Phát triển kinh tế vùng ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính

Phát triển kinh tế vùng ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính 11/12/2020 09:41:00 240

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Phát triển kinh tế vùng ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính

11/12/2020 09:41:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Thị Hải Bình

- Năm giao nhiệm vụ: 2019/ Mã số: 2019-25

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng, kinh tế - tài chính thế giới đã trải qua nhiều giai đoạn bất ổn với phạm vi, mức độ tác động ngày càng lớn, tần suất ngày càng tăng. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2008 - 2009 và khủng hoảng nợ công khu vực châu Âu giai đoạn 2009 - 2014 đã gây ra những tác động tiêu cực cho kinh tế, tài chính ở nhiều quốc gia trên thế giới. Từ các cuộc khủng hoảng này, nhiều quốc gia, chính phủ đã nhận thấy, các chuẩn mực, thông lệ tốt về giám sát an toàn vĩ mô, giám sát an toàn vi mô, giám sát dựa trên rủi ro… chưa được xem xét và chú trọng một cách nghiêm túc tại nhiều nước làm cho công tác ngăn ngừa và khắc phục hậu quả khủng hoảng càng khó khăn, phức tạp và tiêu tốn nhiều thời gian, nguồn lực.

Bên cạnh đó, dưới tác động của khoa học và công nghệ đã thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ các dịch vụ tài chính mới, các sản phẩm tài chính đa năng/đan xem, các hình thức thanh toán xuyên biên giới, các giao dịch xuyên quốc gia và đặc biệt là hình thành nhiều tập đoàn tài chính đa năng, làm cho các định chế tài chính trên thị trường ngày càng vượt ra khỏi các nghiệp vụ truyền thống như huy động và cho vay… Cùng với tự do hóa và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, các biến động tài chính tiền tệ cũng có tác động lan truyền đến nhiều quốc gia gây mất ổn định và nguy cơ đổ vỡ hệ thống tài chính của nước sở tại… Những vấn đề này đã và đang thúc đẩy nhiều quốc gia trên thế giới hình thành các cơ quan giám sát an toàn vĩ mô hay còn gọi là giám sát tài chính vĩ mô, đưa giám sát tài chính vĩ mô trở thành một trong những nhiệm vụ được chú trọng và ưu tiên hàng đầu. Giám sát tài chính vĩ mô hiệu quả sẽ góp phần đưa ra các cảnh báo sớm, qua đó giúp các chính phủ chủ động tìm kiếm các biện pháp đối phó thích hợp nhằm tránh xảy ra khủng hoảng hoặc có thể giảm nhẹ tác động nếu khủng hoảng vẫn xảy ra.

Tại Việt Nam, hệ thống tài chính và các thị trường tài chính đã trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần tạo ra kênh huy động vốn quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, hệ thống tài chính Việt Nam còn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, thể hiện trên nhiều phương diện như quy mô thị trường, năng lực quản trị, khả năng quản lý… bao gồm cả năng lực, kỹ năng và công tác giám sát nói chung và hệ thống giám sát tài chính vĩ mô nói riêng. Trong khi đó, mô hình giám sát tài chính vĩ mô hiện nay đang theo mô hình giám sát theo lĩnh vực/chức năng. Trong đó, các cơ quan quản lý tài chính tại Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước...) chỉ thực hiện chức năng quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo từng lĩnh vực về ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và chủ yếu tập trung vào công tác giám sát an toàn vi mô trên cơ sở thiên về giám sát tuân thủ hơn là giám sát dựa trên rủi ro.

Trên thực tế, trong thời gian qua có một số nghiên cứu về giám sát tài chính vĩ mô, nhưng chủ yếu mới dừng lại ở việc sử dụng các mô hình (định tính, định lượng) để đánh giá hoặc cảnh bảo rủi ro đối với hệ thống tài chính - tiền tệ của Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá kết quả thực hiện giám sát tài chính vĩ mô Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2020 có ý nghĩa khoa học và thực tiễn nhằm hoàn thiện mô hình, phương thức và cơ chế giám sát, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia và thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài phân tích, đánh giá để làm rõ những kết quả đạt được, cũng như các tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện giám sát tài chính vĩ mô của Việt Nam trong giai đoạn 2011 -2020 nhằm đề xuất các giải pháp hoàn thiện giám sát tài chính vĩ mô nhằm góp phần xây dựng Chiến lược Tài chính đến năm 2030.

.3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Kết quả thực hiện giám sát tài chính vĩ mô.

Phạm vi nghiên cứu: Các nội dung, tiêu chí liên quan đến giám sát tài chính vĩ mô trên cơ sở thực tế triển khai ở Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế, thực trạng giám sát tài chính vĩ mô tại Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2020 (có so sánh với giai đoạn trước, 2001 - 2010) và định hướng giải pháp cho giai đoạn 2021 - 2030.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã khái quát được một số vấn đề chung về giám sát tài chính vĩ mô như khái niệm, mục tiêu giám sát tài chính vĩ mô, các tiêu chí giám sát tài chính vĩ mô và ngưỡng cảnh báo, phương thức giám sát tài chính vĩ mô, mô hình giám sát tài chính vĩ mô và các nhân tố tác động đến giám sát tài chính vĩ mô. Kinh nghiệm quốc tế và lý thuyết cho thấy, phạm vi giám sát an toàn vĩ mô là rộng, bao hàm các góc nhìn từ các yếu tố ổn định tài chính vĩ mô toàn cầu, mối liên kết tài chính vĩ mô trong nước, nội tại khu vực tài chính (ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm), mối liên kết giữa khu vực tài chính với khu vực phi tài chính (doanh nghiệp, hộ gia đình, bất động sản…) và với các khu vực kinh tế khác. Do đó, giám sát an toàn vĩ mô là giám sát tổng thể hệ thống tài chính, thay vì các định chế, tổ chức riêng lẻ và mối tổng hòa gắn kết giữa khu vực tài chính với các khu vực nền kinh tế. Vì vậy, nhu cầu số liệu từ các khu vực của hệ thống tài chính, của nền kinh tế và công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ công tác phân tích, đánh giá hoạt động giám sát an toàn vĩ mô. Để có thể thực hiện tốt các yêu cầu giám sát tài chính vĩ mô thì việc xây dựng các tiêu chí giám sát và xác định ngưỡng cảnh báo là rất quan trọng và cần thiết. Các chỉ tiêu giám sát tài chính vĩ mô và ngưỡng cảnh báo, tùy thuộc mô hình giám sát và điều kiện, bối cảnh mỗi quốc gia sẽ yêu cầu các chỉ tiêu giám sát và ngưỡng cảnh báo có thể giống và khác nhau. Phương pháp giám sát tài chính mỗi quốc gia cũng không thống nhất dựa trên điều kiện, mỗi quốc gia có thể sử dụng mô hình cảnh báo sớm (EWS) trong giám sát tài chính vĩ mô, cũng có thể sử dụng phương pháp kiểm tra sức chịu đựng (Stress Testing) để đánh giá, dự báo rủi ro phục vụ cho giám sát tài chính vĩ mô… Mô hình giám sát tài chính vĩ mô cũng khác nhau, một số quốc gia thành lập Ủy ban/Hội đồng ổn định tài chính có chức năng giám sát tài chính vĩ mô, một số quốc gia áp dụng cơ chế phối hợp, hoặc một số quốc gia có mô hình giám sát tài chính hợp nhất sẽ thực hiện cả chức năng giám sát tài chính vĩ mô. Giám sát tài chính vĩ mô chịu tác động/ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm các yếu tố nội tại (cơ sở dữ liệu, phương pháp thống kê, xác định ngưỡng cảnh báo, mô hình giám sát hay cơ chế phối hợp giữa các bên, năng lực quản lý, giám sát…). Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, xu hướng tự do hóa tài chính, sự phát triển của các tập đoàn tài chính đa năng, sự xuất hiện các giao dịch xuyên biên giới, sự biến động khó lường của thị trường tài chính thế giới và căng thẳng thương mại giữa các quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng ảnh hưởng đến công tác giám sát tài chính vĩ mô.

(2) Đề tài đã phân tích về thực trạng giám sát tài chính vĩ mô ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, trên các khía cạnh như bối cảnh trong nước và thế giới đặt ra vấn đề giám sát tài chính vĩ mô đối với Việt Nam; mối liên kết tài chính vĩ mô ở Việt Nam; thực trạng ổn định tài chính vĩ mô ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; thực trạng giám sát tài chính vĩ mô ở Việt Nam (khuôn khổ pháp lý, tiêu chí giám sát và ngưỡng cảnh báo, phương pháp giám sát, mô hình giám sát tài chính vĩ mô); các nhân tố tác động đến giám sát tài chính vĩ mô ở Việt Nam. Qua đó cho thấy các diễn biến tài chính vĩ mô tương đối ổn định, không có những cảnh báo hay tín hiệu “nguy hiểm” nào đối với hệ thống tài chính và kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, các biến động kinh tế tài chính thế giới và trong nước (sự biến động của thị trường tài chính thế giới, xu hướng hình thành các tập đoàn tài chính đa năng, sự hình thành các sản phẩm tài chính mới, thanh toán xuyên quốc gia hay sự hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam…) đã có những tác động, ảnh hưởng đến thị trường tài chính và kinh tế vĩ mô ở Việt Nam. Cơ chế giám sát tài chính vĩ mô vẫn chưa được vận hành một cách chính thức và có hệ thống do hành lang pháp lý chưa đồng bộ và đầy đủ; hệ thống các tiêu chí và ngưỡng cảnh báo thống nhất chưa được xây dựng; cơ sở dữ liệu, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phục vụ cho công tác giám sát tài chính vĩ mô còn hạn chế; cơ chế phối hợp lỏng lẻo…

(3) Trên cơ sở phân tích những vấn đề chung về giám sát tài chính vĩ mô, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và phân tích, đánh giá thực trạng Việt Nam, đề tài đã đưa ra một số giải pháp để hoàn thiện cơ chế giám sát tài chính vĩ mô ở Việt Nam trong thời gian tới, cụ thể là: (i) Việt Nam cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho giám sát tài chính vĩ mô. Đề tài nhấn mạnh cần tăng cường các quy định giám sát thận trọng theo hướng tiếp cận dần với chuẩn mực quốc tế, đổi mới phương pháp giám sát nói chung, hình thành các quy định để quản lý các tập đoàn tài chính. Các hành lang pháp lý cần thiết cho giám sát thận trọng vĩ mô gồm: Quy định về hệ thống các chỉ tiêu phản ánh mức độ lành mạnh tài chính; quy định về hệ thống thông tin báo cáo phục vụ phân tích và giám sát an toàn vĩ mô; quy định về hệ thống phương pháp và quy trình phân tích, giám sát, đặc biệt là cảnh báo sự ổn định, an toàn tài chính vĩ mô. (ii) Việt Nam cần hoàn thiện tiêu chí, phương pháp giám sát trên cơ sở xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phân tích rủi ro hệ thống. Đồng thời, hoàn thiện bộ chỉ số an toàn vĩ mô và lập bản đồ nhiệt cho các chỉ số an toàn vĩ mô; phân loại nhóm các chỉ số tiên lượng để nhận diện, phân tích nguy cơ rủi ro hệ thống và xác định mục tiêu hoạt động của chính sách an toàn vĩ mô; tập hợp nhóm các chỉ số kích ứng chính sách an toàn vĩ mô giúp lựa chọn công cụ an toàn vĩ mô thích hợp nhằm ngăn ngừa rủi ro hệ thống. Về dài hạn, hệ thống các chỉ tiêu giám sát tài chính vĩ mô phải phù hợp với thông lệ tốt quốc tế và các quy định, chuẩn mực của các tổ chức quốc tế như Ủy ban Basel (Basel II), Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO), Hiệp hội quốc tế về giám sát bảo hiểm (IAIS)… Xây dựng các mô hình đánh giá rủi ro hệ thống, các phương pháp phân tích tính dễ bị tổn thương đối với khu vực tài chính như phân tích tính bền vững của nợ; phương pháp phân tích tính dễ bị tổn thương đối với các khu vực nền kinh tế... Đẩy nhanh hoàn thành cơ sở dữ liệu và thống kê đầy đủ phục vụ cho công tác giám sát tài chính vĩ mô và phù hợp với các tiêu chuẩn quy định về thu thập, thống kê, kế toán quốc tế... (iii) Việt Nam cần hoàn thiện mô hình giám sát thông qua việc thành lập Ủy ban ổn định tài chính hoặc tăng cường vai trò của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. Ngoài ra đề tài cũng đề xuất một số giải pháp bổ trợ khác như rà soát các quy định về quản lý thông tin giao dịch qua tài khoản, các quy định pháp luật về quản lý thuế, các quy định về phòng chống rửa tiền... để thống nhất cách tiếp cận, cũng như chia sẻ thông tin quản lý có liên quan; đẩy mạnh truyền thông nhằm tăng cường nhận thức ở các cơ quan chức năng và cộng đồng nói chung về vai trò, tầm quan trọng của giám sát tài chính vĩ mô; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của giám sát tài chính vĩ mô, kịp thời có những cảnh báo và góp phần hạn chế các tác động tiêu cực đến hệ thống tài chính và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn tới.