- Đơn vị chủ trì: Nhóm nghiên cứu Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo
- Đại diện: Dương Hoàng Linh
- Năm giao nhiệm vụ: 2019/Mã số: 2019-39
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là mục tiêu xuyên suốt và nhất quán của nước ta kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới nền kinh tế đến nay. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu này càng trở nên cấp thiết hơn khi diễn biến kinh tế thế giới ngày càng phức tạp, khó lường. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2009 đã làm chậm lại xu thế tăng trưởng của kinh tế toàn cầu so với giai đoạn trước, trong đó có những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Cùng với tăng trưởng chậm lại, hoạt động thương mại toàn cầu trong một số năm cũng đã chững lại đáng kể, trong khi chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng. Toàn cầu hóa tuy vẫn là xu hướng chủ đạo nhưng sự thay đổi của khoa học và công nghệ và tương quan lực lượng giữa các cường quốc đã tác động mạnh mẽ đến xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng tăng cường các liên kết kinh tế song phương. Cuộc khủng hoảng năm 2008 còn làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới, trong đó diễn ra sự phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng ngày càng lớn của các nền kinh tế mới nổi, thách thức nghiêm trọng vị thế dẫn đầu kinh tế của Hoa Kỳ. Môi trường kinh tế thế giới thay đổi khiến cho việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam chịu không ít thách thức. Là một nước có độ mở kinh tế lớn, mức độ hội nhập ngày càng sâu rộng, cơ hội mở ra cho Việt Nam là không nhỏ nhưng sự phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế bên ngoài cũng đặt Việt Nam trước nhiều khó khăn và dễ bị tổn thương trước các cú sốc của kinh tế toàn cầu. Thực tế cho thấy, các bất ổn của thị trường tài chính, thương mại, hàng hóa,... trên thế giới gần đây đều có tính lan truyền cao và Việt Nam cũng không tránh khỏi. Sau hơn 30 năm mở cửa nền kinh tế, có thể thấy kinh tế Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về thương mại và đầu tư. Trong khi đó, rất nhiều nguồn nội lực của Việt Nam chưa được khai thác hiệu quả. Bên cạnh đấy, thành quả sau nhiều năm hội nhập, kinh tế Việt Nam có sự khởi sắc nhưng vẫn còn chậm so với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh căng thẳng chính trị, căng thẳng thương mại có nguy cơ lan rộng, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để có thể đứng vững trước các cú sốc của kinh tế thế giới có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo tiền đề cho nước ta phát triển ổn định, bền vững và có đủ tiềm lực để hạn chế một cách tối đa những tổn thất bất lợi do các cú sốc từ bên ngoài gây ra.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu: Đề xuất được các giải pháp tài chính nhằm nâng cao năng lực nội tại và tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu nền kinh tế Việt Nam và tính độc lập của nền kinh tế Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu tính chất độc lập trên các nhân tố lớn của nền kinh tế như sản xuất, thương mại, đầu tư và khả năng chống chịu của nền kinh tế trong giai đoạn 2011-2020.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã khái quát được một số vấn đề chung liên quan đến nền kinh tế độc lập tự chủ như khái niệm; đặc trưng của nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh quốc tế; sự cần thiết phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế; các tiêu chí đánh giá nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh quốc tế; các yếu tố chi phối, quết định tính độc lập, tự chủ của một nền kinh tế. Theo đó, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng là hết sức cần thiết và quan trọng đối với mọi nền kinh tế. Ở Việt Nam, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là vấn đề không phải bây giờ chúng ta mới đặt ra. Đây cũng là chủ trương được Đảng ta đề ra xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nguyên tắc này đã được Đảng xác định trong nhiều Văn kiện, Nghị quyết của Đảng và gần đây là trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020. Trong bối cảnh hội nhập, nền kinh tế độc lập, tự chủ được hiểu là nền kinh tế có khả năng thích ứng cao với những biến động, bất ổn của tình hình quốc tế. Để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải có được 2 yếu tố cơ bản: Thứ nhất, quốc gia phải độc lập, tự chủ trong việc xây dựng đường lối, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội; Thứ hai, để một nền kinh tế có tính độc lập, tự chủ thì cần phải đảm bảo có nội lực đủ mạnh về năng lực sản xuất của nền kinh tế; về cơ cấu kinh tế hợp lý, cũng như đảm bảo về việc duy trì khu vực tài chính lành mạnh, hiệu quả, có khả năng chống chịu đối với các cú sốc từ bên ngoài, bao gồm cả khu vực tài chính công.
(2) Đề tài đã đánh giá thực trạng nền kinh tế về độc lập, tự chủ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế trên các khía cạnh như: Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ của Việt Nam giai đoạn 2007-2019; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; Hiện trạng về tính độc lập, tự chủ của kinh tế Việt Nam trên các phương diện như sản xuất, vốn đầu tư, thương mại và khả năng chống chịu của nền kinh tế với các biến động trên thế giới. Cụ thể:
(i) Về sản xuất: Mặc dù tình hình sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam phát triển tương đối tốt, các mặt hàng xuất khẩu ngày càng có giá trị gia tăng cao, ngành công nghiệp hỗ trợ cũng đã có những đóng góp nhất định trong việc đưa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu, năng suất lao động ngày càng được cải thiện, tuy nhiên việc ứng dụng khoa học công nghệ vào ngành sản xuất vẫn còn nhiều hạn chế. Chính điều này đã phần nào kìm hãm tính tự chủ của nền sản xuất Việt Nam. Hơn nữa, việc Việt Nam nhập khẩu chủ yếu nguyên liệu và thiết bị phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu cũng phản ánh tính thiếu độc lập của nền sản xuất nước nhà. Nhìn chung có thể nói trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tính độc lập tự chủ của khu vực sản suất trong nước vẫn chưa cao, còn phải phụ thuộc nhiều vào các nền kinh tế bên ngoài.
(ii) Vốn đầu tư: Hiện khu vực trong nước vẫn đóng góp phần lớn vào đầu tư toàn xã hội. Tiềm lực đầu tư trong nước cũng có sự cải thiện khá rõ nét, với sự vươn lên của khu vực ngoài Nhà nước – liên tục có đầu tư tăng trưởng tốc độ cao và hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong đầu tư toàn xã hội. Trong đó, khi so sánh hiệu quả đầu tư giữa 3 khu vực kinh tế (Nhà nước, ngoài nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài), cho thấy khu vực ngoài nhà nước là hiệu quả nhất, còn đầu tư của khu vực Nhà nước là kém hiệu quả nhất. Đây là vấn đề cần lưu ý khi muốn nâng cao tính độc lập về đầu tư của Việt Nam, đó là cần thúc đẩy mạnh đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực bên ngoài để bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế xã hội đây là điều rất cần thiết, nhưng cũng dẫn đến sự phụ thuộc của nền kinh tế vào một số đối tác trong khu vực (lớn nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc), vào một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế biến – chế tạo. Hơn nữa, lợi thế hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của nước ta vẫn phụ thuộc vào lao động giá rẻ…
(ii) Về thương mại: Sự tăng trưởng nhanh của xuất nhập khẩu ở Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn 2011-2020. Đồng thời, sự tăng trưởng thương mại trong giai đoạn này cũng cho thấy nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu và rộng vào nền kinh tế, thương mại và sản xuất. Tuy nhiên việc này cũng đồng nghĩa những biến động về kinh tế, địa chính trị trên thế giới sẽ có nhiều tác động hơn đối với nền kinh tế Việt Nam thông qua kênh thương mại. Có thể nói việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu ở các đối tác lớn góp phần bảo đảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao của Việt Nam trong suốt giai đoạn 2011-2020, tuy nhiên nó cũng đồng nghĩa với việc xuất khẩu Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các thị trường Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc. Nhìn chung nếu nhìn ở góc độ cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam thì tính độc lập tự chủ về xuất nhập khẩu Việt Nam còn tương đối thấp, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài. Ở phía nhập khẩu Việt Nam đang phụ thuộc nhiều trong các mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện máy tính – máy tính. Trong khi đó ở phía xuất khẩu, Việt Nam phụ thuộc lớn vào các biến động của thị trường điện thoại, xuất khẩu nông sản Việt Nam phụ thuộc vào giá cả trên thị trường thế giới. Giai đoạn 2011-2020, Việt Nam có xu hướng ngày càng phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn FDI. Các doanh nghiệp có vốn FDI cũng là các doanh nghiệp chiếm phần lớn xuất khẩu ở các mặt hàng chủ lực Việt Nam như máy vi tính và linh kiện, điện thoại và linh kiện. Trong khi đó khu vực trong nước chủ yếu tập trung ở các sản phẩm như nông sản, công nghiệp nhẹ (dệt may, giầy dép, gỗ). Như vậy, có thể thấy năng lực sản xuất xuất khẩu nội tại của nước ta còn tương đối thấp, xuất khẩu phụ thuộc nhiều từ các doanh nghiệp có vốn FDI.
(3) Đề tài đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao tính độc lập, tự chủ của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới. Theo đó, để tăng cường tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, Việt Nam cần quán triệt một số giải pháp như nâng cao năng lực sản xuất và tính độc lập tự chủ trong sản xuất thông qua đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, phát triển và đa dạng hóa thị trường tài chính, thúc đẩy phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nâng cao năng lực đầu tư và tính độc lập tự chủ trong đầu tư như cải thiện thể chế đầu tư, tăng chất lượng đầu tư của vốn FDI; Nâng cao tính độc lập tự chủ đối với thương mại như gia tăng sản xuất tiêu dùng trong nước, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, đa dạng hóa đối tác thương mại; Tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế với biến động bên ngoài như sử dụng hợp lý, linh hoạt các công cụ của chính sách tài khóa - tiền tệ, củng cố ổn định vĩ mô cho nền kinh tế.