Xây dựng mô hình đánh giá tác động của thị trường chứng khoán đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Xây dựng mô hình đánh giá tác động của thị trường chứng khoán đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam 11/12/2020 15:45:00 1971

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Xây dựng mô hình đánh giá tác động của thị trường chứng khoán đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam

11/12/2020 15:45:00

- Đơn vị chủ trì: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Trần Quốc Tuấn và PGS.TS. Trầm Thị Xuân Hương

- Năm giao nhiệm vụ: 2018/Mã số: 2018-28

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Vai trò của hệ thống tài chính nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng đến nay vẫn còn nhiều quan điểm. Nhiều nghiên cứu ở các quốc gia đã phát triển đã khẳng định mối quan hệ tích cực giữa phát triển thị trường chứng khoán và tăng trưởng kinh tế. Bilal, Songsheng Chen và Bushra Komal (2016), nghiên cứu vai trò của sự phát triển TTCK đối với tăng trưởng kinh tế ở 20 quốc gia thuộc khu vực thu nhập trung bình thấp giai đoạn 1990 - 2012, kết quả cho thấy phát triển thị trường chứng khoán có ý nghĩa tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Mohammad Enamul Hoque và Noor Azuddin Yakob (2017), sử dụng kiểm định nhân quả Granger và ARDL để kiểm tra mối quan hệ giữa phát triển TTCK và tăng trưởng kinh tế, giai đoạn 1981 - 2016. Kiểm định Granger cho thấy tồn tại mối quan hệ từ phát triển TTCK đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trái ngược với những quan điểm trên, nhiều học giả cho rằng hệ thống tài chính là không quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Stiglitz (1993) cũng đã cho thấy thanh khoản TTCK không cung cấp sự thúc đẩy trong việc thu thập thông tin liên quan tới công ty hoặc cải thiện quản trị không ty. Ngoài ra, Shliefer và Summers (1988) khẳng định phát triển TTCK có thể cản trở tăng trưởng kinh tế thông qua kích thích thâu tóm sai lệch các công ty.

Nhìn chung, các bằng chứng thực nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy những phát hiện khác nhau. Điều này cho thấy sự cần thiết nghiên cứu vai trò của TTCK Việt Nam sau gần 20 năm hình thành và phát triển đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và qua đó đề xuất mô hình nhằm đánh giá tác động của TTCK đến tăng trưởng kinh tế.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu mối quan hệ giữa phát triển TTCK đến tăng trưởng kinh tế; xây dựng mô hình nghiên cứu để xem xét tác động của phát triển TTCK đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam; trên cơ sở đó, đề tài kiến nghị một số chính sách phát triển TTCK nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: sự hình thành và phát triển của TTCK Việt Nam và tác động của nó đến tăng trưởng kinh tế.

Phạm vi nghiên cứu: Từ quý 3 năm 2000 đến quý 4 năm 2018.

4. Kết quả nghiên cứu:

Với mục tiêu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu trên, đề tài đã đúc rút các kết luận chính như sau:

(1) Đề tài đã làm rõ hệ thống lý thuyết về tăng trưởng kinh tế, sự hình thành và phát triển TTCK trong nền kinh tế thị trường, mối quan hệ nhân quả giữa phát triển TTCK và tăng trưởng kinh tế; đồng thời, hệ thống các phương pháp luận để tiếp cận, đánh giá tác động của phát triển TTCK đến tăng trưởng kinh tế. Lý thuyết về các mô hình và nhân tố tác động tới tăng trưởng kinh tế ngày càng được mở rộng theo thời gian. Mô hình tăng trưởng nội sinh cho thấy không chỉ vốn, lao động mà thể chế, tiến bộ khoa học công nghệ và phát triển TTCK đều có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Phát triển TTCK tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế thông qua tích lũy vốn và phân bổ hiệu quả cùng với cơ chế minh bạch thông tin, và giảm chi phí huy động vốn.

(2) Đề tài thực hiện kiểm định Johansen để kiểm định tính đồng liên kết giữa các biến; độ trễ là 5 dựa trên tiêu chuẩn AIC của mô hình Var. Kết quả ít nhất một trong hai kiểu kiểm định là Trace test và Maximum eigenvalue test bác bỏ giả thuyết H0 : không có vectơ đồng liên kết. Điều này có nghĩa các vectơ của các biến trong mô hình có tính đồng liên kết. Do đó, mô hình VAR ở dữ liệu sai phân bậc 2 sẽ được thực hiện và mô hình VECM sẽ được chạy để xác định mối tương quan trong dài hạn. Kết quả Granger test cho thấy không tìn thấy mối quan hệ có ý nghĩa thống kê về ảnh hưởng của cung tiền lên GDP. Đối với thị trường chứng khoán, kết quả tìm được tác động của vốn hóa thị trường lên GDP và được khẳng định trong dài hạn thông qua hệ số ECT âm có ý nghĩa thống kê. Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy ảnh hưởng của cung tiền lên vốn hóa thị trường.

(3) Dựa trên kết quả nghiên cứu cho thấy sự phát triển của thị trường chứng khoán ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam với mức ý nghĩa 5%. Kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với các tác giả như Levine và Zervos (1996), Aghion và Howitt (1998), Beck và Levine (2002). Bên cạnh đó, các yếu tố bao gồm cung tiền, đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, chỉ số giá tiêu dùng cũng có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế với mức ý nghĩa thống kê đáng tin cậy.

(4) Để thị trường chứng khoán đóng góp hiệu quả hơn đến tăng trưởng kinh tế cần có các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, Cơ quan quản lý, trung gian thị trường đến nhà đầu tư. Trong đó, giải pháp nâng cao vị thế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần được quan tâm trước hết. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập sẽ bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO). Việc tiệm cận các thông lệ quốc tế sẽ giúp tăng sự minh bạch và góp phần nâng hạng thị trường, tạo niềm tin và thu hút nhiều hơn các nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy đa số các nước quy định Ủy ban chứng khoán có vị trí độc lập (121/128 quốc gia thành viên của IOSCO). Những nước còn lại có mô hình Ủy ban chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính cũng đều bảo đảm nghuyên tác độc lập và có đủ thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thị trường vốn. Vì vậy, để thị trường chứng khoán phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình trong vấn đề huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, hoàn thiện thể chế tài chính phát triển, cần nâng cao vị thế độc lập và có đủ thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong ngắn hạn và dài hạn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên là cơ quan trực thuộc Chính phủ để đáp ứng yêu cầu quản lý thị trường.

(5) Đề tài đã kiến nghị 9 giải pháp khác nhằm tăng cường hiệu quả đóng góp của thị trường chứng khoán đến tăng trưởng kinh tế gồm: (i) Hoàn thiện pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán theo hướng giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước trong hệ thống tài chính, khuyến khích cạnh tranh bằng cách tạo ra môi trường đầu tư và luật pháp công bằng, minh bạch cho các bên tham gia; (ii) Tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường chứng khoán trên bốn trụ cột: Tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư; tái cấu trúc về hàng hóa trên thị trường; tái cơ cấu về cơ sở các tổ chức tài chính trung gian; tái cấu trúc về khu vực thị trường; (iii) Xây dựng thêm các chỉ số chứng khoán bên cạnh chỉ số VN-Index; (iv) Đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu; (v) Tăng cường hội nhập với thị trường chứng khoán thế giới, sử dụng thông lệ quốc tế để tạo dựng hành lang pháp lý phù hợp giữa các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài để các doanh nghiệp dễ dàng niêm yết ở các Sở giao dịch lẫn nhau; đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ chứng khoán bằng cách tăng cường và áp dụng các thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức kiểm toán, điều hành doanh nghiệp, hệ thống giao dịch chứng khoán; (vi) Thành lập các tổ chức để bảo vệ nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ; (vii) Tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển các công ty ngành công nghệ, đổi mới và tăng năng suất; (viii) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giám sát thị trường, đảm bảo tính minh bạch, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, tăng cường sự giám sát các hoạt động liên quan đến thị trường chứng khoán, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và có chế tài để răn đe cho các trường hợp khác; (ix) Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và đào tạo phổ cập về chứng khoán và thị trường chứng khoán./.