Năm 2020, Việt Nam xuất siêu kỷ lục 19,1 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử. Như vậy, cán cân thương mại Việt Nam đã liên tiếp thặng dư trong 5 năm trở lại đây, xuất siêu năm sau luôn cao hơn năm trước. Đây là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thương mại toàn cầu chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng ở nhiều quốc gia. Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng là 6,5%, cao hơn so với mức tăng nhập khẩu là 3,6%.

Điểm sáng thương mại Việt Nam năm 2020
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19, nhưng với nỗ lực vượt bậc trong năm 2020, Việt Nam vẫn đạt được kỷ lục mới về quy mô kim ngạch xuất - nhập khẩu. Tổng trị giá xuất - nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 545,36 tỷ USD, tăng 5,4% với năm 2019. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 282,65 tỷ USD, tăng 7,0% tương ứng tăng 18,39 tỷ USD và nhập khẩu đạt 262,70 tỷ USD, tăng 3,7% tương ứng tăng 9,31 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa của cả nước vào cuối năm 2020 đạt giá trị thặng dư 19,95 tỷ USD, là mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.
Kim ngạch xuất - nhập khẩu ấn tượng đã đưa Việt Nam đứng vị trí 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu, vị trí 26 về quy mô thương mại quốc tế và đây chính là bước tạo đà bứt phá cho công tác xuất - nhập khẩu trong giai đoạn tới. Đặc biệt, Việt Nam đã có nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng thứ 5 thế giới như gạo, hạt điều, cà phê, dệt may, da giầy, thủy sản.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục được cải thiện, hàm lượng xuất khẩu thô giảm, xuất khẩu sản phẩm chế biến và công nghiệp tăng. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 78,9% (năm 2015) lên khoảng 85% (năm 2020). Trong khi đó, tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 3% (năm 2015) xuống còn dưới 2% (năm 2020). Trong điều kiện khó khăn, Việt Nam đã có 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Việc Chính phủ Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực… cùng với các chính sách của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí logistic, đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ… đã tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Năm 2020, Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (gần 62,7 tỷ USD), EU (gần 20,3 tỷ USD). Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ chỉ đạt 13,7 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 64,5% trong tổng trị giá xuất - nhập khẩu. Trong đó, kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là 132,4 tỷ USD, 53,1 tỷ USD, 39,7 tỷ USD và 65 tỷ USD.
Định hướng phát triển năm 2021
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, trong năm 2021, các FTA Việt Nam đang thực thi và đã có hiệu lực là cơ hội lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi ở Việt Nam, nhất là lĩnh vực thương mại. Đồng thời, các FTA còn gắn chặt với quá trình tái cấu trúc, sản xuất - kinh doanh của Việt Nam trong thời gian 5 - 7 năm trở lại đây. Sự chuyển dịch diễn ra cả về nội hàm, đối tác, đi kèm đó là các dòng đầu tư đang diễn ra khá mạnh mẽ. Vì vậy, các FTA sẽ mang đến hiệu quả lớn về đối tác, công nghệ lõi, mặt hàng chiến lược. Bởi ngoài xuất khẩu, các FTA chắc chắn sẽ kéo theo sự dịch chuyển về đầu tư, thương mại, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Việc đàm phán, ký kết các FTA bước đầu mở cửa các thị trường chủ chốt và định vị Việt Nam như là một điểm sáng trong cải cách và thu hút vốn đầu tư để hình thành nên các chuỗi cung ứng mới. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh, hoạt động thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chưa có sự cải thiện rõ rệt để tận dụng tối đa lợi ích mang lại. Vẫn còn một số doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến mẫu mã sản phẩm, phương thức marketing trong thương mại quốc tế. Ngoài ra, nhu cầu trên thị trường quốc tế vẫn chưa thể phục hồi do đại dịch kéo dài và một số ngành hàng xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn FDI.

Để thúc đẩy xuất - nhập khẩu Việt Nam trong năm 2021, đại diện Bộ Công Thương - ông Trần Thanh Hải cho rằng việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vẫn là ưu tiên trọng tâm. Tuy nhiên, bên cạnh sự hồi phục của các thị trường, các doanh nghiệp cần lưu ý tới hoạt động xúc tiến thương mại và tận dụng lợi ích từ EVFTA, nhất là thông qua quy tắc xuất xứ, hàng hóa có truy xuất nguồn gốc rõ ràng để tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài trong các ngành phục vụ sản xuất xuất khẩu. Đặc biệt, Việt Nam cần tận dụng bối cảnh chiến tranh thương mại và xu hướng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới như Apple, Samsung… dịch chuyển dần các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác. Ngoài ra, Chính phủ cần có các giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường xuất khẩu vì đóng góp của doanh nghiệp trong nước hiện nay chỉ chiếm khoảng 32% kim ngạch xuất khẩu, trong khi gần 70% kim ngạch xuất khẩu là từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc Chính phủ khuyến khích xuất khẩu sẽ mang lại cơ hội mở rộng thị trường và tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Về phía các doanh nghiệp, để đối phó với khó khăn, thách thức hiện tại và vượt lên tận dụng thành công các cơ hội mang lại thì các doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh của mình, qua đó cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chuyển sức ép về cạnh tranh thành động lực để tự đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm để có lợi thế cạnh tranh không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường quốc tế. Cộng đồng doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để ứng dụng công nghệ kỹ thuật cũng như công nghệ thông tin trong tiếp cận thị trường, giao dịch với các đối tác, tạo ra những giá trị thặng dư cao hơn cho doanh nghiệp.
Trần Duẩn