Kho bạc Nhà nước hoàn thành nhiệm vụ 2020, tạo đà tiếp nối thành công cho năm 2021

Kho bạc Nhà nước hoàn thành nhiệm vụ 2020, tạo đà tiếp nối thành công cho năm 2021 23/12/2020 16:27:00 459

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Kho bạc Nhà nước hoàn thành nhiệm vụ 2020, tạo đà tiếp nối thành công cho năm 2021

23/12/2020 16:27:00

Theo báo cáo của KBNN, năm 2020, bám sát chương trình công tác của Bộ Tài chính và lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, đến nay hệ thống KBNN đã hoàn thành tốt chương trình công tác năm 2020 .

Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức và bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, song với nỗ lực, cố gắng của toàn thể đội ngũ công chức, viên chức trong toàn hệ thống; sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành và đơn vị liên quan, toàn hệ thống KBNN đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, cùng ngành Tài chính đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo đà tiếp nối thành công cho năm 2021.

Công tác cải cách hành chính (CCHC) là một điểm sáng quan trọng của hệ thống KBNN trong năm 2020. Hệ thống KBNN đã triển khai nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ mới theo hướng đơn giản hóa các thủ tục thu, chi ngân sách thuộc lĩnh vực KBNN, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị giao dịch; tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình một cửa, một giao dịch viên; tăng cường dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; triển khai xây dựng và chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015.

Ngoài ra, KBNN đã nỗ lực triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), cung cấp 9 thủ tục DVCTT mức độ 4; hoàn thành tích hợp 7 thủ tục hành chính KBNN lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, vượt 47.8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tính đến nay, hệ thống KBNN đã hoàn thành kết nối 100% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thuộc đối tượng giao dịch qua Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tỷ lệ lượng giao dịch chi NSNN đi qua DVCTT đạt 98%. Trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 150.000 giao dịch, ngày cao điểm 200.000 giao dịch qua DVCTT. Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Số thu, chi NSNN bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN chỉ còn chiếm tỷ lệ dưới 1%.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong năm 2020, KBNN tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm cải cách công tác thu NSNN: Phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Cục Cảnh sát giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai dịch vụ thu phạt vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia; mở rộng công tác phối hợp thu và ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt tại 4 NHTM cổ phần, góp phần tập trung nhanh nguồn thu NSNN, hỗ trợ người nộp thuế và hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với KBNN. Tính đến hết tháng 11/2020, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 1.260,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% so với dự toán năm 2020 được giao, trong đó: Thu ngân sách Trung ương đạt 77,4% so với dự toán năm; thu ngân sách địa phương đạt 91,1% so với dự toán năm.

Về công tác kiểm soát chi, hệ thống KBNN đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng chế độ và trong phạm vi dự toán được giao; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên như: Khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài...; ưu tiên kiểm soát thanh toán nhanh, kịp thời kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố...; cung cấp số liệu giải ngân hàng ngày cho Bộ Tài chính, Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố phục vụ công tác quản lý điều hành NSNN. Đồng thời, tham mưu với Bộ Tài chính kịp thời và có chất lượng đối với các cơ chế, chính sách tài chính liên quan đến công tác kiểm soát chi NSNN.

Trong năm 2020, KBNN đã tích cực chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính tổ chức triển khai thực hiện công tác lập Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, trình Bộ Tài chính trình Chính phủ và được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành (93,17%). Cùng với đó, KBNN đã và đang chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính triển khai công tác lập Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 theo đúng kế hoạch.

Bám sát chủ trương điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, KBNN đã nắm chắc diễn biến tình hình thu, chi NSNN, xây dựng phương án điều hành ngân quỹ nhà nước (NQNN) hàng quý và tổ chức điều hành ngân quỹ chặt chẽ, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị có giao dịch với KBNN; sử dụng NQNN để tạm ứng cho ngân sách Trung ương và ngân sách cấp tỉnh; gắn kết quản lý ngân quỹ với quản lý ngân sách và quản lý nợ thông qua việc điều hành khối lượng huy động vốn theo tiến độ thu, giải ngân vốn đầu tư công. Trên cơ sở kết quả thu từ nghiệp vụ quản lý ngân quỹ nhà nước, năm 2020 KBNN, nộp ngân sách Trung ương 3.000 tỷ đồng.

Công tác huy động vốn tính đến ngày 15/12/2020, KBNN đã huy động đạt 99,9% kế hoạch giao đầu năm và ước đến 31/12/2020 đạt 100% kế hoạch Bộ Tài chính giao.

Các công tác nghiệp vụ khác như: cải cách hành chính, hợp tác quốc tế, thanh tra, kiểm tra… cũng được hệ thống KBNN tăng cường đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối tiền, tài sản nhà nước giao cho KBNN quản lý…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ của hệ thống Kho bạc Nhà nước mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, kết quả hệ thống KBNN đạt được trong năm 2020. Về các nhiệm vụ hệ thống KBNN đề ra trong năm 2021, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: Thời gian tới, hệ thống KBNN cần đẩy nhanh hơn nữa công tác trình duyệt Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030; Tăng cường vai trò quản lý ngân quỹ quốc gia; Nghiên cứu, áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế và dịch vụ kế toán công; Tiếp tục hoàn thiện, cơ cấu lại bộ máy nhân sự phù hợp; Đẩy mạnh công tác kiểm toán nội bộ... Bên cạnh đó, hệ thống KBNN cũng cần tiếp tục hướng tới xây dựng Kho bạc số, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung thống nhất, kết nối với cơ sở dữ liệu cư dân, các Bộ ngành. Theo Thứ trưởng, kế toán công rất quan trọng trong nền tài chính quốc gia và nó gắn với nhiệm vụ của KBNN. Trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhiều biến động, chuẩn mực kế toán liên tục thay đổi khi các công nghệ phát sinh. Do vậy KBNN cần nghiên cứu, xây dựng chiến lược, tầm nhìn sao cho phù hợp…

Mai Linh