Tin kinh tế - tài chính trong nước ngày 07/01/2021

Tin kinh tế - tài chính trong nước ngày 07/01/2021 07/01/2021 16:32:00 250

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tin kinh tế - tài chính trong nước ngày 07/01/2021

07/01/2021 16:32:00

Tổng cung

 

Sản xuất công nghiệp

Theo TTXVN ngày 07/01, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2020, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 3,36% so với năm 2019, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tính chung giai đoạn 2015 - 2020, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp (theo giá so sánh 2010) tăng từ 810,438 nghìn tỷ đồng (năm 2015) lên 1.145,437 nghìn tỷ đồng (năm 2020). Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị gia trong công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng 7,16%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn đến năm 2020 là 6,5 - 7%/năm.

Điểm nổi bật là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, cùng đó là giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, tỷ trọng nhóm ngành ngành khai khoáng trong GDP liên tục giảm, từ 9,1% (năm 2010) xuống còn khoảng 8,1% (năm 2016) và 6,72% (năm 2019) và ước chỉ còn 5,55% (năm 2020).

Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82% trong năm 2020. Xét cả giai đoạn 2016 - 2020, nhóm ngành này liên tục được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm, tăng từ 14,27% (năm 2016) lên 16,48% (năm 2019) và ước đạt 16,7% (năm 2020).

Năng suất lao động

Theo vnexpress.net ngày 06/01, năm 2020, thế giới gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, dẫn đến suy thoái kinh tế chung. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện "mục tiêu kép": phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Trong thành công này, khoa học công nghệ có những đóng góp quan trọng. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương 2,91%, nằm trong nhóm tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Năng suất lao động được cải thiện, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%/năm) và vượt mục tiêu đề ra (5%/năm). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30 - 35%). Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu cơ bản đã góp phần phát triển một số hướng ứng dụng liên ngành, đa ngành giúp tiếp thu, làm chủ các công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất và đời sống. Năm 2020, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng gấp 1,4 lần so với năm 2019.

Tổng cầu

 

Ngân sách nhà nước

Theo TTXVN ngày 08/01, ngành Tài chính thực hiện thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) trong năm 2020 đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 98% dự toán điều chỉnh bổ sung và tăng gần 184.000 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội. Như vậy, tỷ lệ động viên vào ngân sách tương ứng 23,9% GDP. Trong đó, thu nội địa cơ bản đạt dự toán, cụ thể thu từ dầu thô đạt 98,3% và tổng thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt 93,8% dự toán, sau khi trừ hoàn thuế giá trị gia tăng phần cân đối ngân sách đạt 86,2% dự toán.

Về chi NSNN, Bộ Tài chính đã chủ động trình cấp thẩm quyền cho phép thực hiện những biện pháp, như yêu cầu tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác đồng thời chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở và yêu cầu các địa phương chủ động điều hành ngân sách địa phương.

Nhờ chủ động trong điều hành, NSNN đã bố trí đủ nguồn đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chính trị quan trọng, trong đó có chi đầu tư phát triển, chi đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh theo dự toán. Cụ thể, năm 2020, NSNN đã chi hơn 18.000 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ngân sách trung ương đã dành 12.400 tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ; xuất cấp gần 37.000 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm. Ngoài ra, các địa phương cũng chủ động sử dụng khoảng 8.200 tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương và nguồn lực tại chỗ để chi cho công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã điều hành việc phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc phù hợp với yêu cầu sử dụng NSNN. Kết quả, kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân khoảng 13,94 năm (gấp trên 3,5 lần năm 2011) đồng thời lãi suất bình quân khoảng 2,86%/năm và bằng 1/4 lãi suất phải trả năm 2001, điều này đã góp phần tiết kiệm cho NSNN cũng như củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Cân đối vĩ mô

 

Lao động

Theo TTXVN ngày 06/01, tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 71,6% lao động, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%. Lực lượng lao động tiếp tục tăng theo đà hồi phục của quý III/2020 nhưng vẫn chưa thể trở về trạng thái ban đầu khi chưa có dịch. Tính chung năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,6 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với năm 2019. Trong giai đoạn 2016 - 2019, trung bình mỗi năm lực lượng lao động tăng 0,8%. Nếu lực lượng lao động năm 2020 duy trì tốc độ tăng như giai đoạn 2016 - 2019 và không có dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 1,6 triệu lao động.

Tín dụng

Theo TTXVN ngày 06/01, theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2021, các chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 có thể đạt 13 - 14% nhờ những tín hiệu phục hồi kinh tế. Con số này cao hơn mức ước tăng trưởng tín dụng năm 2020 là khoảng 11 - 12% và tương đối sát với trung bình tăng trưởng tín dụng năm 2018 và 2019 là trên 13%. Theo SSI, tín dụng có thể tăng trưởng phục hồi trở lại trong năm 2021 nhờ một số tín hiệu tích cực. Trong đó, phải kể đến tín hiệu phục hồi bắt đầu từ việc điều chế vắc-xin Covid-19 thành công. Hiện vắc-xin Covid-19 đang bước vào giai đoạn thử nghiệm, SSI kỳ vọng sẽ tạo một “cú hích” cho nền kinh tế trong năm 2021 và dần phục hồi vào nửa cuối năm 2021. Theo đó, thương mại quốc tế, sản xuất và tiêu dùng có thể khôi phục và giúp hoạt động cho vay tăng trở lại. Cho vay bán lẻ ước tính quay lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đây sau khi gián đoạn trong năm 2020. Tỷ lệ tăng trưởng gộp hằng năm (CAGR) đối với cho vay bán lẻ là 28,5% trong giai đoạn 2016 - 2019 và giảm còn 8,3% so với 9 tháng đầu năm 2020.

Thị trường tài sản

 

Cổ phiếu

Theo TTXVN ngày 06/01, theo Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 12/2020, các chỉ số chứng khoán trên HOSE tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng khá tích cực. Cụ thể, chỉ số VN-Index đạt 1103,87 điểm, đạt mức cao nhất trong năm 2020, tăng 10,05% so với cuối tháng 11/2020 và tăng 14,87% so với đầu năm 2020; VNAllshare đạt 1032,41 điểm, tăng 11,39% so với cuối tháng 11/2020 và tăng 22,09% so với đầu năm 2020; VN30 đạt 1070,77 điểm, tăng 10,86% so với cuối tháng 11/2020 và tăng 21,81% so với đầu năm 2020. Các chỉ số ngành tăng nhiều nhất trong tháng gồm ngành tài chính (VNFIN) tăng 18,53%, ngành nguyên vật liệu (VNMAT) tăng 14,21%, ngành hàng tiện ích (VNUTI) tăng 11,85%.

Cùng với đà tăng của các chỉ số chứng khoán, tổng khối lượng và giá trị giao dịch cổ phiếu trên HOSE cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Trong tháng 12/2020, khối lượng giao dịch đạt hơn 13,6 tỷ cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch đạt 286.270 tỷ đồng, tăng lần lượt 63,08% và 59,85% so với tháng 11. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt hơn 12.440 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt trên 591 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng tăng 45,95% về giá trị và 48,90% về khối lượng so với tháng trước.

Tính chung trong năm 2020, thanh khoản thị trường tăng trưởng với khối lượng giao dịch bình quân/phiên đạt 335,5 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch/phiên đạt 6.290 tỷ đồng, tăng lần lượt 83,84% và 52,41% so với năm 2019.