo quy hoạch được duyệt. Tính hết năm 2019, cả nước có 588 cầu cảng (gấp 4 lần năm 2000) với tổng lượng hàng hóa thông quan đạt hơn 664 triệu tấn (gấp 8 lần năm 2000). Hiện có 32 tuyến vận tải biển cũng được kết nối đến cảng biển Việt Nam, trong đó 25 tuyến vận tải quốc tế và 7 tuyến vận tải nội địa. Đã có nhiều cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tại khu vực phía Bắc và phía Nam, tiếp nhận tàu container tải trọng lớn đến 132 nghìn tấn tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng) và trên 214 nghìn tấn tại khu bến Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Hiện nay, Bộ GTVT đang tổ chức lấy ý kiến về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, việc triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết nhằm đảm bảo hệ thống cảng biển Việt Nam phát triển liên tục theo một quy hoạch tổng thể và thống nhất, đưa đất nước hội nhập sâu, rộng và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển. Tổng kinh phí để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 ước khoảng 150 - 200 nghìn tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đầu tư, đối với các bến cảng, cầu cảng chuyên dùng). Trong đó, kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển dự kiến cần khoảng 35 - 40 nghìn tỷ đồng. Việc rót vốn đầu tư, phát triển cảng biển được bố trí theo thứ tự ưu tiên từ cấp 1 đến cấp 3. |
Thị trường tài sản | |
Bất động sản | Theo TTXVN ngày15/02, thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, từ đầu năm 2021 tới nay, giá bất động sản đã tăng liên tục và vượt khả năng chi trả của người dân, nhất là tại hai thị trường lớn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Xu hướng gia tăng này vẫn còn tiếp tục, đòi hỏi các giải pháp kiểm soát chặt. Tổng hợp giá giao dịch căn hộ chung cư tại hai thị trường này cho thấy, giá bình quân các loại căn hộ chung cư (bao gồm căn hộ bình dân, trung cấp, cao cấp) tại Hà Nội tăng khoảng 2 - 3% so với quý IV/2020, tại thành phố Hồ Chí Minh tăng khoảng 3 - 4%. Tỷ lệ tăng giá ở mỗi loại căn hộ chung cư tương đối khác nhau. Trong đó, các căn hộ bình dân có tỷ lệ tăng giá mạnh nhất, kế tiếp là căn hộ trung cấp. Căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2, các dự án có căn hộ bình dân với mức giá dưới 25 triệu hầu như không có, chỉ có tại các khu vực xa trung tâm và hạ tầng hạn chế. Tại Hà Nội có một số ít dự án nhà ở xã hội với mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 mở bán như: Nhà ở xã hội IEC Thanh Trì, CT3 - CT4 Kim Chung, Ecohome tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm, Tòa 19T4 nhà ở xã hội Lucky House phường Kiến Hưng, quận Hà Đông… và một số dự án nhà ở thương mại giá thấp như dự án Phú Thịnh Green Park, Hà Đông, chung cư Tasco Xuân Phương. Tại thành phố Hồ Chí Minh thì hầu như không có dự án có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. |
Nhận định chuyên gia | |
| Theo baodauthau.vn ngày16/02, theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), năm 2021, Việt Nam không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào số lượng của đầu tư, mà nên chú trọng chất lượng, lấy hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí, đặc biệt ưu tiên nguồn vốn chất lượng cao của các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia, tập đoàn lớn của thế giới. Về số lượng thì chú trọng vào số vốn giải ngân, vào dự án giá trị lớn của các công ty đa quốc gia. Nhà đầu tư từ EU, Hoa Kỳ vào Việt Nam chưa nhiều, trong khi đây là những nhà đầu tư có công nghệ cao, quản lý tốt. Mỹ đầu tư ra nước ngoài 300 tỷ USD mỗi năm nhưng vào Việt Nam chưa đến 1 tỷ USD. Các quốc gia thành viên EU như Đức, Pháp... đầu tư vào Việt Nam còn khiêm tốn. Dư địa thu hút đầu tư từ EU còn rất lớn, đặc biệt sau khi EVIPA có hiệu lực. Đó là tiềm năng của 2021 và những năm sau. Ở góc độ trong nước, phải có hỗ trợ, chính sách phù hợp để xây dựng khu vực doanh nghiệp nội địa đủ mạnh, có thể bắt tay với doanh nghiệp FDI một cách bình đẳng. Thứ nhất, phải có những tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh trở thành những con sếu đầu đàn, những đối tác bình đẳng hợp tác, liên doanh, liên kết với nhà đầu tư FDI. Thứ hai, doanh nghiệp nhỏ phải vươn lên, hoàn thành được các yêu cầu của nhà đầu tư FDI về chất lượng sản phẩm, chất lượng quản lý…, từ đó tham gia được vào chuỗi giá trị. Không chỉ vậy, cần nỗ lực tham gia vào các phân khúc có giá trị cao hơn, làm được những chi tiết có hàm lượng công nghệ cao... Để phát triển quốc gia hùng cường, khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn là động lực quyết định. Vì thế, các chính sách cần vừa tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để đón sóng FDI trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, vừa tạo hành lang thông thoáng thúc đẩy doanh nghiệp trong nước lớn mạnh. |