(HQ Online) Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực từ tăng trưởng kinh tế và các yếu tố vĩ mô khác. Niềm tin - hy vọng là những điều mà doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hướng đến bởi những "cánh cửa sáng" đang dần hé mở cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hứa hẹn nhiều đổi mới
Năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 thị trường chứng khoán có sức chống chịu với đại dịch và phục hồi tốt nhất thế giới trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và chứng khoán nói riêng chịu tác động mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19.
Kết quả này có được là nhờ việc Chính phủ đã kiểm soát tốt dịch bệnh và nhanh chóng có những giải pháp phục hồi nền kinh tế. Năm 2020 cũng để lại dấu ấn sâu sắc trong công tác điều hành cũng như hỗ trợ thị trường. Nhớ lại quãng thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây không ít hoang mang cho giới đầu tư, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia sớm có những hành động quyết liệt để trấn an nhà đầu tư, hỗ trợ tích cực cho thị trường. Lúc đó, Chính phủ cũng như Bộ Tài chính đã kiên định với chính sách không can thiệp hành chính vào thị trường và coi chứng khoán là ngành thiết yếu, từ đó đã có nhiều giải pháp điều hành, hỗ trợ phù hợp.
Với những thành tựu trên, năm 2021 đã mở ra với niềm tin, hy vọng cho doanh nghiệp niêm yết và cả những nhà đầu tư. Niềm tin đó được xây dựng bởi sự tin tưởng vào công tác điều hành. Hơn nữa, với thị trường chứng khoán năm nay sẽ là năm hứa hẹn có nhiều đổi mới, cải tiến trong vận hành thị trường.
Trước hết, ngay sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) sẽ thực hiện “test” kiểm tra hệ thống công nghệ thông tin thị trường chứng khoán mới (KRX) với các công ty chứng khoán. Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đây là hệ thống do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) là nhà thầu nhằm thay đổi hoàn toàn nền tảng công nghệ thông tin của thị trường chứng khoán Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao trong tương lai. Sau khi hệ thống mới hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam mới có thể triển khai giao dịch trong ngày, T+0, đối tác thanh toán bù trừ (CCP- cơ sở để có thể triển khai nhà đầu tư chỉ cần có 20 - 30% tiền có thể mua chứng khoán thay vì phải có 100% tiền như hiện tại).
Cùng với việc vận hành thử nghiệm hệ thống mới, Quyết định thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/02, thời gian thực hiện trong vòng 2 năm phải hoàn thiện mô hình hoạt động. Trong năm 2021, cơ quan quản lý sẽ hoàn thiện các yếu tố liên quan như: Quy chế, điều lệ, quy chế tổ chức hoạt động...
Đặc biệt, năm 2021, Luật Chứng khoán đã chính thức có hiệu lực. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn với mục tiêu tạo ra một môi trường minh bạch, chuyên nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tiến từng bước tới mục tiêu nâng hạng
Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực từ tăng trưởng kinh tế và các yếu tố vĩ mô khác. Tuy nhiên, nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán dự báo sẽ còn gặp nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 còn kéo dài, căng thẳng thương mại chưa thuyên giảm và các rủi ro tài chính hiện hữu. Trong bối cảnh đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra các giải pháp cụ thể, quyết liệt triển khai trong những ngày đầu, tháng đầu năm 2021 để vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vừa hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững trong năm mới.
Theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan quản lý đó chính là tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng quy mô và chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán, thúc đẩy quy mô và thanh khoản thị trường, đưa thêm các sản phẩm mới. Song song với đó, Ủy ban sẽ tăng cường năng lực giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Với những yếu tố "then chốt" hỗ trợ được tạo bởi cơ quan quản lý, năm 2021 thị trường chứng khoán Việt Nam được kì vọng sẽ tiếp tục bứt phá tăng điểm và lập nên các kỉ lục mới. Hiện nay Việt Nam đang có nhiều bước tiến để tiến gần đến mục tiêu nâng hạng thị trường. Trong đó, FTSE Russell giữ Việt Nam tại bảng theo dõi nâng hạng khi trong buổi tiếp xúc gần nhất. Ủy ban Chứng khoán cũng đã cung cấp nhiều thông tin cho MSCI để chuẩn bị cho việc đánh giá. Theo ông Trần Văn Dũng, với những tiền đề chúng ta đang xây dựng và hoàn thiện, tới năm 2022, Việt Nam sẽ đạt các yêu cầu nâng hạng lên thị trường mới nổi và sớm nhất tới năm 2023 - 2024 thực hiện được mục tiêu đó.
Bảo Minh