Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng trong tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp không những tăng trưởng về số lượng, mà còn tăng cả về giá trị vốn đăng ký cũng như số lao động, cho thấy tín hiệu tích cực từ hiệu quả chính sách.
Doanh nghiệp khởi sắc
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 01/2021, cả nước có gần 10,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 155,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 115,9 nghìn lao động, tăng 21,9% về số doanh nghiệp, tăng 25,9% về vốn đăng ký và tăng 37,2% về số lao động so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng trong tháng 1, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp vào nền kinh tế trong tháng 01/2021 là 395,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 15,4 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 240 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 4.015 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 01/2021 là 395,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, có 6.503 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 01/2021 lên 16.594 doanh nghiệp, nhưng vẫn giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, có 25.752 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 18.055 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 54,3%; 5.602 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,8%; 2.095 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 29,2%.
Ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, việc thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, cùng với việc Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp được ban hành với nhiều điểm đổi mới, Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp với nhiều thủ tục khác đã mở ra những hy vọng khởi sắc cho hoạt động phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; xây dựng, điều hành thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đổi mới sáng tạo, xây dựng các mô hình kinh tế mới và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư… cũng tạo ra những cơ hội thuận lợi để phát triển doanh nghiệp hoạt động.
Với sự phát của các doanh nghiệp cùng với từ kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2020, Tổng cục Thống kê dự kiến trong quý I/2021 so với quý IV/2020, sẽ có 42,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 38,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất - kinh doanh sẽ ổn định.
Tạo môi trường hoạt động tốt nhất cho doanh nghiệp
Để phát triển doanh nghiệp, vấn đề cải cách nhằm nâng cao hơn hiệu quả phục vụ doanh nghiệp vẫn là nội dung quan trọng trong thời gian tới, giúp doanh nghiệp ra đời và hoạt động trong điều kiện tốt nhất, lớn lên bình đẳng; từ đó nền kinh tế sẽ được tiếp sức bằng nhiều nguồn lực tổng hợp. Đó là cội nguồn, điều kiện đầu vào tạo ra tăng trưởng.
Đồng thời, cần xác định một trong ba đột phá chiến lược là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…, trong đó ưu tiên hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế... Đây là nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa dẫn hướng cho hành động và đáp ứng nhu cầu chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp.
Để hoàn thành mục tiêu trên, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, con đường trở thành nước phát triển đang ngày càng rút ngắn hơn; một phần nhờ vào những cải cách về thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao trình độ quản trị và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ. Từ thời điểm hiện tại, chúng ta có thể nhìn về 25 năm tiếp theo và cùng hi vọng Việt Nam sẽ đứng trong nhóm những nước phát triển, có vị thế trên thế giới.
Cùng với đó, khối lượng lớn các văn bản hướng dẫn trình cấp có thẩm quyền ban hành cần được hoàn thành nhằm tạo điều kiện môi trường, hành lang pháp lý tốt cho doanh nghiệp vận hành… Theo đó, các bộ cần tăng cường công tác tham mưu, xây dựng thể chế cũng như vai trò tiên phong trong việc chủ động đề xuất cải cách, đổi mới hướng tới mục tiêu tạo hành lang pháp lý cho việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao hiệu quả phân bổ, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; thúc đẩy kinh tế tư nhân, đổi mới sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách, nhất là thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.
Khung pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công cần được xây dựng và hoàn thiện, đồng thời các đơn vị chức năng cần phối hợp xây dựng chính sách thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, như kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, đô thị thông minh… đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung. Ngoài ra, cần đẩy nhanh triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các bộ, cơ quan và địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt cần quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ yếu thế; nâng cao đạo đức công vụ, quan tâm xử lý nhanh những kiến nghị của doanh nghiệp; tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp, hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp cả về chính sách, chia sẻ cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ngoài ra, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có liên quan đối với quá trình hoạt động, phát triển của doanh nghiệp để phát hiện ra những sai phạm, thiếu sót, đồng thời biểu dương, khen thưởng với doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, bảo đảm đầy đủ các tiêu chí theo quy định của pháp luật, luật doanh nghiệp.
Hà Minh