Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi

Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi 04/01/2021 16:06:00 179

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi

04/01/2021 16:06:00

(Nhandan.com.vn) Trước những khó khăn của doanh nghiệp trong dịch Covid-19 vừa qua, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục khó khăn và khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD). Tuy nhiên, khoảng cách từ thiết kế chính sách đến thực thi còn khá lớn khi vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa được tiếp cận các gói hỗ trợ, điều này khiến các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ chưa đạt được hiệu quả cao, chưa thật sự bám sát thực tiễn cuộc sống.

Nỗ lực cắt giảm phí, lệ phí

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dịch Covid-19 khiến cộng đồng doanh nghiệp chịu tác động rất nặng nề, hoạt động SXKD đình trệ. Tính đến hết tháng 11/2020, cả nước có khoảng hơn 15.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chỉ tăng 3,1% so cùng kỳ năm 2019, nhưng có tới gần 45 nghìn doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2019. Tính trung bình mỗi tháng có gần 5 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Ðây là con số cao kỷ lục từ trước tới nay, kéo theo rất nhiều hệ lụy khi ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hơn 31 triệu người lao động (NLÐ). Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết năm 2020 thì sẽ có khoảng 39,3% số doanh nghiệp phá sản. Trong bối cảnh khó khăn đó, Chính phủ đã khẩn trương ban hành khoảng 95 văn bản, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ cấp Trung ương tới các địa phương tập trung vào nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi đây là những doanh nghiệp đang chịu tác động nghiêm trọng nhất từ dịch Covid-19. Các chính sách này đã kịp thời đưa ra những giải pháp quan trọng và thiết thực giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vượt qua khó khăn của đại dịch. Trong đó có một số gói hỗ trợ cơ bản như: 250 nghìn tỷ đồng hỗ trợ tín dụng, 180 nghìn tỷ đồng gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, 62 nghìn tỷ đồng về an sinh xã hội, 16 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho NLÐ...

Hiệu quả từ chính sách đã phát huy được tác dụng nhất định, giúp nhiều doanh nghiệp có thêm nguồn lực về tài chính để vượt qua khó khăn. Với việc cho phép gia hạn nộp tiền thuê đất, doanh nghiệp còn được giãn, hoãn nộp nhiều khoản thuế, phí, lệ phí, lãi suất cho vay, bảo hiểm xã hội,... Bên cạnh đó, giá các loại hình dịch vụ cũng được điều chỉnh giảm như: Điện, dịch vụ hàng không, chứng khoán… nhằm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho SXKD, thúc đẩy xuất khẩu, phục hồi và phát triển các ngành như du lịch, hàng không. Từ đó, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử... Dù một bộ phận các chính sách đã phát huy tác dụng tốt, song cũng còn bộ phận chính sách được thiết kế chưa thật sự bám sát thực tiễn của cuộc sống, kéo theo các thủ tục hành chính còn phiền hà, các tiêu chí, định mức, đối tượng chưa rõ ràng, chưa đáp ứng được kỳ vọng, nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp khi tiếp cận.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm chia sẻ: Thực tế trong giai đoạn chống chọi với dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp không trông chờ nhiều vào sự "giải cứu" từ phía Chính phủ, mà tự tìm giải pháp "cứu" mình là chính. Nguyên nhân do nhiều chính sách không chỉ đề ra những tiêu chuẩn quá khắt khe, mà các thủ tục đi kèm cũng rất phức tạp, phiền hà khiến doanh nghiệp không "mặn mà". Doanh nghiệp sợ nhất là các thủ tục yêu cầu chứng minh về tài chính, doanh thu, bởi để được xác nhận thuộc đối tượng hỗ trợ, thì doanh nghiệp chấp nhận thà không được hưởng hỗ trợ còn hơn là phải chạy vạy khắp nơi xin xác nhận. Bên cạnh đó là việc chậm trễ trong sửa đổi những vướng mắc, bất cập của các chính sách đã ban hành đã làm lỡ mất thời cơ "cứu" doanh nghiệp, bởi lúc khó khăn nhất, lúc doanh nghiệp có nguy cơ đứng bên bờ vực phá sản thì doanh nghiệp lại không được hỗ trợ.

Gỡ "rào cản" để doanh nghiệp tiếp cận

Trưởng ban Pháp chế VCCI Ðậu Anh Tuấn cho rằng, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp chưa được như kỳ vọng. Qua khảo sát, có những chính sách được doanh nghiệp đánh giá cao như gia hạn tiền thuế đất, nhưng cũng có chính sách gây khó khăn cho doanh nghiệp như gói hỗ trợ cho vay 16 nghìn tỷ đồng lãi suất 0% để trả tiền lương cho người lao động, khi đến cuối tháng 11/2020, mới chỉ có 75 doanh nghiệp được vay. Kết quả này có được chỉ sau khi Chính phủ ban hành quyết định sửa đổi các điều kiện được vay vốn "dễ thở" hơn. Ðiều này cho thấy, dù chính sách tốt, nhưng tính thực thi thì vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, bởi theo một khảo sát của VCCI mới đây, có tới gần 80% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết chưa nhận được hỗ trợ từ Chính phủ và gần 30% số doanh nghiệp cho biết đã nghe "loáng thoáng", nhưng có rất ít doanh nghiệp biết thông tin để tìm hiểu và hưởng lợi từ các chính sách này. Ðiều này cho thấy, vấn đề thiết kế chính sách và thực thi đang có khoảng cách quá lớn. Mặc dù chính sách tốt nhưng chính những rào cản, thủ tục phức tạp không đi vào thực tế khi triển khai sẽ làm giảm hiệu quả hỗ trợ.

Vì vậy, để các doanh nghiệp tiếp cận tốt với các gói hỗ trợ thì cần rà soát, nắm bắt kịp thời các bất cập, vướng mắc trong việc triển khai các chính sách thời gian qua để điều chỉnh phù hợp. Nhưng cũng phải rõ ràng, minh bạch để bảo đảm doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động tiếp cận dễ dàng. Phải hiểu rõ phạm vi, đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục để các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đúng người, kịp thời. Cần nới lỏng một số điều kiện nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng và giảm thủ tục, quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, nhất là thủ tục chứng minh về tài chính. Tuy nhiên, cũng cần tránh hiện tượng trục lợi từ chính sách hỗ trợ bởi tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn. Có ngành chịu ảnh hưởng nặng nề như hàng không, du lịch, song cũng lại có một số ngành có cơ hội phát triển tốt như công nghệ thông tin, thương mại điện tử, bưu chính, chuyển phát. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm rà soát, đánh giá lại một cách độc lập và hiệu quả thật sự của các chính sách hỗ trợ. Ðồng thời đẩy mạnh việc tham vấn, lấy ý kiến của đối tượng tác động, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm tính khả thi của chính sách khi được ban hành.

Theo lãnh đạo VCCI, việc ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện một thông điệp vô cùng tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ đã được lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chính phủ và các địa phương cũng cần thường xuyên đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tìm ra được tiếng nói chung trong thúc đẩy hiệu quả thực thi chính sách. Qua đó, cải thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hỗ trợ "đúng, trúng" cho cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nắm bắt kịp thời các bất cập, vướng mắc trong việc triển khai các gói hỗ trợ để điều chỉnh cho phù hợp; thủ tục cũng cần đơn giản hơn, phân loại đối tượng cần trúng hơn. Làm sao để những chính sách đã ban hành nhanh đi vào thực tiễn nhất, phù hợp với các doanh nghiệp từng ngành, từng lĩnh vực và từng giai đoạn.

Minh Khôi