Hoàn thiện cơ chế quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ có sự tham gia đầu tư của Nhà nước

Hoàn thiện cơ chế quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ có sự tham gia đầu tư của Nhà nước 11/12/2020 11:04:00 1621

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Hoàn thiện cơ chế quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ có sự tham gia đầu tư của Nhà nước

11/12/2020 11:04:00

- Đơn vị chủ trì: Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: CN. Tạ Thanh Tú và TS. Phạm Minh Hóa

- Năm giao nhiệm vụ: 2018/ Mã số: 2018 - 14

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Trong những năm qua, hệ thống chợ, trung tâm thương mại và siêu thị phát triển tương đối nhanh, góp phần đẩy mạnh hoạt động trao đổi giao lưu hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, theo kết quả thống kê của Bộ Công Thương năm 2016, cả nước có 8.568 chợ truyền thống, tăng 40,3% so với năm 2000 (6.104 chợ). Tuy nhiên, công tác quản lý chợ nói chung, công tác quản lý và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ nói riêng còn nhiều bất cập. Bên cạnh một số chợ được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp thì phần lớn các chợ đã xuống cấp, có chợ xuống cấp nghiêm trọng không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chung. Những hạn chế này đặt ra yêu cầu cần phải tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng chợ; trong đó vai trò của Nhà nước là một trong những yếu tố tiên quyết để giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, cần có sự đổi mới trong tư duy quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thương mại nói chung, tài sản kết cấu hạ tầng chợ nói riêng. Luật Quản lý và Sử dụng tài sản công (năm 2018) đã quy định về cơ chế, quản lý, sử dụng, khai thác chung đối với tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, trong đó có tài sản hạ tầng thương mại là chợ. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ có tính đặc thù nên cần thiết phải có những nghiên cứu chuyên sâu hơn để thể chế hóa thành quy định cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ. Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài: “Hoàn thiện cơ chế quản lý tài sản hạ tầng thương mại là chợ có sự tham gia đầu tư của Nhà nước” là yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa thực tế.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Trên cơ sở phân tích thực trạng của việc quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ tại Việt Nam, đề tài đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ có sự tham gia đầu tư của Nhà nước.

Phạm vi nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu về chợ, trong đó tập trung chủ yếu vào tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý trong giai đoạn 2012 - 2018.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã khái quát được cơ sở lý luận chung về tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ như khái niệm, phân loại, vai trò của tài sản kết cấu hạ tầng và một số nội dung cơ bản về tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý. Theo đó, tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý được hiểu là những công trình xây dựng, kiến trúc, công trình phụ trợ được đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc do Nhà nước quản lý để đảm bảo cho hoạt động giao thương, mua bán được diễn ra bình thường, theo quy luật của thị trường. Các nhiệm vụ về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ bao gồm: (i) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư, cải tạo, nâng cấp tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước; (ii) Tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ được Nhà nước giao cho đối tượng quản lý được hạch toán đầy đủ về hiện vật và giá trị; thực hiện lưu trữ và quản lý hồ sơ trên cơ sở dữ liệu; quá trình sử dụng tài sản thực hiện tính hao mòn, tính khấu hao theo quy định của pháp luật; (iii) Xây dựng dự toán thu chi ngân sách, kế hoạch bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan; (iv) Việc sử dụng, bảo trì, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ thực hiện theo cơ chế thị trường, đa dạng hóa nguồn vốn. Việc bảo trì tài sản đang được thực hiện theo quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; (v) Tổ chức thực hiện khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ. Đây là một trong các giải pháp quan trọng để huy động nguồn lực đầu tư quay trở lại phát triển tài sản, nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ; (vi) Tổ chức thực hiện việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ (bán, điều chuyển, thanh lý ....) theo quy định của pháp luật.

(2) Đề tài đã hệ thống được kinh nghiệm về về quản lý, khai thác, phát triển tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ tại một số nước như Hàn Quốc,Trung Quốc và một số chợ không phải do Nhà nước đầu tư, quản lý trên địa bàn thành phố Hà Nội. Từ đó đề tài đã đưa ra một số bài học kinh nghiệm có thể áp dụng như sau: (i) Tài sản kết cấu hạ tầng là chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý chỉ có thể được khai thác hiệu quả nếu như có định hướng phát triển chợ phù hợp với bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, vùng, đất nước và có mô hình quản lý chợ phù hợp với từng loại chợ; (ii) Việc thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân vào đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ không phải lúc nào cũng thành công nếu như không có mô hình đầu tư phù hợp, thậm chí có thể dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước, nhất là đối với các trường hợp thu hút đầu tư trên cơ sở các chợ truyền thống, hiện hữu do Nhà nước đầu tư, quản lý (thường ở những vị trí trung tâm, thuận lợi, có khả năng sinh lời về đất cao); (iii) Việc đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ gắn với tập quán, văn hóa, đời sống thường nhật của người dân. Khi tập quán sinh hoạt của người dân thay đổi thì cần phải thay đổi cơ chế quản lý, khai thác chợ nói chung, cũng như quản lý, vận hành, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ nói riêng; (iv) Quản lý, vận hành, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ truyền thống do Nhà nước đầu tư, gắn với du lịch văn hóa, cộng đồng là một hướng đi mới, tiềm năng cho phát triển du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

(3) Đề tài đã phân tích, đánh giá thực trạng quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ của Việt Nam giai đoạn 2012 - 2018. Qua đó cho thấy, công tác quản lý các chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý vẫn có vị trí và vai trò nhất định trong sự phát triển của xã hội và đảm bảo đời sống dân sinh của người dân. Cộng đồng các địa phương đã dần dần chuyển đổi các chợ truyền thống do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng sang mô hình do doanh nghiệp/hợp tác xã khai thác, quản lý thay cho các ban quản lý dân cư... Tuy nhiên, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ của Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế như: (i) Việc quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo chợ chưa được quan tâm đúng mức, phần lớn vẫn là các công trình cấp 4, bán kiên cố, tạm bợ...; (ii) Công tác lập hồ sơ, thống kê, hạch toán tài sản lỏng lẻo, không được theo dõi đầy đủ theo chế độ kế toán tương ứng với từng mô hình quản lý chợ (ban quản lý chợ, hợp tác xã chợ, doanh nghiệp chợ) thậm chí có nơi không có sổ sách theo dõi tài sản theo quy định; (iii) Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý chưa tương xứng với tiềm năng, chưa phát huy hết công suất tài sản, nhất là những chợ tại khu vực đô thị và khi đặt trên cùng một mặt bằng so sánh với các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi; (iv) Việc xã hội hóa, thu hút các nguồn lực để đầu tư, khai thác có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý còn nhiều khó khăn, hạn chế do khả năng sinh lời không cao; (v) Công tác quản lý chợ nói chung và quản lý các tài sản kết cấu hạ tầng của chợ nói riêng hầu như được giao hết cho các tổ chức, đơn vị quản lý chợ, mà thiếu sự kiểm tra, theo dõi và hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước.

(4) Đề tài đã đề xuất một số giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ trong giai đoạn tới, bao gồm: (i) Thực hiện rà soát lại tổng thể quy hoạch phát triển chợ tại các địa phương. Các khu chợ nằm trong quy hoạch nhưng không mang lại hiệu quả nên được đánh giá lại, chuyển đổi để có hướng đi thích hợp với từng vùng, tránh lãng phí về đất đai và tiền của Nhà nước; (ii) Hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ, từ ban quản lý sang doanh nghiệp chợ hoặc hợp tác xã chợ; cần phải xác định đúng các mục tiêu và nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với chợ nói chung và từng loại chợ trên từng địa bàn hoặc từng quy mô của mỗi chợ nói riêng, nhằm phân định rõ quan hệ giữa quản lý nhà nước về chợ với quản lý kinh doanh chợ; tách bạch rõ quan hệ quản lý về chợ giữa Nhà nước với tổ chức quản lý chợ với tư cách là một đơn vị kinh tế đặc thù; tăng cường tính chủ động của tổ chức quản lý chợ trong kinh doanh cũng như quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý...; (iii) Hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ. Theo đó, Chính phủ cần sớm có quy định cụ thể về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thương mại nói chung và kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư nói riêng theo hướng quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ do Nhà nước đầu tư, được thực hiện thống nhất, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng chủ thể; tổng kiểm kê, rà soát toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý. Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý thực hiện theo cơ chế thị trường. Ngoài ra, đề tài cũng đề xuất 03 nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện như: (i) Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước; (ii) Nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ quản lý; (iii) Tăng cường công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ.