(TTXVN) Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2021 vẫn duy trì được đà phục hồi với nhiều dấu hiệu khởi sắc với những điểm sáng.
Với những điểm sáng của nền kinh tế trong tháng 01/2021 như: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt được kết quả nổi bật... Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong cả ngắn và dài hạn. Do đó, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động có những giải pháp quyết liệt để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Những điểm sáng kinh tế
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2021 vẫn duy trì được đà phục hồi với nhiều dấu hiệu khởi sắc với những điểm sáng. Cụ thế, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1 tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo đạt 27,2%.
Sản xuất nông nghiệp cơ bản đạt kế hoạch, đáp ứng tốt nhu cầu và giúp giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết ổn định, không có biến động lớn.
Thương mại trong nước tăng 6,4% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu gia tăng và sự tham gia của các doanh nghiệp thông qua chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân.
Lạm phát được kiểm soát dù phải chịu áp lực từ nhu cầu tiêu dùng tăng. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 01/2021 tăng 0,06% so với tháng 12/2020, chủ yếu do điều chỉnh tăng giá xăng, dầu và giá các mặt hàng tăng do nhu cầu mua sắm Tết. Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định. Lãi suất huy động tiếp tục xu hướng giảm.
Dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ duy trì ở mức ổn định trong các tháng đầu năm 2021, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn và phục hồi.
Cùng với đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục có những chuyển biến tích cực với hơn 10 nghìn doanh nghiệp, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2020 với số lao động đăng ký mới ở mức cao, đạt trên 115 nghìn người, tăng 37,2%.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tuy giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn giữ xu hướng tăng, đạt 6.503 doanh nghiệp, cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây. Điều này phản ánh niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế nước ta. Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì mức tăng trưởng ấn tượng với ước tính tháng 01/2021, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước.
Hai thị trường có mức xuất siêu lớn nhất là Hoa Kỳ và EU, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường nhập siêu lớn nhất.
Nổi bật là giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước đạt được kết quả nổi bật cho thấy, sự đúng đắn, hiệu quả của những giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua.
Tính đến hết tháng 01/2021, ước giải ngân năm 2020 đạt 452,4 nghìn tỷ đồng, bằng 96,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù, nền kinh tế có nhiều điểm sáng, nhưng cuối tháng 012021, dịch COVID-19 xuất hiện trở lại trong cộng đồng với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh.
Bên cạnh đó, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, thu hút nguồn vốn FDI suy giảm và khu vực dịch vụ, du lịch phục hồi chậm.
“Dự báo dịch COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong cả ngắn và dài hạn. Do đó, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động có những giải pháp quyết liệt để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Cần những giải pháp tích cực
Dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại trong cộng đồng, với tốc độ lây lan nhanh và số lượng người lây nhiễm khá lớn; đã có một số địa phương ở Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh… phải thực hiện phong tỏa, hoặc giãn cách xã hội. Ở các địa phương đang có dịch bệnh, ảnh hưởng dễ thấy nhất là nhu cầu mua sắm giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng sẽ khó khăn hơn, mặc dù mùa Tết Nguyên đán là cơ hội để kích cầu tiêu dùng.
Riêng ở Quảng Ninh, hoạt động du lịch sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định ngay trong dịp Tết Nguyên đán. Các dịch vụ vận tải hành khách bị tạm dừng, sân bay Vân Đồn đã phải đóng cửa; các hãng hàng không, hãng vận tải sẽ thêm một lần nữa ngưng trệ hoạt động…
Tương tự, tại Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội cũng bị ảnh hưởng khi các công ty, khu công nghiệp phải thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch bệnh… Nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng nếu như dịch bệnh không sớm được khống chế.
Một trong những giải pháp được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra là cần tập trung, chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu; cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm lao động. Theo đó, trước mắt, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu trong dịp Lễ, Tết, nhất là các mặt hàng thực phẩm; đôn đốc các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng, đẩy mạnh cung ứng, bảo đảm về số lượng, chất lượng với mức giá ổn định.
Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi để phát triển thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường đầu ra qua hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ lần thứ tư để thúc đẩy quản lý theo chuỗi, tạo điều kiện thuận lợi truy xuất nguồn gốc; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi…
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, hiện nay, có thực tế là tại các tỉnh đang có dịch như: Hải Dương, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận, người nông dân, nhà sản xuất đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bán hàng phục vụ Tết như cây cảnh, thực phẩm, hàng nông sản… nhưng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, thậm chí có nhiều hợp đồng, đơn hàng đã ký kết nhưng bị hủy bỏ. Đây là thời điểm khó khăn của người nông dân, nhà sản xuất.
Trước khó khăn trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đến nay, về cung ứng hàng hóa cho dịp Tết cũng như phòng chống dịch bệnh, Bộ Công Thương đã có phương án cụ thể với các địa phương cũng như các Trung tâm thương mại lớn với những kinh nghiệm thực tiễn và dự báo đánh giá.
"Tuy nhiên, chúng tôi có băn khoăn câu chuyện cơ chế chính cách để địa phương chủ động hơn đối với sản phẩm nguồn cung và việc mua các sản phẩm thiết bị để phục vụ phòng chống dịch cũng như cân đối cả thị trường. Chúng tôi cần Bộ Y tế thông tin đầy đủ để các cơ sở tại địa phương tham gia sâu hơn và có sự chủ động cho các phương án cung cấp sản phẩm."” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Tung ương, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, với những dấu hiệu tích cực, chúng ta có thể lạc quan nhưng không được chủ quan. Vì cần phải nói rõ, dù có rất nhiều dự báo tích cực hơn về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, song cùng với các dự báo lạc quan đó, bao giờ cũng có điều kiện kèm theo là dịch COVID-19 được khống chế tốt hơn. Hiện nay, COVID-19 đã dấu hiệu bùng phát trở lại.
“Kinh tế Việt Nam trong tháng tới ra sao sẽ phụ thuộc khá lớn vào “ẩn số” COVID-19. Chính phủ nên có gói hỗ trợ thứ hai để phục vụ cho hai mục tiêu phục hồi và tăng trưởng. Với mục tiêu phục hồi, chúng ta nên tập trung chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đối phó những tác động do dịch COVID-19. Cần tránh những chính sách gây ra tác động ngược”, ông Hiếu cho biết.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 01/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới. Theo đó, một trong những nhiệm vụ đó là quyết liệt phòng chống COVID-19 và thực hiện mục tiêu kép; tập trung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng đầu năm để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2021; chăm lo Tết cho người dân để tất cả người dân đều có Tết; nghiên cứu xây dựng đề án về gói hỗ trợ thứ 2 cho người dân và doanh nghiệp và cần thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư...
Thúy Hiền