Tổng cung | |
| Theo baodautu.vn ngày 18/12, đánh giá về kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đến năm 2020, dự kiến 16 trong số 23 mục tiêu lớn được giao tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ban hành ngày 21/2/2017 của Chính phủ được hoàn thành và có khả năng hoàn thành (chiếm gần 70%). Trong đó, 5 mục tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt xa so với kế hoạch đề ra, góp phần tạo ra bước tiến thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế của giai đoạn 2016 - 2020. Quy mô nợ công giảm mạnh, từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016, xuống khoảng 55% GDP cuối năm 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ công có thể tăng đến 57 - 58% GDP, song vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020 là không quá 65% GDP. Còn trong 7 mục tiêu có khả năng không hoàn thành, 2 mục tiêu về bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ nợ xấu được đánh giá có khả năng hoàn thành vào cuối năm 2019, nhưng có thể “lỡ kế hoạch” do tác động tiêu cực của dịch Covid-19. |
Sản xuất công nghiệp | Theo congthuong.vn ngày 15/12, số liệu từ Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho thấy, trong 6 năm (2014 - 2020), tổng nguồn kinh phí khuyến công đã thực hiện là 1.826,53 tỷ đồng, trong đó kinh phí kinh phí quốc gia là 764,78 tỷ đồng (chiếm 41,87%), kinh phí khuyến công địa phương là 1.061,75 tỷ đồng (chiếm 58,13%). Tổng vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện và thụ hưởng chương trình trong giai đoạn 2014 - 2020 là gần 9.500 tỷ đồng. Đây là con số đáng ghi nhận về hiệu quả đầu tư của chương trình, đặc biệt ở nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp. Trung bình cứ 1 đồng vốn từ ngân sách nhà nước sẽ thu hút được khoảng 5,2 đồng vốn đầu tư của cơ sở công nghiệp nông thôn. Chương trình khuyến công quốc gia 6 năm qua đã hỗ trợ 273 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho 998 cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo nâng cao năng lực quản lý cán bộ, quản lý, điều hành sản xuất cho 14.185 học viên. |
Tổng cầu | |
Xuất nhập khẩu | Theo TTXVN ngày 16/12, thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Israel cho biết, từ tháng 01 - 11/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Israel ước đạt trên 650 triệu USD và nhập khẩu từ thị trường này khoảng 750 triệu USD. Thị trường Israel gặp nhiều khó khăn từ đầu năm 2020 một phần do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và phần khác đến từ diễn biến chính trị tại nước này. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel dự báo xuất khẩu cả năm 2020 từ Việt Nam sang Israel đạt trên 700 triệu USD và nhập khẩu từ nước này đạt khoảng 800 triệu USD, qua đó đưa mức nhập siêu cả năm từ thị trường này ở mức khoảng 100 triệu USD. |
Cân đối vĩ mô | |
Ngân sách nhà nước | Theo TTXVN ngày 17/12, trong giai đoạn 2011 - 2020, ngân sách nhà nước đã cấp 41.204,5 tỷ đồng, trong đó cấp bổ sung 8.270,5 tỷ đồng vốn điều lệ, 12.412 tỷ đồng để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách... Đến ngày 30/11/2020, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 20.132 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách cấp huyện là 3.288 tỷ đồng), tăng 17.846 tỷ đồng, tăng gấp 8,8 lần so với năm 2010. Bên cạnh đó, hệ thống các tổ chức tín dụng nhà nước tiếp tục duy trì 2% số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội, đưa nguồn vốn này tăng 6,4 lần so với trước thời điểm thực hiện chiến lược, từ 12.821 tỷ đồng năm 2010 lên 81.462 tỷ đồng năm 2020. |
Tín dụng | Theo TTXVN ngày 17/12, thống kê của Công ty cổ phần FiinGroup trong báo cáo FiinPro Digest mới đây cho thấy, trong quý III/2020, tổng thu nhập hoạt động của 21 ngân hàng niêm yết tăng 12,6% so với quý II/2020 và 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết giảm nhẹ 1% so với quý II/2020 và tăng 6,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh 29,5% so với quý II/2020 và tăng 19,8% so với cùng kỳ. Việc này cho thấy các ngân hàng đã mạnh tay hơn trong việc trích lập dự phòng trong quý III/2020, sau khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 15,9% trong quý II/2020 so với quý I/2020. Tuy nhiên, Fiin Group cũng cho rằng, dự phòng rủi ro vẫn chưa phản ánh đầy đủ tác động của dịch Covid-19 lên lợi nhuận do các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo nội dung của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 và chỉ phải trích lập tương ứng. |
Lãi suất | Theo TTXVN ngày16/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đồng ý nới hạn mức tăng trưởng tín dụng 2020 lần thứ 2 cho một số ngân hàng thương mại (NHTM), trong đó mức cao nhất lên tới 30%. Việc nới hạn mức tín dụng vào 2 tuần cuối cùng của năm 2020 được cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc NHNN đánh giá sẽ giúp tín dụng phục hồi nhanh vào cuối năm. Theo Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), nhiều ngân hàng lớn như VietcomBank, VietinBank, BIDV và Agribank... đang đồng loạt giảm lãi vay, tung ra gói tín dụng ưu đãi dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất ưu đãi (thấp hơn từ 20 - 50 điểm cơ bản) nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cuối năm. Theo đó, mức lãi suất cho vay dao động từ 4,8 - 6,5%/năm với các khoản vay dưới 6 tháng và 5,5 - 7,5%/năm với các khoản vay từ 6 đến 12 tháng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay mua nhà, ô tô của hầu hết các NHTM chỉ giảm 10 - 20 điểm cơ bản so với cuối quý III/2020, ở mức 7 - 9,5%/năm cho kỳ lãi suất cố định, sau đó điều chỉnh theo lãi suất tiền gửi hoặc lãi suất điều chuyển vốn nội bộ của ngân hàng (quanh mức 10,5 - 11,5%/năm). |
Thị trường tài sản | |
Trái phiếu | Theo baodauthau.vn ngày 17/12, ngày 16/12/2020, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 8.000 tỷ đồng tại các kỳ hạn 10, 15, 20 và 30 năm. Kết quả, đã huy động thành công 8.000 tỷ đồng. Cụ thể, kỳ hạn 10 năm huy động được 2 nghìn tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 2,32%/năm, giảm 0,04%/năm so với phiên ngày 9/12/2020; kỳ hạn 15 năm và 20 năm lần lượt huy động được 4 nghìn tỷ đồng (lãi suất 2,54%/năm) và 1 nghìn tỷ đồng (lãi suất 2,93%/năm), lãi suất trúng thầu đều giảm 0,05%/năm. Kỳ hạn 30 năm huy động được 1 nghìn tỷ đồngvới lãi suất trúng thầu 3,15%/năm. Kể từ đầu năm 2020 đến nay, KBNN đã huy động được 307.839 tỷ đồng TPCP phủ thông qua hình thức đấu thầu. Trước đó, KBNN đã có thông báo bổ sung kế hoạch đấu thầu TPCP với khối lượng bổ sung tối đa là 30 nghìn tỷ đồng trong quý IV/2020. |
Bất động sản | Theo baodauthau.vn ngày 16/12, theo NHNN, tổng dư nợ tín dụng bất động sản (gồm cả cho vay xây và mua nhà ở) hiện khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, cho vay mua nhà ở chiếm tỷ trọng 63%, tương đương 1 triệu tỷ đồng, tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 37%, đạt 606.250 tỷ đồng. Bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước đang triển khai thực hiện khoảng 5 nghìn dự án bất động sản, với tổng vốn đầu tư hơn 4,5 triệu tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2009. Bình quân dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản trong 5 năm gần đây tăng trưởng khoảng 7,3%, nằm trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế. Đáng chú ý, tỷ trọng dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019 và giảm còn 6,3% trong quý I/2020. Tuy nhiên, quý II và quý III/2020, dư nợ đối với bất động sản đã nhích tăng. Tính đến cuối tháng 9/2020, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản bằng 115,17% dư nợ tại thời điểm ngày 30/6/2020. |