Chính sách tài chính thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội giai đoạn 2011 - 2020

Chính sách tài chính thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội giai đoạn 2011 - 2020 11/12/2020 09:39:00 2276

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Chính sách tài chính thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội giai đoạn 2011 - 2020

11/12/2020 09:39:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Phạm Thị Phương Hoa

- Năm giao nhiệm vụ: 2019/ Mã số: 2019 -14

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Bảo đảo an sinh xã hội (ASXH) là mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Điều này đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn 2011 - 2020. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 đã đặt ra mục tiêu: “Đến năm 2020, cơ bản bảo đảm ASXH toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân”. Trên cơ sở đó, các chính sách tài chính đảm bảo mục tiêu ASXH đã được điều chỉnh đa dạng về mục tiêu và phương thức nhằm đảm bảo huy động nguồn lực và hỗ trợ các đối tượng ASXH.Trong đó có những chính sách tài chính mang tính chất hỗ trợ không điều kiện nhằm đảm bảo mức sống và công bằng xã hội cho các đối tượng chính sách như chính sách trợ giúp xã hội, chính sách ưu đãi xã hội, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để người dân có thể tiếp cận được với các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế… Đồng thời, nhiều chính sách tài chính hỗ trợ có điều kiện khuyến khích tăng thu nhập, mức sống cho người dân như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách miễn giảm phí, lệ phí cho người dân; các chính sách giảm rủi ro xã hội và cân bằng trong tương lại liên quan đến các chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Sau gần 10 năm thực hiện, các chính sách đảm bảo ASXH đã đạt được những kết quả quan trọng, hỗ trợ có hiệu quả cho cuộc sống của nhân dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, hệ thống chính sách còn tồn tại nhiều hạn chế như: mức hỗ trợ thấp chưa đủ đảm bảo nguồn lực cho thực hiện chính sách, gây ra vấn đề “nợ chính sách”; các chính sách chủ yếu tập trung dưới dạng hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật, ít chính sách hỗ trợ gián tiếp (như cho vay) nên chưa tạo động lực cho người nghèo cố gắng, nỗ lực vươn lên thoát nghèo và giảm nghèo bền vững; việc huy động sự tham gia đóng góp của khu vực tư nhân còn nhiều bất cập, chưa phát huy hết được tiềm năng tham gia của người dân, doanh nghiệp và các đối tác xã hội; nguồn lực bị phân tán, hiệu quả thực hiện chính sách thấp, gây lãng phí nguồn lực.

Việc hệ thống lại các vấn đề chính sách tài chính đối với mục tiêu ASXH là nền tảng cơ sở để đưa ra các bước và điều chỉnh chính sách ưu tiên thực hiện phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và vẫn đảm bảo nguồn lực chính sách, cũng như khuyến khích sự tham gia của các thành phần xã hội đảm bảo hệ thống ASXH bền vững. Do đó, chủ đề nghiên cứu “Chính sách tài chính thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội giai đoạn 2011 - 2020” là cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài đánh giá kết quả thực hiện chính sách tài chính đảm bảo mục tiêu ASXH giai đoạn 2011 - 2020 và đề xuất định hướng đổi mới trong giai đoạn tới.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Các chính sách tài chính nhằm đảm bảo các vấn đề ASXH tại Việt Nam.

Phạm vi nghiên cứu: Các chính sách tài chính đảm bảo mục tiêu ASXH trong giai đoạn 2011 - 2020

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã khái quát được khung lý thuyết chung về chính sách tài chính để đảm bảo các mục tiêu ASXH, bao gồm hai nhóm chính sách chính: (i) Nhóm chính sách hỗ trợ các đối tượng ASXH như chính sách trợ giúp xã hội, chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, chính sách khuyến khích việc làm, giảm nghèo...; (ii) Nhóm chính sách khuyến khích huy động nguồn lực cho đảm bảo ASXH gồm chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách tín dụng, chính sách thuế, chính sách về đất đai…. Đồng thời, đề tài cũng đưa ra một số nghiên cứu về chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo mục tiêu ASXH ở một số quốc gia trên thế giới. Kinh nghiệm các nước cho thấy để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu ASXH thì việc khuyến khích, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân là điều cần thiết, đồng thời hệ thống chính sách hỗ trợ được ban hành phải dựa trên cơ sở đánh giá tình hình đối tượng thụ hưởng và các yêu cầu hỗ trợ nhất định, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực từ NSNN, cũng như nguồn lực huy động được.

(2) Đề tài đã phân tích, đánh giá và cho thấy, hệ thống chính sách tài chính trong giai đoạn qua đã đạt được những kết quả nhất định trong việc thực hiện mục tiêu ASXH. Các chỉ tiêu liên quan đến ASXH như tỷ lệ hộ nghèo, chỉ số phát triển con người, tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập bình quân đầu người… đã được cải thiện một cách cơ bản. Đồng thời, nguồn lực NSNN đã có những ưu tiên trong các mục tiêu xã hội và đã huy động các nguồn lực ngoài NSNN cho phát triển, đảm bảo ASXH. Chi ngân sách (một số chính sách/chương trình là ngân sách trung ương, một số chương trình kết hợp từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) cho các chương trình ASXH tăng lên, từ 120.846 tỷ đồng (năm 2012) lên 145.960 tỷ đồng vào năm 2018 (bao gồm cả chính sách ưu đãi người có công), chiếm bình quân khoảng 11% tổng chi NSNN và 3,18% GDP trong giai đoạn 2012 - 2018. Về huy động nguồn lực tài chính thông qua xã hội hóa các dịch vụ công, các chính sách khuyến khích xã hội hóa tập trung vào 7 lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo, dạy nghề; y tế; văn hóa; thể dục thể thao; môi trường; giám định tư pháp, trong đó xã hội hóa giáo dục - đào tạo và y tế diễn ra phổ biến trên phạm vi cả nước… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các chính sách cũng có những hạn chế nhất định như: (i) Nguồn lực vẫn chủ yếu dựa vào NSNN trong khi điều kiện NSNN còn hạn hẹp, mức hỗ trợ thấp, chưa thực sự tạo được sự thay đổi mạnh mẽ, làm giảm tác dụng của chính sách; (ii) Việc huy động nguồn lực ngoài NSNN cho phát triển, đảm bảo ASXH còn hạn chế mặc dù có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân nhưng do những nguyên nhân khách quan như khó thu hồi vốn, vị trí địa lý khó khăn làm cho nhà đầu tư không mong muốn đầu tư vào các hoạt động cung ứng dịch vụ ASXH; (iii) Hệ thống chính sách quá nhiều và chồng chéo làm phân tán nguồn lực, cũng như gây ra việc “nợ chính sách”…

(3) Trên cơ sở những hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, đề tài đã đưa ra một số khuyến nghị định hướng cho các chính sách tài chính đảm bảo mục tiêu ASXH giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể là: (i) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp theo hướng tinh gọn, giảm chồng chéo. Thống nhất quản lý nhà nước lĩnh vực ASXH vào một đầu mối; tăng cường kỷ luật tài khóa trong xây dựng chính sách, thực hiện xây dựng chính sách hỗ trợ phải đi đôi với nguồn lực thực hiện; (ii) Đổi mới phương thức quản lý và sử dụng nguồn lực, chi trả trợ cấp xã hội thông qua tổ chức chi trả, giảm gánh nặng cho bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực trợ giúp xã hội và bảo đảm chi trả kịp thời, chính xác cho các đối tượng được hưởng; đảm bảo tính khách quan, minh bạch; (iii) Đổi mới và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, tăng cường xã hội hóa trong cung cấp các dịch vụ công, tiếp tục các giải pháp về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và giảm áp lực cho NSNN. Tăng cường hợp tác công tư trong cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân, tạo cơ chế để khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công. Nghiên cứu, rà soát ban hành các cơ chế chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập đối với những đơn vị ở nơi có điều kiện xã hội hóa, đồng thời thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về đầu tư, tín dụng, đất đai, sử dụng kết cấu hạ tầng, chính sách thuế… nhằm khuyến khích các đơn vị chuyển đổi phương thức, kỹ năng quản lý, quản trị đơn vị sự nghiệp, nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp đáp ứng yêu cầu của xã hội; tiếp tục nghiên cứu, rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở xã hội hóa trong lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công phù hợp với thực tế phát sinh; bổ sung chính sách tạo điều kiện cho các cơ sở xã hội hóa được vay vốn tín dụng đầu tư hoặc hỗ trợ sau đầu tư theo quy định về tín dụng đầu tư của Nhà nước; (iv) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền.