- Đơn vị chủ trì: Ban Tài chính quốc tế và Chính sách hội nhập
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Đào Thị Phương Liên
- Năm giao nhiệm vụ: 2019/Mã số: 2019-36
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Từ năm 2011 đến nay, thế giới có những diễn biến phức tạp, tạo ra những yếu tố thuận lợi nhưng đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là khủng hoảng nợ công lan rộng ở nhiều quốc gia, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và chứa đựng nhiều rủi ro; tình trạng thất nghiệp cao vẫn còn diễn ra ở nhiều nước, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt, tranh giành tài nguyên ở một số khu vực ngày càng gay gắt hơn.
Tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động, tiềm ẩn những rủi ro đã tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Bình quân trong giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 5,91%, mặc dù thấp hơn so với giai đoạn 2006 - 2010, nhưng đặt trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và kinh tế thế giới thường xuyên xuất hiện nhiều nhân tố bất lợi.
Các cân đối lớn về kinh tế vĩ mô ổn định hơn nhưng chưa bền vững. Bội chi ngân sách của Việt Nam có xu hướng tăng đặt ra một số thách thức lớn đối với yêu cầu đảm bảo bền vững tài khóa trong trung và dài hạn, nhất là khi áp lực phải tăng chi ngân sách nhà nước đang lớn. Về cán cân thương mại, xuất khẩu vẫn đang dựa vào lợi thế về giá nhân công; hàm lượng giá trị gia tăng của xuất khẩu còn thấp; tỷ trọng nhập khẩu từ các nước có trình độ công nghệ thấp như Trung Quốc có xu hướng tăng.
Tăng trưởng kinh tế còn thấp so với tiềm năng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm so với yêu cầu. Sự chậm lại về tăng trưởng của nền kinh tế trong 5 năm qua đang đặt ra một số thách thức về khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực. Đến nay, cơ cấu kinh tế Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với yêu cầu của một nước công nghiệp. Các ngành dịch vụ thâm dụng tri thức, khoa học và công nghệ phát triển còn chậm, tỷ trọng trong GDP của các ngành dịch vụ mang tính chất “động lực” hay “huyết mạch” của nền kinh tế như tài chính - tín dụng còn thấp.
Thế giới đang tiếp tục thay đổi nhanh chóng và được dự báo biến động khó lường trong vòng một thập kỷ tới với nhiều nhân tố gây bất ổn mới, cả về chính trị, kinh tế, tài chính. Việt Nam là một nền kinh tế mở đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Những thay đổi về chính trị, kinh tế, tài chính thế giới sẽ tiếp tục tác động toàn diện đến nước ta và đặt ra những thách thức mới đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu Đề tài “Biến động kinh tế thế giới và các ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020” là cần thiết
2. Mục tiêu nghiên cứu
Đề tài đánh giá tác động của những biến động kinh tế thế giới đến kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam, cụ thể:
+ Nghiên cứu, phân tích tình hình chính trị, kinh tế, tài chính thế giới 2011 - 2020 và phân tích tác động đối với Việt Nam (môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước; sản xuất trong nước; xuất khẩu, nhập khẩu; thu hút đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài; thu hút ODA;...).
+ Phân tích, đánh giá, nhận định xu hướng, triển vọng chính trị, kinh tế, tài chính thế giới 2021 -2030 và tác động đối với Việt Nam (môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước; sản xuất trong nước; xuất khẩu, nhập khẩu; thu hút đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài; thu hút ODA;...).
+ Khuyến nghị đối sách của Việt Nam trong bối cảnh mới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Tác động của kinh tế thế giới đến kinh tế Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu: Giai đoạn 2011 - 2020.
4. Kết quả nghiên cứu.
(1) Đề tài nghiên cứu một số vấn đề chung về bối cảnh tình hình thế giới về hai khía cạnh: Chính trị và kinh tế - tài chính trong giai đoạn 2011 - 2020. Thế giới đang trải qua một thời kỳ có nhiều biến động phức tạp và khó lường. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh kiềm chế lẫn nhau quyết liệt, giành vị thế và lợi ích gây ra tình hình phức tạp tại nhiều khu vực và nhiều nước. Xung đột dân tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế, chiến tranh cục bộ, chiến tranh kinh tế, chiến tranh mạng, các hoạt động can thiệp, lật đổ, bất tuân dân sự, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, tài nguyên… diễn ra dưới những hình thức mới, gay gắt hơn. Những vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống như: An ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh tài chính, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ... diễn biến nghiêm trọng. Chủ nghĩa dân tuý, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng gia tăng mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn.
(2) Đề tài đã phân tích tác động của diễn biễn tình hình thế giới lên một số khía cạnh trong nền kinh tế Việt Nam như tăng trưởng, thương mại, lạm phát, giá dầu… trong giai đoạn 2011 - 2020.
Về tăng trưởng,nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn thông qua các FTA song phương và đa phương trong giai đoạn 2011 - 2020 do đó mức độ tác động của các biến động kinh tế thế giới đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng rõ nét hơn. Sau khủng hoảng nợ công năm 2010 và suy thoái kinh tế thế giới kéo dài cùng những thách thức từ nội tại nền kinh tế, giai đoạn 2011 - 2017 thực sự là thời điểm khó khăn của Việt Nam, song vượt lên mọi trở ngại, Việt Nam là một trong những quốc gia đã đạt được tốc độ tăng trưởng đáng kể. Bình quân giai đoạn 2011 - 2017, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,08%/năm; năm 2018 đạt 7,08%, là quốc gia có mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.
Về thương mại, nhờ quá trình mở cửa hội nhập kinh tế, hoàn thiện hệ thống quản lý hải quan theo tiêu chuẩn quốc tế và cắt giảm hàng rào thuế quan là một trong những động lực tăng cường và mở rộng quy mô thương mại Việt Nam, nhờ đó tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam tăng liên tục từ năm 2011 đến nay.
Về đầu tư, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào các cam kết song phương và đa phương làm cho nền kinh tế Việt Nam ngày một tăng trưởng và ổn định, đời sống người dân được nâng cao. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của các doanh nghiệp và khu vực FDI đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đặc biệt, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được khơi thông nhanh chóng, tạo điều kiện cho chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và mở rộng hội nhập với thế giới; đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Về giá cả hàng hóa và lạm phát, trong giai đoạn 2011 - 2015, lạm phát có xu hướng giảm được ghi nhận ở tất cả các nhóm nước. Lạm phát chỉ có xu hướng gia tăng trong năm 2011 với mức tăng 5,1% trước các áp lực biến động từ các yếu tố nguồn cung, tuy nhiên lại duy trì xu hướng giảm liên tục trong suốt những năm còn lại, đến năm 2015, lạm phát thế giới còn 2,8%. Để giải quyết vấn đề lạm phát tăng cao năm 2011, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Việc các bộ, ngành quyết liệt thực hiện tốt chương trình bình ổn giá thị trường từ năm 2012 tới nay đã đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, góp phần làm tăng cung trong những dịp tiêu dùng cao điểm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân với giá bán hợp lý. (3) Đề tài đưa ra nhận định một số xu hướng biến động của tình hình kinh tế - tài chính thế giới trong giai đoạn 2021 - 2030, từ đó nhận diện cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, có 03 cơ hội cho Việt Nam: Mở rộng thị trường quốc tế; thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý. Bên cạnh đó, có một số thách thức trong thời gian tới Việt Nam phải đối mặt trong bối cảnh biến động thế giới như sau:
(i) Nền kinh tế đang đối diện với xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng. Nhiều quốc gia, với mục tiêu đảm bảo sự tăng trưởng của thị trường nội địa, đang ngày càng có xu hướng bảo hộ thương mại và áp đặt nhiều hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói riêng và hoạt động sản xuất nói chung.
(ii) Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế Hoa Kỳ - Trung Quốc - EU diễn ra căng thẳng hơn, các quốc gia có xu hướng tiếp tục phá giá đồng nội tệ của mình so với các đồng tiền mạnh (USD, EUR,...) để hạn chế thiệt hại, đặc biệt là Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể bị cuốn vào vòng xoáy “phá giá nội tệ để cạnh tranh”, và theo đó, diễn biến tỷ giá VND/USD sẽ trở nên khó lường hơn.
(iii) Việc môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài làm cho các nhà đầu tư vẫn dè dặt về môi trường hoạt động lâu dài, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư giảm sút. Bên cạnh đó, chất lượng lao động chưa được cải thiện cùng năng lực khoa học - công nghệ chưa cao có thể ảnh hưởng tới lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế và khả năng thu hút dòng vốn tới Việt Nam
Trên cơ sở đánh giá xu hướng biến đổi của thế giới có thể xảy ra trong giai đoạn tới, kết hợp với chủ trương và chính sách của Đảng, đề xuất 03 khuyến nghị (Phát triển thương mại, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển về đầu tư; phát triển chính sách tài chính công và thu ngân sách nhà nước) nhằm tận dụng tối đa các cơ hội Việt Nam có thể đạt được và hạn chế hết mức các tác động có thể gây bất lợi cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.