Tin kinh tế - tài chính trong nước tuần 04 - 08/01/2021

Tin kinh tế - tài chính trong nước tuần 04 - 08/01/2021 08/01/2021 16:22:00 287

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tin kinh tế - tài chính trong nước tuần 04 - 08/01/2021

08/01/2021 16:22:00

Tổng cung

 

Tăng trưởng

 

Sản xuất công nghiệp

Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2020, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 3,36% so với năm 2019, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tính chung giai đoạn 2015 - 2020, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp (theo giá so sánh 2010) tăng từ 810,438 nghìn tỷ đồng (năm 2015) lên 1.145,437 nghìn tỷ đồng (năm 2020). Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị gia trong công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng 7,16%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn đến năm 2020 là 6,5 - 7%/năm.

Điểm nổi bật là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, cùng đó là giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, tỷ trọng nhóm ngành ngành khai khoáng trong GDP liên tục giảm, từ 9,1% (năm 2010) xuống còn khoảng 8,1% (năm 2016) và 6,72% (năm 2019) và ước chỉ còn 5,55% (năm 2020).

Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82% trong năm 2020. Xét cả giai đoạn 2016 - 2020, nhóm ngành này liên tục được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm, tăng từ 14,27% (năm 2016) lên 16,48% (năm 2019) và ước đạt 16,7% (năm 2020).

(Theo TTXVN ngày 07/01)

Doanh nghiệp

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng đến nay hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đã có dấu hiệu phục hồi. Trong năm 2020, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 44.096, tăng 11,9% so với năm 2019. Trong đó, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 15.849 doanh nghiệp, tăng 3,7%; xây dựng có 6.545 doanh nghiệp, tăng 6,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo có 5.369 doanh nghiệp, tăng 16,1%; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 2.576 doanh nghiệp, tăng 24,6%...

Cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh đánh giá, đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động sản xuất - kinh doanh đã có dấu hiệu phục hồi, nhiều doanh nghiệp đã tìm được hướng kinh doanh mới, đặc biệt là các ngành nghề liên quan tới du lịch - lĩnh vực có sự tác động rất lớn đến nhiều ngành nghề dịch vụ khác. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, thị trường trong nước với gần 100 triệu dân chính là cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi, là động lực chính cho sản xuất, phát triển kinh tế.

(Theo baodauthau.vn ngày 02/01)

Trong năm 2020, nhiều doanh nghiệp đã chủ động có văn bản đề nghị tạm dừng, hoặc chấm dứt hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan, nhiều trường hợp không duy trì được điều kiện về nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan theo quy định để tiếp tục hoạt động. Tính lũy kế đến hết năm 2020, lĩnh vực hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan có khoảng 970 doanh nghiệp (riêng số đại lý phát sinh mới trong năm 2020 là 90 đại lý) và hơn 1.700 cá nhân được cấp mã nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan thuộc các đại lý này.

Đáng chú ý, năm 2020, Tổng cục Hải quan đã thực hiện thực hiện chấm dứt hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan đối với 306 đại lý do không đủ điều kiện hoạt động hoặc không có nhu cầu hoạt động; tạm dừng hoạt động đối với 338 đại lý có vi phạm về chế độ báo cáo định kỳ, không hoạt động đúng địa chỉ đăng ký với cơ quan hải quan, mã số nhân viên đại lý hải quan hết hạn theo quy định.

(Theo haiquanonline.com.vn ngày 05/01)

Tổng cầu

 

Đầu tư

Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng 74,994 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn dự phòng 10% vốn ngân sách trung ương tại địa phương cho các dự án của các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Cao Bằng; bổ sung 100 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương trong nước giai đoạn 2016 - 2020 cho tỉnh Quảng Bình để thực hiện dự án tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết số 797/NQ-UBTVQH14 ngày 24/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương trong nước năm 2020 là 134,994 tỷ đồng đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, trong đó: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (37,072 tỷ đồng), Gia Lai (9,414 tỷ đồng), thành phố Hồ Chí Minh (35,983 tỷ đồng), Cần Thơ (27,828 tỷ đồng), Bình Dương (14,145 tỷ đồng), Nghệ An (10,552 tỷ đồng); đồng thời điều chỉnh tăng 134,994 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương trong nước năm 2020 cho các địa phương: Quảng Bình (30 tỷ đồng), Quảng Trị (29,994 tỷ đồng), Quảng Nam (25 tỷ đồng), Phú Yên (30 tỷ đồng), Cao Bằng (20 tỷ đồng) để thực hiện các dự án theo đề xuất của địa phương.

Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm 5.969,755 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2020 đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; đồng thời, điều chỉnh tăng 172,064 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2020 cho Bộ Y tế và các địa phương để thực hiện dự án theo đề xuất.

(Theo TTXVN ngày 05/01)

Ngân sách
nhà nước

Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2023, ngành Tài chính sẽ phấn đấu thu ngân sách khoảng 4,33 triệu tỷ đồng; đạt tỷ lệ huy động thu vào ngân sách bình quân khoảng 15,5% GDP. Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại thu, tăng tỷ trọng thu nội địa đến năm 2023 khoảng từ 85 - 86% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN). Dự kiến tổng chi khoảng 5,4 triệu tỷ đồng và bội chi NSNN bình quân khoảng 3,8% GDP. Nợ công đến năm 2023 khoảng 48,1% GDP.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, dưới tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 đã và đang tạo ra những thách thức đối với Kế hoạch NSNN trung hạn 3 năm 2021 - 2023 trong việc bảo đảm lộ trình thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh chuẩn trợ cấp xã hội, chuẩn nghèo...

Riêng đối với năm 2021, dự toán thu là 1.343.330 tỷ đồng, đạt tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,5% GDP. Trong số đó, cơ cấu thu tiếp tục xu hướng chuyển dịch tích cực, với tỷ trọng thu nội địa chiếm 84,4%, thu dầu thô chiếm 1,7% và thu cân đối xuất - nhập khẩu chiếm 13,3%. Trong bối cảnh dự kiến thu NSNN còn khó khăn do tình hình sản xuất - kinh doanh của người dân và doanh nghiệp cần thời gian phục hồi do tác động của dịch Covid-19, dự toán chi NSNN là 1.687.000 tỷ đồng, thấp hơn 60.100 tỷ đồng so với dự toán năm 2020.

(Theo TTXVN ngày 05/01)

Ngành Tài chính thực hiện thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) trong năm 2020 đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 98% dự toán điều chỉnh bổ sung và tăng gần 184.000 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội. Như vậy, tỷ lệ động viên vào ngân sách tương ứng 23,9% GDP. Trong đó, thu nội địa cơ bản đạt dự toán, cụ thể thu từ dầu thô đạt 98,3% và tổng thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt 93,8% dự toán, sau khi trừ hoàn thuế giá trị gia tăng phần cân đối ngân sách đạt 86,2% dự toán.

Về chi NSNN, Bộ Tài chính đã chủ động trình cấp thẩm quyền cho phép thực hiện những biện pháp, như yêu cầu tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác đồng thời chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở và yêu cầu các địa phương chủ động điều hành ngân sách địa phương.

Nhờ chủ động trong điều hành, NSNN đã bố trí đủ nguồn đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chính trị quan trọng, trong đó có chi đầu tư phát triển, chi đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh theo dự toán. Cụ thể, năm 2020, NSNN đã chi hơn 18.000 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ngân sách trung ương đã dành 12.400 tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ; xuất cấp gần 37.000 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm. Ngoài ra, các địa phương cũng chủ động sử dụng khoảng 8.200 tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương và nguồn lực tại chỗ để chi cho công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã điều hành việc phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc phù hợp với yêu cầu sử dụng NSNN. Kết quả, kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân khoảng 13,94 năm (gấp trên 3,5 lần năm 2011) đồng thời lãi suất bình quân khoảng 2,86%/năm và bằng 1/4 lãi suất phải trả năm 2001, điều này đã góp phần tiết kiệm cho NSNN cũng như củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

(Theo TTXVN ngày 08/01)

Cân đối vĩ mô

 

Lao động

Năm 2020, thế giới gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, dẫn đến suy thoái kinh tế chung. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện "mục tiêu kép": phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Trong thành công này, khoa học công nghệ có những đóng góp quan trọng. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương 2,91%, nằm trong nhóm tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Năng suất lao động được cải thiện, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%/năm) và vượt mục tiêu đề ra (5%/năm). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30 - 35%). Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu cơ bản đã góp phần phát triển một số hướng ứng dụng liên ngành, đa ngành giúp tiếp thu, làm chủ các công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất và đời sống. Năm 2020, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng gấp 1,4 lần so với năm 2019.

(Theo vnexpress.net ngày 06/01)

 

Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 71,6% lao động, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%. Lực lượng lao động tiếp tục tăng theo đà hồi phục của quý III/2020 nhưng vẫn chưa thể trở về trạng thái ban đầu khi chưa có dịch. Tính chung năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,6 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với năm 2019. Trong giai đoạn 2016 - 2019, trung bình mỗi năm lực lượng lao động tăng 0,8%. Nếu lực lượng lao động năm 2020 duy trì tốc độ tăng như giai đoạn 2016 - 2019 và không có dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 1,6 triệu lao động.

(Theo TTXVN ngày 06/01)

Tín dụng

Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2021, các chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 có thể đạt 13 - 14% nhờ những tín hiệu phục hồi kinh tế. Con số này cao hơn mức ước tăng trưởng tín dụng năm 2020 là khoảng 11 - 12% và tương đối sát với trung bình tăng trưởng tín dụng năm 2018 và 2019 là trên 13%. Theo SSI, tín dụng có thể tăng trưởng phục hồi trở lại trong năm 2021 nhờ một số tín hiệu tích cực. Trong đó, phải kể đến tín hiệu phục hồi bắt đầu từ việc điều chế vắc-xin Covid-19 thành công. Hiện vắc-xin Covid-19 đang bước vào giai đoạn thử nghiệm, SSI kỳ vọng sẽ tạo một “cú hích” cho nền kinh tế trong năm 2021 và dần phục hồi vào nửa cuối năm 2021. Theo đó, thương mại quốc tế, sản xuất và tiêu dùng có thể khôi phục và giúp hoạt động cho vay tăng trở lại. Cho vay bán lẻ ước tính quay lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đây sau khi gián đoạn trong năm 2020. Tỷ lệ tăng trưởng gộp hằng năm (CAGR) đối với cho vay bán lẻ là 28,5% trong giai đoạn 2016 - 2019 và giảm còn 8,3% so với 9 tháng đầu năm 2020.

(Theo TTXVN ngày 06/01)

Thị trường tài sản

 

Chứng khoán

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, trong tháng 12/2020, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 63.629 tài khoản, cao nhất kể từ trước tới nay. Với việc tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng cao kỷ lục trong tháng cuối năm 2020 đã đưa số lượng tài khoản giao dịch lên gần 2,73 triệu tài khoản. Cùng với nhà đầu tư cá nhân, số tài khoản chứng khoán mở mới của các tổ chức trong nước cũng tăng cao, với 168 tài khoản mở mới trong tháng 12, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tính đến cuối năm 2020, số tài khoản của tổ chức trong nước là 11.251 tài khoản.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài mở mới 371 và 15 tài khoản trong tháng 12/2020, đưa tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài lần lượt lên mức 31.134 và 3.927 tài khoản.

(Theo TTXVN ngày 05/01)

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, năm 2020, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã huy động thành công 323.952 tỷ đồng, hoàn thành 108% kế hoạch điều chỉnh năm 2020 thông qua đấu thầu trái phiếu tại HNX.

Tháng 12/2020, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) tại HNX có diễn biến sôi động trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Trên thị trường sơ cấp, thông qua 25 đợt đấu thầu, các tổ chức phát hành đã huy động được tổng cộng 52.988 tỷ đồng trái phiếu, tăng 43,6% so với tháng 11/2020. Theo đó, KBNN huy động được 43.613 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động được 6.900 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động được 2.475 tỷ đồng.Tỷ lệ trúng thầu thành công tháng 12/2020 đạt 83,6%, khối lượng đặt thầu gấp 2,5 lần khối lượng gọi thầu. So với tháng 11/2020, lãi suất trúng thầu của trái phiếu KBNN giảm tại các kỳ hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm với mức giảm từ 0,1 - 0,2%/năm. Trên thị trường TPCP thứ cấp tháng 12/2020, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 14.029 tỷ đồng/phiên, tăng 22,8% so với tháng 11/2020 và là mức lớn nhất trong năm 2020. Đặc biệt, trong tháng 12/2020 có nhiều phiên giao dịch có giá trị giao dịch đạt tới 15.000 tỷ đồng/phiên.

Khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch thông thường (outright) đạt hơn 1,93 tỷ trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt 213.700 tỷ đồng, tăng 30,38% về giá trị so với tháng trước. Khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch mua bán lại (repos) đạt hơn 1 tỷ trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 108.900 tỷ đồng, tăng 43,66% về giá trị so với tháng trước. Giá trị giao dịch repos chiếm 33,76% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, không có giao dịch repos nào được thực hiện. Đối với giao dịch outright của nhà đầu tư nước ngoài, giá trị mua đạt hơn 3.620 tỷ đồng, giá trị bán đạt hơn 2.410 tỷ đồng. Như vậy trong tháng 12/2020, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1.211 tỷ đồng, giá trị mua ròng lớn nhất trong năm 2020. Lũy kế 12 tháng đầu năm 2020, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3.950 tỷ đồng trên thị trường TPCP.

Năm 2020, quy mô và thanh khoản trên thị trường TPCP tiếp tục tăng trưởng, theo đó giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 10.270 tỷ đồng/phiên, tăng 13,73% so với năm 2019. Quy mô niêm yết TPCP tính đến hết ngày 31/12/2020 đạt hơn 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 17,39% so với năm 2019.

(Theo TTXVN ngày 05/01)

Theo Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 12/2020, các chỉ số chứng khoán trên HOSE tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng khá tích cực. Cụ thể, chỉ số VN-Index đạt 1103,87 điểm, đạt mức cao nhất trong năm 2020, tăng 10,05% so với cuối tháng 11/2020 và tăng 14,87% so với đầu năm 2020; VNAllshare đạt 1032,41 điểm, tăng 11,39% so với cuối tháng 11/2020 và tăng 22,09% so với đầu năm 2020; VN30 đạt 1070,77 điểm, tăng 10,86% so với cuối tháng 11/2020 và tăng 21,81% so với đầu năm 2020. Các chỉ số ngành tăng nhiều nhất trong tháng gồm ngành tài chính (VNFIN) tăng 18,53%, ngành nguyên vật liệu (VNMAT) tăng 14,21%, ngành hàng tiện ích (VNUTI) tăng 11,85%.

Cùng với đà tăng của các chỉ số chứng khoán, tổng khối lượng và giá trị giao dịch cổ phiếu trên HOSE cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Trong tháng 12/2020, khối lượng giao dịch đạt hơn 13,6 tỷ cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch đạt 286.270 tỷ đồng, tăng lần lượt 63,08% và 59,85% so với tháng 11. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt hơn 12.440 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt trên 591 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng tăng 45,95% về giá trị và 48,90% về khối lượng so với tháng trước.

Tính chung trong năm 2020, thanh khoản thị trường tăng trưởng với khối lượng giao dịch bình quân/phiên đạt 335,5 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch/phiên đạt 6.290 tỷ đồng, tăng lần lượt 83,84% và 52,41% so với năm 2019.

(Theo TTXVN ngày 06/01)