Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công 08/02/2021 11:24:00 386

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

08/02/2021 11:24:00

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động lớn tới nền kinh tế, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 vẫn cao nhất giai đoạn 2016 - 2020. Đây là một trong những động lực giúp Việt Nam duy trì mức tăng trưởng dương. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trong năm 2021, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó, một trong những biện pháp giúp hồi phục tăng trưởng kinh tế là đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.

C:\Users\vuongnguyetminh\Desktop\z4.1.jpeg

Đầu tư công là động lực tăng trưởng

Trong tổng thể vốn đầu tư toàn xã hội, đầu tư công hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn và là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế Việt Nam xuyên suốt 35 năm đổi mới. Trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 được đề ra tại Đại hội lần thứ XI của Đảng, cơ cấu đầu tư công tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xử lý bất hợp lý vùng miền, cũng như tập trung nhiều hơn cho đầu tư phát triển con người, nâng cao trình độ của người lao động.

Nhờ hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, sự phát triển của Việt Nam trong 35 năm qua rất đáng ghi nhận. Đổi mới kinh tế và chính trị từ năm 1986 thúc đẩy phát triển kinh tế và nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Chỉ tính riêng giai đoạn 2002 - 2018, GDP đầu người của Việt Nam tăng 2,7 lần, đạt trên 2.700 USD năm 2019, với hơn 45 triệu người thoát nghèo và tỷ lệ nghèo nhờ đó giảm từ hơn 70% xuống dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá). Trong năm 2018 - 2019, kinh tế Việt Nam có nền tảng mạnh và khả năng chống chịu cao, GDP thực đạt mức tăng cao 7% và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Đáng chú ý, trong năm 2020, bất chấp các tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt tốc độ tăng trưởng dương 2,91%. Đồng thời, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 343 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD) và Malaysia (336,3 tỷ USD), đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ tư trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia 1.088,8 tỷ USD; Thái Lan 509,2 tỷ USD và Philippines 367,4 tỷ USD).

Tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công

Theo đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế, năm 2021, kinh tế thế giới sẽ bước vào quá trình phục hồi, sau khi đã bị suy giảm sâu trong năm 2020 do tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, quá trình này giữa các quốc gia là rất khác nhau, phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch, kiểm soát chống dịch của mỗi quốc gia. Ngoài ra, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gay gắt, nguy cơ bất ổn tài chính toàn cầu gia tăng... ảnh hưởng trực tiếp đến các động lực tăng trưởng, đòi hỏi cần có các giải pháp tổng thể, kích thích tăng trưởng kinh tế, bảo vệ việc làm và bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người lao động. Do đó, việc nghiên cứu, đề xuất những giải pháp chính sách để tiếp tục hỗ trợ, duy trì quá trình phục hồi của nền kinh tế trong năm 2021 đang được đặt ra, trong đó tập trung triển khai đồng bộ giải pháp về chính sách tài khóa, tiền tệ.

Theo Lãnh đạo Bộ Tài chính, các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 cần được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm để tạo động lực và bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt và vượt mục tiêu đề ra. Theo đó, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các bộ, ngành, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành, địa phương và các dự án có khả năng tốt hơn. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cần chủ động thực hiện nhiều giải pháp như rà soát sửa đổi cơ chế kiểm soát thanh toán vốn đầu tư để phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công; đơn giản hóa thủ tục kiểm soát chi với nguyên tắc thanh toán trước, kiểm soát sau; rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán từ 7 ngày xuống còn 1 - 3 ngày làm việc, rút ngắn thời gian rút vốn nước ngoài chỉ còn 1 ngày; tăng cường thực hiện kiểm soát chi, rút vốn và giải ngân qua hệ thống công nghệ thông tin.

C:\Users\vuongnguyetminh\Desktop\z4.2.jpg

Để thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2021, giúp đầu tư công thực sự trở thành “trụ cột” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngay từ khâu lập kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2021, nguyên tắc tập trung bố trí cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành, đảm bảo thủ tục đầu tư cần tiếp tục được quán triệt. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với quy định mới ở Luật Đầu tư công, việc nhận nhiều vốn chưa chắc đã là tốt nếu không có phương án giải ngân hợp lý, đúng tiến độ. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải thận trọng, tính toán kỹ lưỡng khi lập kế hoạch, bố trí vốn sát với khả năng thực hiện của dự án, bảo đảm giải ngân hết, hạn chế việc phải điều chuyển, cắt giảm kế hoạch, ảnh hưởng đến tổng thể kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Việc xây dựng kế hoạch vốn tất nhiên sẽ có sự “xê dịch” nhất định, nhưng các bộ ngành, địa phương phải cố gắng làm sao để sát nhất, không tạo ra khoảng cách thừa thiếu quá lớn.

Đặc biệt, cần phải xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm trong năm 2021, theo đó trước hết về xây dựng chế độ, chính sách, nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công nhằm tạo khung pháp lý đồng bộ về quản lý, thanh, quyết toán các dự án đầu tư công theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan cần được ban hành. Quy trình thanh toán, quyết toán cần được minh bạch hóa, quy định rõ trách nhiệm giữa chủ đầu tư, các đơn vị liên quan và cơ quan thanh toán trong quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, tích cực phối hợp rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công, xây dựng, quy hoạch..., kiến nghị hướng dẫn rõ hoặc sửa đổi, bổ sung bảo đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo, thuận lợi trong quá trình triển khai các chương trình, dự án đầu tư công.

Ngoài ra, việc kiểm tra phân bổ vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần được thực hiện kịp thời nhằm đảm bảo việc giao kế hoạch vốn theo đúng nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân thì kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; không xét thi đua khen thưởng, hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với người đứng đầu, chủ đầu tư và cá nhân liên quan.

Với các giải pháp mạnh mẽ của từng bộ, ngành, địa phương đặt ra ngay từ đầu năm 2021, cũng những điểm nổi bật trong Luật Đầu tư công và nhiều quy định mới sẽ giúp toàn bộ quy trình đầu tư công được quản lý chặt chẽ hơn, hoạt động phân cấp, trao quyền, trao sự chủ động trong quản lý hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh triển khai gắn với trách nhiệm của từng cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc quản lý sử dụng vốn nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư.

Văn Hùng