Tổng cung | |
Tăng trưởng | Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) vừa công bố báo cáo Dự báo Kinh tế châu Á Trung hạn. Trong báo cáo này, JCER đưa ra hai kịch bản về tác động của dịch Covid-19 gồm: Kịch bản tiêu chuẩn và kịch bản dịch Covid-19 sẽ trở nên tồi tệ hơn. Trong kịch bản tiêu chuẩn, JCER giả định dịch Covid-19 chỉ là sự kiện nhất thời giống như động đất và sẽ không ảnh hưởng tới các cấu trúc kinh tế trong giai đoạn trung hạn. Với giả định như vậy, JCER dự báo năm 2020, Việt Nam có thể vẫn sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 6% vào năm 2035 nhờ xuất khẩu tăng mạnh. Điều này sẽ giúp Việt Nam vượt qua Đài Loan về quy mô nền kinh tế vào năm 2035 và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á sau Indonesia. Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2023, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 11.000 USD. Kịch bản nghiêm trọng hơn giả định dịch Covid-19 sẽ tồi tệ hơn, không chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế hiện nay mà còn ảnh hưởng tới quá trình đô thị hóa, sự mở cửa thương mại và chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng như nhiều nhân tố khác, làm suy yếu tiềm năng tăng trưởng trong giai đoạn trung hạn của nhiều quốc gia. Trong kịch bản này, vào năm 2035, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ thấp hơn so với kịch bản tiêu chuẩn, chủ yếu do sự đình trệ về trao đổi thương mại. (Theo TTXVN ngày 14/12) |
Sản xuất công nghiệp | Theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh công nghiệp (CIP) 2020, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc ghi nhận, năm 2018, Việt Nam tăng 2 bậc trong xếp hạng CIP, xếp thứ 38 trong năm 2018 trong thang chỉ số toàn cầu gồm 152 quốc gia, so với vị trí thứ 41 trong năm 2017. Báo cáo cho rằng, từ năm 1990, Việt Nam trên đà tăng hạng chỉ số CIP. Việt Nam gần vượt lên trên mức trung bình của thế giới, trong đó 2 chỉ số quan trọng về khả năng cạnh tranh, đặc biệt khi hàng hóa sản xuất của Việt Nam chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, vượt trên mức trung bình toàn cầu là 60%. Tuy nhiên, xét về tỷ trọng các hoạt động công nghệ vừa và cao trong lĩnh vực chế tạo, thứ hạng của Việt Nam có dấu hiệu đi xuống, giảm một bậc khi xếp thứ 40 trong năm 2018. Xét về tỷ trọng hoạt động công nghệ vừa và cao trong chỉ số giá trị gia tăng toàn ngành chế tạo, thứ hạng của Việt Nam chỉ tăng một bậc, xếp thứ 31 trong năm 2018. (Theo TTXVN ngày 15/12) |
Giá xăng và các mặt hàng dầu đồng loạt tăng mạnh từ 16 giờ ngày 11/12/2020 sau khi áp dụng quỹ bình ổn giá (BOG). Tại kỳ điều hành này, liên bộ Công Thương -Tài chính quyết định không trích lập quỹ BOG đối với 4 mặt hàng là xăng E5 RON92, dầu mazút, dầu diesel và dầu hỏa; trích lập quỹ BOG đối với xăng RON95 ở mức 100 đồng/lít. Bên cạnh đó, liên bộ yêu cầu chi sử dụng quỹ BOG với xăng E5 RON92 ở mức 1.000 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 200 đồng/lít; dầu diesel là 300 đồng/lít; dầu hỏa là 400 đồng; dầu mazút là 200 đồng/kg. Sau khi trích lập quỹ BOG, xăng E5 RON92 có giá trần là 15.129 đồng/lít, tăng 635 đồng/lít; xăng RON95-III là 16.007 đồng/lít, tăng 656 đồng/lít. Trong lần thay đổi này, dầu diesel 0.05S có giá trần là 11.892 đồng/lít, tăng 458 đồng/lít; Dầu hỏa có giá trần là 10.777 đồng/lít, tăng 639 đồng/lít và dầu mazút 180CST 3.5S cao nhất là 11.942 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Đại diện Petrolimex cho biết tính đến trước thời điểm điều chỉnh giá, số dư quỹ BOG tại doanh nghiệp là 3.850 tỷ đồng. (Theo TTXVN ngày 11/12) |
Số liệu từ Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) - cho thấy, trong 6 năm (2014 - 2020), tổng nguồn kinh phí khuyến công đã thực hiện là 1.826,53 tỷ đồng, trong đó kinh phí kinh phí quốc gia (KCQG) là 764,78 tỷ đồng (chiếm 41,87%), kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) là 1.061,75 tỷ đồng (chiếm 58,13%). Tổng vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện và thụ hưởng Chương trình trong giai đoạn 2014 - 2020 là gần 9.500 tỷ đồng. Đây là con số đáng ghi nhận về hiệu quả đầu tư của chương trình, đặc biệt ở nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp (CCN). Trung bình cứ 1 đồng vốn từ ngân sách nhà nước sẽ thu hút được khoảng 5,2 đồng vốn đầu tư của cơ sở CNNT. Chương trình KCQG 6 năm qua đã hỗ trợ 273 cơ sở CNNT xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất CN-TTCN cho 998 cơ sở CNNT; hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo nâng cao năng lực quản lý cán bộ, quản lý, điều hành sản xuất cho 14.185 học viên. (Theo congthuong.vn ngày 15/12) |
Tổng cầu | |
Ngân sách
nhà nước | Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định 1927/QĐ-BTC về việc công bố công khai dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021. Theo quyết định này, tổng thu NSNN năm 2021 là 1.343.330 tỷ đồng. Cụ thể, thu nội địa là 1.133.500 tỷ đồng; thu từ dầu thô là 23.200 tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất - nhập khẩu là 178.500 tỷ đồng; thu viện trợ là 8.130 tỷ đồng. Tổng chi NSNN năm 2021 là 1.687.000 tỷ đồng, bao gồm chi đầu tư phát triển là 477.300 tỷ đồng; chi trả nợ lãi là 110.065 tỷ đồng; chi viện trợ là 1.600 tỷ đồng; chi thường xuyên là 1.036.730 tỷ đồng; chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế là 25.505 tỷ đồng; chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính là 100 tỷ đồng; dự phòng NSNN là 34.500 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 343.670 tỷ đồng, bằng khoảng 4%GDP, bội chi ngân sách trung ương là 318.870 tỷ đồng; bội chi ngân sách địa phương 24.800 tỷ đồng. Quyết định cũng nêu rõ dự toán chi ngân sách trung ương của từng bộ, cơ quan trung ương theo từng lĩnh vực chi và những nhiệm vụ chi khác của ngân sách trung ương năm 2021. Trong các đơn vị trung ương, Bộ Giao thông Vận tải có dự toán chi cao nhất là 60.785 tỷ đồng, sau đó là Bảo hiểm Xã hội Việt Nam 46.371 tỷ đồng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội 34.791 tỷ đồng... (Theo TTXVN ngày 14/12) |
Đánh giá về kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đến năm 2020, dự kiến 16 trong số 23 mục tiêu lớn được giao tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ban hành ngày 21/2/2017 của Chính phủ được hoàn thành và có khả năng hoàn thành (chiếm gần 70%). Trong đó, 5 mục tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt xa so với kế hoạch đề ra, góp phần tạo ra bước tiến thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế của giai đoạn 2016 - 2020. Quy mô nợ công giảm mạnh, từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016, xuống khoảng 55% GDP cuối năm 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ công có thể tăng đến 57-58% GDP, song vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020 là không quá 65% GDP. Còn trong 7 mục tiêu có khả năng không hoàn thành, 2 mục tiêu về bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ nợ xấu được đánh giá có khả năng hoàn thành vào cuối năm 2019, nhưng có thể “lỡ kế hoạch” do tác động tiêu cực của dịch Covid-19. (Theo baodautu.vn ngày 18/12) |
Trong giai đoạn 2011 - 2020, ngân sách nhà nước đã cấp 41.204,5 tỷ đồng, trong đó cấp bổ sung 8.270,5 tỷ đồng vốn điều lệ, 12.412 tỷ đồng để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách... Đến 30/11/2020, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 20.132 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách cấp huyện là 3.288 tỷ đồng), tăng 17.846 tỷ đồng, tăng gấp 8,8 lần so với năm 2010. Bên cạnh đó, hệ thống các tổ chức tín dụng nhà nước tiếp tục duy trì 2% số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội, đưa nguồn vốn này tăng 6,4 lần so với trước thời điểm thực hiện Chiến lược, từ 12.821 tỷ đồng năm 2010 lên 81.462 tỷ đồng năm 2020. (Theo TTXVN ngày 17/12) |
Xuất - nhập khẩu | Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Israel cho biết, trong giai đoạn từ tháng 1 - 11/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Israel ước đạt trên 650 triệu USD và nhập khẩu từ thị trường này khoảng 750 triệu USD. Thị trường Israel gặp nhiều khó khăn từ đầu năm 2020 một phần do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và phần khác đến từ diễn biến chính trị tại nước này. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel dự báo xuất khẩu cả năm 2020 từ Việt Nam sang Israel ước đạt trên 700 triệu USD và nhập khẩu từ nước này đạt khoảng 800 triệu USD, qua đó đưa mức nhập siêu cả năm từ thị trường này ở mức khoảng 100 triệu USD. (Theo TTXVN ngày 16/12) |
Cân đối vĩ mô | |
Lãi suất | Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đồng ý nới hạn mức tăng trưởng tín dụng 2020 lần thứ 2 cho một số ngân hàng thương mại (NHTM), trong đó mức cao nhất lên tới 30%. Việc nới hạn mức tín dụng vào 2 tuần cuối cùng của năm 2020 được cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc NHNN đánh giá sẽ giúp tín dụng phục hồi nhanh vào cuối năm. Theo Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), nhiều ngân hàng lớn như VietcomBank, VietinBank, BIDV và Agribank... đang đồng loạt giảm lãi vay, tung ra gói tín dụng ưu đãi dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất ưu đãi (thấp hơn từ 20 - 50 điểm cơ bản) nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cuối năm. Theo đó, mức lãi suất cho vay dao động từ 4,8 - 6,5%/năm với các khoản vay dưới 6 tháng và 5,5 - 7,5%/năm với các khoản vay từ 6 đến 12 tháng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay mua nhà, ôtô của hầu hết các NHTM chỉ giảm 10 - 20 điểm cơ bản so với cuối quý III/2020, ở mức 7 - 9,5%/năm cho kỳ lãi suất cố định, sau đó điều chỉnh theo lãi suất tiền gửi hoặc lãi suất điều chuyển vốn nội bộ của ngân hàng (quanh mức 10,5 - 11,5%/năm). (Theo TTXVN ngày 16/12) |
Tín dụng | Thống kê của Công ty cổ phần FiinGroup trong báo cáo FiinPro Digest mới đây cho thấy, trong quý III/2020, tổng thu nhập hoạt động của 21 ngân hàng niêm yết tăng 12,6% so với quý II/2020 và 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết giảm nhẹ 1% so với quý II/2020 và tăng 6,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh 29,5% so với quý II/2020 và tăng 19,8% so với cùng kỳ. Việc này cho thấy các ngân hàng đã mạnh tay hơn trong việc trích lập dự phòng trong quý III/2020, sau khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 15,9% trong quý II/2020 so với quý I/2020. Tuy vậy, Fiin Group cũng cho rằng, dự phòng rủi ro vẫn chưa phản ánh đầy đủ tác động của dịch Covid-19 lên lợi nhuận do các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo nội dung của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 và chỉ phải trích lập tương ứng. (Theo TTXVN ngày 17/12) |
Thị trường tài sản | |
Chứng khoán | Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong tháng 11/2020, 16 công ty đã đăng ký 43 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp tại HNX, với tổng giá trị đăng ký phát hành 17.900 tỷ đồng. Kết quả, các doanh nghiệp trên đã phát hành thành công đạt 10.600 tỷ đồng, chiếm 59,1% tổng giá trị đăng ký phát hành, tăng 1,1 nghìn tỷ đồng (11,6%) so với giá trị phát hành trong tháng 10/2020. Nhóm doanh nghiệp có quy mô phát hành lớn nhất trong tháng là các tổ chức tín dụng, chiếm 49,75% tổng giá trị, kỳ hạn phát hành bình quân là 4,51 năm. Bên cạnh đó, giá trị phát hành của nhóm công ty bất động sản chiếm 32,8% tổng giá trị với kỳ hạn bình quân là 4,89 năm. Trong khi, các doanh nghiệp chứng khoán chỉ chiếm 1,45% tổng giá trị và kỳ hạn bình quân là 1 năm. Còn lại, các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác chiếm 16% với kỳ hạn bình quân là 5,47 năm. Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp quốc tế, có 1 doanh nghiệp phát hành thành công 30 triệu USD ra thị trường với kỳ hạn phát hành bình quân đạt 5 năm. Trong 11 tháng đầu năm 2020, HNX đã nhận 2.311 đợt đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó có 1.970 đợt phát hành thành công, tổng giá trị đạt được 348.400 tỷ đồng, chiếm 68,5% tổng giá trị đăng ký. Cụ thể, số doanh nghiệp phát hành thành công là 237 doanh nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp đã phát hành thành công 185 triệu USD trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. (Theo TTXVN ngày 16/12) |
Ngày 16/12/2020, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 8.000 tỷ đồng tại các kỳ hạn 10, 15, 20 và 30 năm. Kết quả, đã huy động thành công 8.000 tỷ đồng. Cụ thể, kỳ hạn 10 năm huy động được 2 nghìn tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 2,32%/năm, giảm 0,04%/năm so với phiên ngày 9/12/2020; kỳ hạn 15 năm và 20 năm lần lượt huy động được 4 nghìn tỷ đồng (lãi suất 2,54%/năm) và 1 nghìn tỷ đồng (lãi suất 2,93%/năm), lãi suất trúng thầu đều giảm 0,05%/năm. Kỳ hạn 30 năm huy động được 1 nghìn tỷ đồngvới lãi suất trúng thầu 3,15%/năm. Kể từ đầu năm 2020 đến nay, KBNN đã huy động được 307.839 tỷ đồng TPCP phủ thông qua hình thức đấu thầu. Trước đó, KBNN đã có thông báo bổ sung kế hoạch đấu thầu TPCP với khối lượng bổ sung tối đa là 30 nghìn tỷ đồng trong quý IV/2020. (Theo baodauthau.vn ngày 17/12) |
Bất động sản | Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ tín dụng bất động sản (gồm cả cho vay xây và mua nhà ở) hiện khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, cho vay mua nhà ở chiếm tỷ trọng 63%, tương đương 1 triệu tỷ đồng, tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 37%, đạt 606.250 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay ước tính cả nước đã và đang triển khai thực hiện khoảng 5 nghìn dự án bất động sản, với tổng vốn đầu tư hơn 4,5 triệu tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2009. Bình quân dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản trong 5 năm gần đây tăng trưởng khoảng 7,3%, tức nằm trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế. Đáng chú ý, tỷ trọng dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019 và giảm còn 6,3% trong quý I/2020. Tuy nhiên, quý II và quý III/2020, dư nợ đối với bất động sản đã nhích tăng. Tính đến cuối tháng 9/2020, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản bằng 115,17% dư nợ tại thời điểm 30/6/2020. (Theo baodauthau.vn ngày 16/12) |
Đàm phán - Ký kết | Việt Nam và Anh Ngày 11/12/2020, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Vương quốc Anh và Việt Nam (gọi tắt là UKVFTA). UKVFTA sẽ giữ nguyên các lợi ích trong quan hệ thương mại hiện tại giữa Vương quốc Anh với Việt Nam thông qua Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam. Theo đó, 99% thuế xuất - nhập khẩu giữa hai nước sẽ được xóa bỏ sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan. Kết thúc đàm phán, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Elizabeth Truss và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký một tuyên bố chung, trong đó nêu rõ những quyền lợi của doanh nghiệp sẽ được tiếp tục khi thuế xuất - nhập khẩu giảm; cơ hội tiếp cận nhiều hơn đến các dịch vụ; các sản phẩm thiết yếu của Anh và Việt Nam sẽ được bảo hộ. Dự báo, khi UKVFTA được áp dụng hoàn toàn, Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi có thể tiết kiệm lên tới 114 triệu Bảng Anh tiền thuế xuất khẩu; trong khi đối với Vương quốc Anh, con số này là 36 triệu Bảng Anh. (Theo TTXVN ngày 11/12) Việt Nam và Hàn Quốc Từ ngày 10 - 11/12/2020, Bộ Công Thương và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã thống nhất thông qua và tiến tới ký kết Kế hoạch hành động triển khai mục tiêu kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đạt 100 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn vào năm 2023. Bản kế hoạch hành động nói trên có ý nghĩa quan trọng, đưa ra các hoạt động chi tiết và lộ trình thực hiện cụ thể cho các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng trong các năm tiếp theo dựa trên 4 định hướng chính: (i) Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam; (ii) Hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tiếp tục duy trì và nâng cao giá trị xuất khẩu sang Hàn Quốc; (iii) Hỗ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc các mặt hàng tiềm năng như dệt may, giầy dép, đồ gỗ, nông thủy sản và thực phẩm chế biến; (iv) Tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật từ Hàn Quốc để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp ôtô, dệt may, hóa chất, cơ khí - chế tạo và linh kiện của Việt Nam. Từ đó, tạo năng lực cạnh tranh thúc đẩy xuất khẩu trở lại Hàn Quốc và xuất khẩu sang các nước khác. (Theo TTXVN ngày 11/12) |