(Nhandan.com.vn) Trong lịch sử hoạt động đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam chưa bao giờ ghi nhận sự biến động bất thường như năm 2020. Biểu hiện là số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tăng, giảm mạnh nhiều đợt, còn số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường chênh lệch không đáng kể so với số lượng doanh nghiệp thành lập mới.
Tính chung năm 2020, cả nước có hơn 134 nghìn doanh nghiệp thành lập mới nhưng cũng có hơn 101 nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường. Những con số này phản ánh tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2020 đã chịu ảnh hưởng từ những tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế, nhất là đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong khó khăn cũng bộc lộ sức chống chịu dẻo dai và khả năng thích ứng cao của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Với sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội nhằm bảo đảm “mục tiêu kép”, hoạt động phát triển doanh nghiệp cũng có những điểm sáng. Đó là: Quy mô của doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục được mở rộng; số doanh nghiệp thành lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng nhanh sau thời điểm giãn cách xã hội. Đáng lưu ý, nhà đầu tư vẫn không ngừng tìm kiếm cơ hội kinh doanh khi tổng số vốn (tính chung cả vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và vốn điều chỉnh tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động) bổ sung vào nền kinh tế lên đến hơn 5,5 triệu tỷ đồng, tăng 39,3% so với năm 2019. Trong đó, 3,3 triệu tỷ đồng là số vốn tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 47%. Số vốn đăng ký tăng thêm đã cho thấy niềm tin mạnh mẽ của các doanh nghiệp đang hoạt động về sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. doanh nghiệp quay lại hoạt động cũng tăng ở mức hai con số và tăng trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều nhất là bán buôn; bán lẻ; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo; khoa học - công nghệ... và ở cả những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp bởi đại dịch Covid-19 như dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải kho bãi; dịch vụ việc làm; du lịch... Đây là dấu hiệu phục hồi tốt, nhiều doanh nghiệp đã tìm được hướng kinh doanh mới ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường cũng ở mức rất cao, đáng phải lưu tâm. Con số hơn 100 nghìn doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể và đóng cửa trong năm qua không chỉ là sự thanh lọc của quy luật tự nhiên mà còn cho thấy sự ảnh hưởng rất lớn và dai dẳng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Để có thể giảm số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần hoạch định và thực thi có hiệu quả các chính sách thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của các đối tượng này. Đồng thời gia hạn các gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong dài hạn, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, bất cập cản trở doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.
Bích Ngân