Hoàn thiện khung pháp lý về chính sách tài chính cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Hoàn thiện khung pháp lý về chính sách tài chính cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững 11/12/2020 11:03:00 866

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Hoàn thiện khung pháp lý về chính sách tài chính cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

11/12/2020 11:03:00

- Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Thu Thủy

- Năm giao nhiệm vụ: 2018/Mã số: 2018-09

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là vấn đề đang được toàn thế giới quan tâm và nỗ lực hướng tới. Trong hơn một thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng cao đã tạo nhiều thuân lợi cho quá trình CNH, HĐH đất nước, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và thu hẹp khoảng cách kinh tế với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích mang lại, phát triển kinh tế cũng đã gây ra sức ép đối với chất lượng môi trường. Các vấn đề mội trường như ô nhiễm nước, không khí và chất thải rắn đang ngày càng trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Đây cũng là thực tế đã và đang diễn ra ở các nước phát triển và đang phát triển. Về định hướng và quan điểm phát triển, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn 2050” và chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Các chiến lược này đã xác định phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Trong đó, tăng trưởng xanh là một trong những nội dung quan trọng của phát triển bền vững nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và đạt được các muc tiêu quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu. Chiến lược tăng trưởng xanh đề ra các mục tiêu đối với phát triển nền kinh tế các-bon thấp, đặc biệt là mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính. Trong điều hành chính sách, Việt Nam cũng đã sử dụng nhiều công cụ tài chính để hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Nhưng thời gian vừa qua, tăng trưởng xanh ở Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt là môi trường đang trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Do đó, việc thực hiện đề tài “Hoàn thiện khung pháp lý về chính sách tài chính cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu của đề tài là đề xuất định hướng, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách tài chính hướng tới sử dụng các công cụ tài chính mới cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam và thực thi cam kết quốc tế đã ký.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là các chính sách tài chính hiện hành của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và triển khai các chính sách, công cụ tài chính nhằm hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.

Phạm vi nghiên cứu của đề tài là khung pháp lý và chính sách tài chính hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, trong đó trọng tâm là hoạt động giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện các cam kết quốc tế.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã hệ thống hóa được vấn đề lý luận liên quan đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; mối quan hệ giữa tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là hai khái niệm song hành với nhau trong quá trình nghiên cứu và xây dựng chính sách phát triển. Tăng trưởng xanh là tăng trưởng và phát triển kinh tế đồng thời vẫn đảm bảo duy trì, gìn giữ các nguồn vốn, tài nguyên thiên nhiên để tiếp tục phục vụ nhu cầu phát triển. Còn phát triển bền vững mang đến cơ hội cho các quốc gia phát triển hài hòa về kinh tế, xã hội và môi trường nhằm đáp ứng được các nhu cầu của thế hệ hiện tại cũng như không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ tương lai. Theo đó, phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn định được đặt trong mối quan hệ với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống.

(2) Đề tài đã làm rõ được thực trạng về chính sách tài chính liên quan đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam, từ đó đề tài đã đưa ra được những kết quả của chính sách này: (i) Các chính sách tài chính đã bám sát và thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực môi trường, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu dùng nhằm giảm thải ô nhiễm tại nguồn; (ii) Các chính sách tài chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh phát triển bền vững, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã được ban hành tương đối đầy đủ, bao gồm các chính sách liên quan đến thu, chi ngân sách và các chính sách tài chính khác; (iii) Chính sách thu thông qua công cụ thuế, phí, lệ phí, đã được ban hành đồng bộ, được bổ sung, điều chỉnh qua từng giai đoạn, một mặt có tác động thay đổi hành vi bảo vệ môi trường theo chiều hướng tích cực, đồng thời động viên hợp lý đóng góp của xã hội, tạo thêm nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường; (iv) Chi NSNN cho hoạt động bảo vệ môi trường đã coi trọng, quy mô chi tăng dần qua các năm và tăng ở cả cấp trung ương và địa phương; (v) Các chính sách tài chính khác, đặc biệt là chính sách thị trường các-bon đã hỗ trợ khắc phục phần nào sự thất bại của thị trường trong việc cung cấp công nghệ hoặc sản phẩm các-bon thấp. Theo đó, đã giảm bớt hoặc bỏ trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch, cung cấp trợ giá cho năng lượng tái tạo hoặc hình thức chi tiêu khác của Chính phủ cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

(3) Đề tài đã tổng hợp được kinh nghiệm của các nước về triển khai hệ thống trao đổi tín chỉ các-bon; triển khai hệ thống thuế cac-bon; sử dụng nguồn thu từ bảo vệ môi trường chỉ cho mục tiêu bảo vệ môi trường. Từ đó rút ra được 04 bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, cụ thể: (i) Khuôn khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch và có thể dự đoán được là rất quan trọng cho việc áp dụng một cơ chế, chính sách mới nhằm không gây sốc cho thị trường, không gây khó khăn cho việc xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và không làm chậm trễ trong việc thực thi các biện pháp giảm nhẹ; (ii) Chính sách cần được nghiên cứu và đánh giá tác động kỹ lưỡng; (iii) Sự chấp nhận, ủng hộ và tham gia của cộng đồng và các bên liên quan đóng vai trò then chốt quyết định sự thành bại của chính sách; (iv) Rủi ro chính trị và tìm kiếm sự ủng hộ chính trị.

(4) Qua đánh giá thực trạng pháp luật tài chính của Việt Nam cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho thấy các công cụ, chính sách tài chính đang được sử dụng chưa thực sự tác động để thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường. Do đó, đề tài đã đưa ra hai giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững dựa trên những kinh nghiệm và bài học thực tế của một số quốc gia trên thế giới, điều kiện thực tiễn và hoàn cảnh của Việt Nam, có tính đến mục tiêu đảm bảo thực thi cam kết quốc tế, cụ thể: (i) Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu ngân sách nhằm hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; (ii) Xây dựng khuôn khổ pháp lý về tài chính cho việc hình thành và hoạt động của thị trường mua bán tín chỉ các-bon. Bên cạnh đó, đề tài cũng đưa ra lộ trình thực hiện các giải pháp trên theo hướng hoàn thiện pháp luật về thu ngân sách đối với phát thải các-bon thay thế một số quy định hiện hành và nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý để vận hành thị trường mua bán tín chỉ các-bon nhằm đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, bộ, ngành và gắn với nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy để có thể xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai một cơ chế mới cần chuẩn bị kỹ lưỡng và cần xây dựng một lộ trình tổng thể với tầm nhìn dài hạn trong đó cần xác định các bước đi cụ thể cho từng giai đoạn: Giai đoạn 2019 - 2020; giai đoạn 2021 - 2030 và giai đoạn 2031 - 2050./.