Thực hiện Quyết định số 2180/QĐ-BTC ngày 25/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Đánh giá tác động của xung đột chính trị, thương mại, xu hướng bảo hộ mậu dịch đối với Việt Nam và khuyến nghị chính sách tài chính" do TS. Lê Quang Thuận, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính làm Chủ nhiệm.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu Đề tài
Một số thông tin chính của Đề tài:
1. Mục tiêu nghiên cứu
Đề xuất kiến nghị đối sách của Việt Nam, trọng tâm là chính sách tài chính, nhằm phòng ngừa và hạn chế tác động tiêu cực của tình hình căng thẳng chính trị, xung đột thương mại và xu hướng bảo hộ mậu dịch.
2. Đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Tác động của tình hình căng thẳng chính trị, xung đột thương mại và xu hướng bảo hộ mậu dịch trên thế giới đối với Việt Nam.
- Phạm vi nghiên cứu:
+ Về nội dung: Đề tài nghiên cứu bản chất tình hình căng thẳng chính trị, xung đột thương mại và xu hướng bảo hộ mậu dịch trên thế giới và tác động của các vấn đề này đối với Việt Nam trên các khía cạnh: Tác động đối với kinh tế vĩ mô của Việt Nam; tác động đối với tài chính - ngân sách của Việt Nam; tác động đối với dòng vốn đầu tư vào Việt Nam; tác động đối với doanh nghiệp Việt Nam; tác động đối với xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam.
+ Về không gian: Tập trung nghiên cứu tình hình căng thẳng chính trị nổi bật ở các khu vực trên thế giới, các nền kinh tế lớn trên thế giới.
+ Về thời gian: Các vấn đề chính trị, kinh tế thế giới thường diễn biến phức tạp, đan xen tác động lẫn nhau và có quá trình vận động kéo dài, có những yếu tố lịch sử để lại. Tuy nhiên, Đề tài chỉ tập trung nghiên cứu trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến nay do một số cường quốc có điều chỉnh chiến lược, chính sách mạnh mẽ nhất, cạnh tranh giữa các nước lớn gay gắt nhất, xung đột thương mại và xu hướng bảo hộ mậu dịch biểu hiện rõ.
- Phương pháp nghiên cứu: Đề tài sử dụng phương pháp phân tích, đánh giá và phương pháp chuyên gia, tư duy logic biện chứng. Đề tài cũng tham khảo kết quả tính toán của các nghiên cứu có liên quan để làm rõ các nhận định, phân tích tác động đối với Việt Nam.
3. Kết cấu của đề tài
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung chính của Đề tài được kết cấu thành 4 chương:
- Chương 1: Bối cảnh cục diện chính trị thế giới và dự báo
- Chương 2: Tình hình kinh tế, tài chính thế giới và dự báo
- Chương 3: Tác động của căng thẳng chính trị, xung đột thương mại và xu hướng bảo hộ mậu dịch đối với Việt Nam
- Chương 4: Khuyến nghị đối sách của Việt Nam nhằm phòng ngừa và hạn chế tác động tiêu cực của căng thẳng chính trị, xung đột thương mại và xu hướng bảo hộ mậu dịch.
Trung tâm TT&DVTC