- Đơn vị chủ trì: Ban Tài chính quốc tế và chính sách hội nhập
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Trần Thị Quỳnh Hoa
- Năm giao nhiệm vụ: 2019/Mã số: 2019-33
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Khi CHXH ở Liên Xô và châu Âu sụp đổ vào cuối thế kỷ XX, trật tự thế giới hai cực Yalta và Chiến tranh lạnh đã làm thay đổi cục diện thế giới, tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị và kinh tế của nhiều nước. Các nước TBCN (trong đó có Hoa Kỳ) tranh thủ phát huy vai trò ảnh hưởng của mình, chi phối kinh tế và chính trị thế giới, thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa. Khi đó, toàn cầu hóa kinh tế trở thành một sự phát triển tất yếu khách quan, một xu hướng bao trùm của sự vận động kinh tế thế giới. Do đó, các nước XHCN (trong đó có Việt Nam) phải tiến hành đẩy mạnh quá trình cải cách, mở cửa, đổi mới và hội nhập để có thể thể tồn tại và phát triển phù hợp với xu thế.
Với xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa, nhiều hình thức hợp tác kinh tế quốc tế ra đời, phong phú, nổi bật nhất là vai trò của thương mại song phương. Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nói chung và quan hệ kinh tế - tài chính nói riêng là sản phẩm tất yếu của quan hệ quốc tế sau Chiến tranh lạnh. Trên phạm vi khu vực và thế giới, mối quan hệ kinh tế - tài chính giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có ý nghĩa tích cực đối với hòa bình, ổn định và phát triển của mỗi quốc gia. Đây là mối quan hệ giữa hai quốc gia vốn từng đối đầu căng thẳng trong quá khứ, với những khác biệt về chính trị, về địa vị kinh tế nhưng mối quan hệ này ngày càng phát triển theo chiều hướng tốt và có sự biến đổi về chất, đặc biệt là sau khi Hiệp định thương mại song phương (BTA) được ký kết vào năm 2000 giữa hai nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, quan hệ kinh tế - tài chính giữa Việt Nam và Hoa Kỳ còn nhiều tồn tại và thách thức, chưa tương xứng với tiềm năng, và đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay có nhiều biến động như xu hướng bảo hộ gia tăng, xung đột chính trị và xung đột thương mại giữa nhiều nước, đặc biệt hơn nữa đó chính là cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ luôn thặng dư nghiêng về phía Việt Nam, trong khi đó, Hoa Kỳ với phương châm “nước Mỹ trên hết” đã tăng thuế với các nước mà Hoa Kỳ có thâm hụt thương mại. Do đó, đề tài “Nghiên cứu chính sách và giải pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế - tài chính giữa Việt Nam - Hoa Kỳ” là cần thiết.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là đề xuất khuyến nghị, hàm ý chính sách cho Việt Nam để thúc đẩy quan hệ kinh tế - tài chính giữa Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới, trên cơ sở đánh giá quan hệ kinh tế - tài chính giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; nhận diện những thách thức, hạn chế tồn tại trong quan hệ kinh tế - tài chính giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; những tiềm năng, cơ hội hợp tác phát triển kinh tế - tài chính giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Quan hệ kinh tế - tài chính giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Phạm vi nghiên cứu: Mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; đầu tư FDI và viện trợ của Hoa Kỳ cho Việt Nam, từ đó phân tích thực trạng và đánh giá mối quan hệ kinh tế - tài chính giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, qua đó đưa ra kiến nghị cho Việt Nam.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Nghiên cứu cơ sở kinh tế - chính trị cho mối quan hệ kinh tế - tài chính giữa Việt Nam - Hoa Kỳ: Mỹ là một nền kinh tế hỗn hợp phát triển, là nền kinh tế lớn nhất thế giới theo GDP danh nghĩa (theo IMF) và là nền kinh tế lớn thứ hai theo PPP. Sau gần ba thập kỷ kể từ khi bắt đầu Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đầy ấn tượng về tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo được công bằng và ổn định, trên cơ sở phân tích quan điểm đường lối chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và của Việt Nam đối với Hoa Kỳ.
(2) Đề tài nghiên cứu đã đánh giá mối quan hệ kinh tế - tài chính giữa Việt Nam - Hoa Kỳ trên các mặt: (i) Về thương mại: Nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ Việt Nam (tức xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ) có thể xem là lĩnh vực thành công nhất trong quan hệ kinh tế song phương giai đoạn 2000 - 2019. Trong lĩnh vực xuất khẩu của Hoa Kỳ sang thị trường Việt Nam, trị giá cũng tăng đều qua các năm, cán cân thương mại của Việt Nam trong buôn bán giữa hai nước luôn duy trì mức thặng dư lớn. Cơ cấu mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ luôn đứng đầu là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, chiếm tỷ trọng khoảng 1/5 tổng trị giá nhập khẩu. Điều này cũng phản ánh trình độ tiên tiến của nền sản xuất Hoa Kỳ và do đó đã hỗ trợ đắc lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế nhất định: Cho đến nay, Hoa Kỳ chỉ “đang xem xét tích cực”, chứ chưa công nhận kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vẫn thường có những cáo buộc rằng Việt Nam bán phá giá một số mặt hàng sang Hoa Kỳ. Sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là rất lớn, Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại, rào cản kỹ thuật lớn, khó cạnh tranh khi xúc tiến các quan hệ kinh tế - thương mại với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam có giá trị gia tăng thấp. Về nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam tăng rất chậm cho thấy Việt Nam chưa tận dụng được thiết bị kỹ thuật và công nghệ của Hoa Kỳ phục vụ cho sự tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế khác so với các đối thủ cùng đẳng cấp trên thế giới. Đó là các nước châu Phi (khoảng 40 nước) được hưởng ưu đãi thương mại theo Luật cơ hội phát triển châu Phi, các nước khu vực Lòng chảo Caribea được hưởng ưu đãi theo Luật sáng kiến khu vực Lòng chảo Caribea..v.v.
(ii) Về đầu tư: Tính đến tháng 11/2019, lũy kế các dự án còn hiệu lực của Hoa Kỳ là 983 dự án với tổng vốn đăng ký trên 9,37 tỷ USD. Hoa Kỳ tiếp tục là một trong những quốc gia có FDI lớn, đứng thứ 11 trong số 132 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Trải qua 18 năm (kể từ BTA) thực hiện quan hệ đầu tư, FDI của Hoa Kỳ ở Việt Nam đã mang lại một hiệu quả to lớn đối với cả hai phía. Tuy nhiên, FDI từ Hoa Kỳ vào Việt Nam có một số hạn chế: Cơ cấu đầu tư theo ngành và lĩnh vực Hoa Kỳ chủ yếu đầu tư vào ngành dịch vụ, chưa có nhiểu dự án FDI vào ngành công nghiệp có quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại từ các MNCs mẹ của Hoa Kỳ. Nếu so với mục tiêu chính của Việt Nam là thu hút công nghệ nguồn, công nghệ cao và nâng cao trình độ quản lý từ các dự án FDI của Hoa Kỳ thì những điều Việt Nam nhận được còn hạn chế. Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ đạt tại Việt Nam có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế, ví dụ như Coca - cola.
(iii) Về ODA: Thông qua ODA, các nước và các tổ chức tài trợ quốc tế nói chung và Hoa Kỳ hiểu nhiều hơn về chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước ta, thừa nhận những tiến bộ mà nhân dân ta đã đạt được trong sự nghiệp đổi mới, cam kết ODA cho ta năm sau cao hơn năm trước. Tuy vậy, Việt Nam thiếu định hướng làm cơ sở chủ động hơn trong việc quản lý và sử dụng ODA một cách có hiệu quả phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời các nhà tài trợ có căn cứ hoạch định các chính sách, xây dựng các chương trình và phối hợp những nỗ lực tài trợ cho quá trình phát triển của Việt Nam.
(2) Qua nghiên cứu cơ sở kinh tế - chính trị cho mối quan hệ kinh tế - tài chính giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đề tài đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế - tài chính giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cụ thể:
(i) Đối với nhóm giải pháp trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: Phát triển chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hình thành những ngành xuất khẩu chủ lực, mũi nhọn quan trọng vào thị trường Hoa Kỳ; Hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Hoa Kỳ; Việt Nam cần cải thiện cơ chế, chính sách, hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý vĩ mô của Nhà nước trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ; Trong pháp luật thương mại, cần bổ sung thêm các quy định rõ ràng hơn về quản lý nhập khẩu. Sử dụng hợp lý các công cụ phi thuế quan như hàng rào kỹ thuật, hạn ngạch, thuế quan, thuế tuyệt đối, thuế chống phá giá....Giảm dần tỷ trọng của thuế nhập khẩu trong cơ cấu nguồn thu ngân sách; Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu luôn thể hiện trình độ phát triển và hiệu quả thương mại quốc tế của một quốc gia.
(ii) Đối với nhóm giải pháp trong thu hút đầu tư của Hoa Kỳ: Tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư; Tiếp tục cải cách hành chính và hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển kết cấu hạ tầng; Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; Đổi mới công tác quảng bá và xúc tiến đầu tư đối với nhà đầu tư Hoa Kỳ; Cần giới thiệu nhiều hơn hình ảnh Việt Nam trên các phương tiện truyền thông ở Hoa Kỳ
(iii) Đối với nhóm giải pháp trong huy động và sử dụng ODA của Hoa Kỳ cho Việt Nam: Nâng cao công tác thông tin và theo dõi dự án ODA; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các dự án ODA; Tăng cường công tác đào tạo và điều phối bố trí cán bộ trong quản lý và sử dụng ODA.