Phát triển các cấu phần của thị trường vốn phục vụ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020

Phát triển các cấu phần của thị trường vốn phục vụ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 11/12/2020 16:15:00 775

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Phát triển các cấu phần của thị trường vốn phục vụ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020

11/12/2020 16:15:00

Đơn vị chủ trì: Ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Hà Thị Đoan Trang

Năm giao nhiệm vụ: 2019/ Mã số: 2019-26

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Trong giai đoạn 2011 - 2020, thị trường vốn Việt Nam ngày càng phát triển, trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế. Công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vốn ngày càng được hoàn thiện. Khuôn khổ pháp lý đồng bộ hơn trên cơ sở tiếp cận gần với thông lệ quốc tế… Thị trường vốn Việt Nam đã được thiết lập tương đối đầy đủ các bộ phận (thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường tín dụng trung và dài hạn…). Trong hai năm trở lại đây, thị trường vốn đã có những bước phát triển rõ rệt, có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thông qua thị trường vốn, công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã thu về hàng trăm nghìn tỷ đồng cho ngân sách, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trong giai đoạn này, các cấu phần của thị trường vốn cũng ngày càng được cải thiện về quy mô và chất lượng đóng góp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, các cấu phần của thị trường vốn vẫn chưa thực sự phát huy vai trò là kênh huy động và cung ứng vốn chủ yếu góp phần vào mức tăng trưởng đầu tư toàn xã hội và tăng trưởng kinh tế. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhỏ bé, chưa thực hiện tốt vai trò là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho các doanh nghiệp, giảm gánh nặng cho tín dụng ngân hàng. Trong khi tín dụng trung và dài hạn vẫn còn ở mức cao (chiếm 50,6% tổng dư nợ tín dụng) gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng khi dùng vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn.

Bên cạnh những mặt tích cực, thị trường vốn cũng bộc lộ không ít bất cập, cũng như những rủi ro tiềm ẩn có thể dẫn đến bất ổn đối với hoạt động của thị trường tài chính nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Do đó, yêu cầu cần thiết đặt ra là tổ chức nghiên cứu chủ đề “Phát triển các cấu phần thị trường vốn phục vụ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020” nhằm đánh giá những mặt đạt được cũng như những tồn tại hạn chế trong việc phát triển các cấu phần của thị trường vốn trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, từ đó đề xuất khuyến nghị, giải pháp trong giai đoạn tới, đồng thời góp phần phục vụ cho việc xây dựng chiến lược tài chính giai đoạn tiếp theo 2020 - 2030.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài đánh giá sự phát triển các cấu phần của thị trường vốn Việt Nam phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng, giải pháp đến năm 2030.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Các cấu phần của thị trường vốn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội

Phạm vi nghiên cứu: Thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tín dụng và tác động của các cấu phần thị trường vốn đến tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2011 - 2020.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã chỉ ra được những ảnh hưởng và vai trò của từng cấu phần của thị trường vốn đến phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đến tăng trưởng kinh tế. Theo đó, sự thay đổi của thị trường chứng khoán không làm gia tăng đáng kể GDP, cũng như không đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2011 - 2020 cũng rất đáng ghi nhận. Tính đến cuối năm 2019, toàn thị trường đã có hơn 1.600 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch (trong đó trên HOSE là 377; trên HNX là 367 và trên UpCom là 858), giá trị vốn hóa thị trường có xu hướng tăng rõ rệt, vượt mục tiêu đề ra trong Chiến lược Tài chính Việt Nam đến năm 2020. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, thị trường trái phiếu trong nước đã có sự phát triển tích cực. Quy mô thị trường trái phiếu bao gồm cả trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đã đạt ngưỡng mục tiêu đặt ra cho đến năm 2020; quy mô huy động vốn ngày càng gia tăng, không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng kỳ hạn phát hành cũng dài hơn, lãi suất có xu hướng giảm thấp. Vai trò của tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam vẫn quan trọng nhưng đang có xu hướng giảm dần và ảnh hưởng của tín dụng đến lạm phát lớn hơn tăng trưởng. Vì vậy, vấn đề cần khuyến nghị với những nhà làm chính sách đó là tăng trưởng tín dụng luôn phải gắn liền với chất lượng tín dụng, nếu không nguy cơ lạm phát cao và khó tạo được tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Các cấu phần của thị trường vốn trong giai đoạn nghiên cứu có tác động tới việc tăng trưởng kinh tế và đã đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Tuy nhiên, mức độ tác động còn nhỏ và chưa tương xứng với vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, nhất là kênh phát hành trên thị trường sơ cấp còn rất nhỏ so với nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội.

(2) Đề tài cũng đã chỉ được ra những kết quả đạt được của thị trường vốn tại Việt Nam. Theo đó, thị trường vốn ngày càng phát triển cân bằng hơn giữa khu vực tín dụng trung và dài hạn với khu vực thị trường chứng khoán, cân bằng hơn giữa thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng còn tồn tại một số bất cập trên thị trường vốn như: (i) Thị trường vốn có quy mô nhỏ so với tiềm năng và các nước trong khu vực; (ii) Hiệu quả hoạt động của các tổ chức trung gian chưa cao do năng lực tài chính hạn chế; (iii) Hoạt động của tổ chức xếp hạng tín nhiệm chưa được triển khai rộng rãi; (iv) Chưa có sự liên kết, phối hợp đồng bộ trong hoạt động giữa thị trường vốn với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng. Tín dụng ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, tạo áp lực và rủi ro về mặt kỳ hạn khi thực hiện nghiệp vụ cho vay trung và dài hạn; (v) Sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành trong xây dựng cơ chế chính sách và điều hành giám sát chưa nhịp nhàng, đặc biệt là giữa chính sách tài chính, tiền tệ, đầu tư. Nguyên nhân là do: (i) Cơ sở hạ tầng và tổ chức thị trường chưa có sự tham gia cung cấp dịch vụ của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm; (ii) Sự kém phát triển của các định chế tài chính trung gian phi ngân hàng; (iii) Đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa ý thức việc xây dựng chiến lược dài hạn để có chiến lược huy động vốn bài bản từ thị trường vốn; doanh nghiệp còn e ngại công bố thông tin; (iv) Thiếu vắng các nhà đầu tư chuyên nghiệp mang tính lâu dài. Sự đa dạng và quy mô vốn của các nhà đầu tư tổ chức tại Việt Nam còn thấp.

(3) Trên cơ sở phân tích, đánh giá vai trò của các cấu phần thị trường vốn tới phát triển kinh tế - xã hội; những thành công, hạn chế của thị trường vốn tại Việt Nam, đề tài đã đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm phát triển các cấu phần của thị trường vốn như: (i) Tăng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, cần hoàn thiện khuôn khổ quy phạm pháp luật nhằm tạo cơ sở thực hiện hiệu quả “Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; thúc đẩy việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm cho trái phiếu doanh nghiệp; khuyến khích sự phát triển của các nhà đầu tư có tổ chức trên thị trường trái phiếu; quản lý chặt chẽ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp; xây dựng Trung tâm Thông tin tập trung về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Sở Giao dịch chứng khoán; hình thành một ủy ban liên bộ trong phát triển thị trường trái phiếu; có chính sách thu hút các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bằng cách miễn thuế thu nhập. (ii) Giảm tỷ lệ cho vay tín dụng trung và dài hạn. Ngoài việc quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 của Ngân hàng Nhà nước, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng cần phải được đẩy mạnh và Ngân hàng Nhà nước phải có các chế tài nghiêm khắc đối với những tổ chức tín dụng vi phạm tỷ lệ trên. (iii) Củng cố và phát triển thị trường cổ phiếu. Theo đó, cần đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường; nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa; cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán; cơ cấu lại tổ chức thị trường; tăng cường tính thanh khoản cho thị trường. (iv) Phát triển thị trường trái phiếu chính phủ, hệ thống nhà đầu tư dài hạn trên thị trường như quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm...; phát triển hệ thống nhà tạo lập thị trường trên cơ sở hệ thống thành viên đấu thầu trái phiếu chính phủ với các nghĩa vụ và quyền lợi đầy đủ tương tự như các nước trên thế giới; phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường vốn quốc tế.