Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới. Sản xuất - kinh doanh, thương mại và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng. Lạm phát được kiểm soát, niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam đang rất khả quan. Cùng với đó, nhiều tổ chức quốc tế uy tín đưa ra nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam trong năm 2021, trong đó nhấn mạnh, dù trong thời điểm khó khăn hiện nay, nền kinh tế vẫn có sức bật tương đối tốt.

Những động lực để phát triển
Động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam năm 2021 là tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau, từ giải ngân vốn đầu tư công, tăng xuất khẩu, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phục hồi... Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021, Tổng cục Thống kê đã xây dựng kịch bản; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dự kiến tăng 2,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 7,9%; riêng ngành công nghiệp tăng 8,1% và khu vực dịch vụ dự kiến tăng 5,3%. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, với mục tiêu tăng trưởng đề ra, hiện nay, động lực lớn nhất cho tăng trưởng GDP là lĩnh vực công nghiệp đang phục hồi, tiếp đó đến nông nghiệp và dịch vụ. Năm 2020, tuy gặp nhiều khó khăn song tăng trưởng công nghiệp đạt khá tích cực, đây là nền tảng quan trọng để duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển cho biết, đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư công là một trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021. Tuy nhiên, phải xác định ưu tiên đầu tư công tập trung vào vùng nào và lĩnh vực nào để kích thích phát triển kinh tế. Việt Nam cần tập trung đầu tư vào các công trình hạ tầng kết nối để thúc đẩy lưu thông, xuất - nhập khẩu hàng hóa, nhất là hạ tầng kết nối giữa các vùng, hệ thống đường cách xa đường quốc lộ, đường cao tốc; đồng thời cần kết nối đường sắt với các cảng biển quốc tế, thay vì chỉ kết nối với đường bộ.
PGS. TS Tô Trung Thành - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp không ít rào cản. Trong đó, các chính sách hiện còn nhiều bất cập, chưa đến đúng đối tượng được hưởng. Ngoài ra, mô hình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào mà chưa có sự tăng trưởng về chiều sâu. Bên cạnh đó, nguồn lực để giải quyết các vấn đề về dịch Covid-19 đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thách thức không nhỏ
Bước vào năm 2021, Việt Nam khởi đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, điều này đặt ra nhiều yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết, vừa phải hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2021, vừa làm tốt công tác chuẩn bị và sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của cả giai đoạn.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, trong điều kiện bình thường, mục tiêu tăng trưởng 6% là hoàn toàn khả thi nhưng trong điều kiện hiện tại, đây sẽ là thách thức không nhỏ bởi năm 2021 là năm khởi đầu của chu kỳ 5 năm kế hoạch kinh tế - xã hội 2021 - 2025. Năm đầu tiên thông thường là năm có tính khuyến khích, thúc đẩy, tạo đà cho các năm kế hoạch tiếp sau. Do đó, ngay từ đầu năm, các bộ, ngành, địa phương cần xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đặc biệt quan trọng; tăng trưởng không chỉ tạo nên nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô mà còn bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh…
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, cần đẩy mạnh thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư toàn xã hội để phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều nhà đầu tư lớn đã và đang thiết lập các kênh thông tin để tìm hiểu, đầu tư tại Việt Nam.
Ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Marketing, Công ty TNHH Quản lý Deep C cho rằng, Việt Nam đang là một biểu tượng phát triển mạnh mẽ. Theo ông, nút thắt trong thu hút vốn FDI là hạ tầng cơ sở, chi phí của logistics, nguồn cung lao động và hiệu suất lao động tại Việt Nam.
Việc kiến tạo môi trường thuận lợi để giúp Việt Nam sớm phục hồi và vươn lên, lấy lại động lực phát triển trong trạng thái bình thường mới là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô năm 2021. Trên cơ sở đó, Chính phủ cần quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo mục tiêu giữ vững ổn định chính trị xã hội, bình ổn kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Chính sách tiền tệ gắn với chính sách tài khóa và các chính sách khác được điều hành chủ động, linh hoạt góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận các nguồn vốn và cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư ở trong và ngoài nước cần được đẩy mạnh thông qua các hình thức mới nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá tiềm năng thị trường và sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam, qua đó giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường và mạng lưới đối tác thương mại, thu hút các dự án đầu tư có chất lượng cao.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2021
Theo Báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 có thể ổn định khoảng 6,5% so với năm 2020 (cao hơn kế hoạch của Chính phủ là 6%). Mức tăng trưởng sẽ bắt đầu tăng tốc từ quý II/2021 và giữ đà tăng đó đến năm 2022 (tăng hơn 7%). Trong kịch bản cơ sở, các chuyên gia cho rằng các đợt bùng phát dịch Covid-19 vẫn có thể xảy ra, do vậy các chuyến bay thương mại quốc tế sẽ dần nối lại chỉ có thể từ quý II/2021 và lượng khách du lịch quốc tế sẽ tăng dần.
Nhận định về kinh tế Việt Nam 2021, các nhà kinh tế từ Maybank KimEng (MBKE) cũng cho rằng, tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ phục hồi trở lại mức 6,8% (năm 2021) và 6,7% (năm 2022), tăng mạnh so với mức tăng trưởng 2,91% trong năm 2020. Động lực tăng trưởng chính trong nền kinh tế dự kiến sẽ là xuất khẩu và sản xuất. Chi tiêu cá nhân (đóng góp 68% trong tăng trưởng GDP) và đầu tư kinh doanh (đóng góp 32% trong tăng trưởng GDP) vẫn đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, các lĩnh vực dịch vụ như du lịch và khách sạn vẫn có nguy cơ đối diện với áp lực lớn trong thời gian tới khi Chính phủ duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4% khi nền kinh tế trên đà phục hồi trở lại. Lạm phát toàn phần dự kiến ở mức bình quân 3% (năm 2021) và 3,3% (năm 2022), thấp hơn mức mục tiêu 4%. Thâm hụt ngân sách năm 2021 dự toán đạt 343,67 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,9% GDP, giảm so với mức 5,8% GDP trong năm 2020. Nợ công dự kiến tăng từ 56,8% (năm 2020) lên 58,6% GDP (năm 2021), ở tầm kiểm soát và thấp hơn nhiều so với mức trần 65% GDP.
Làn sóng đầu tư sẽ phục hồi trở lại nhờ sự gia tăng đầu tư cá nhân và vốn FDI. Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP, EVFTA… sẽ giúp củng cố vị thế của Việt Nam trong việc thu hút vốn FDI. Thực tế, nhiều nhà máy sản xuất điện tử như Foxconn, Pegatron, Wistron và Samsung đang có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy sản xuất hoặc cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.
Đặng Loan