- Đơn vị chủ trì: Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Dương Hoàng Linh
- Năm giao nhiệm vụ: 2019/Mã số: 2019-02
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Ngày 18/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2020, trong đó đưa ra 03 quan điểm về tài chính. Đồng thời, Chiến lược cũng đề ra mục tiêu tổng quát là “Xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính - tiền tệ, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; huy động, quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính trong xã hội hiệu quả, công bằng; cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện; đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính”.
Hiện nay, Chiến lược Tài chính đến năm 2020 đã đi gần hết chặng đường. Việc thực hiện các quan điểm và mục tiêu của Chiến lược đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần bình ổn kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, củng cố an ninh quốc phòng, phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc, phòng chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế, thách thức đòi hỏi cần được nghiên cứu, giải quyết trong thời gian tới.
Trong bối cảnh cả nước đang tiến hành đánh giá, tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 để xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, ngành tài chính cũng đang đánh giá, tổng kết việc thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020 thì việc thực hiện nghiên cứu “Đánh giá việc thực hiện một số quan điểm và mục tiêu của Chiến lược Tài chính đến năm 2020” là việc làm cần thiết, có nhiều ý nghĩa về lý luận và thực tiễn. .
2. Mục tiêu nghiên cứu
Đánh giá việc thực hiện một số các quan điểm, nhiệm vụ mục tiêu quan trọng trong chiến lược tài chính đến năm 2020, rút ra bài học kinh nghiệm trong giai đoạn kế tiếp.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đề tài giới hạn nghiên cứu trong 2 quan điểm lớn của chiến lược tài chính đến năm 2020 (quan điểm 1: Tài chính là huyết mạch của nền kinh tế; quan điểm 2: Phát triển nền tài chính quốc gia theo hướng hiệu quả, toàn diện, hợp lý và công bằng) và mục tiêu tổng quát về xử lý mối quan hệ giữa tích lũy - tiêu dùng và đầu tư. Đồng thời giai đoạn được quan sát nghiên cứu là giai đoạn thực hiện chiến lược tài chính từ năm 2011 tới năm 2020..
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã khái quát được bối cảnh, mục tiêu, quan điểm của Chiến lược Tài chính đến năm 2020. Theo đó, Chiến lược Tài chính đến năm 2020 bao gồm 3 quan điểm đó là: (i) Tài chính là huyết mạch của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, mở đường nhằm thực hiện phát triển nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; (ii) Phát triển nền tài chính quốc gia theo hướng hiệu quả, toàn diện, hợp lý và công bằng, trong đó ưu tiên việc nâng cao hiệu quả là nội dung xuyên suốt trong toàn bộ thời kỳ chiến lược; (iii) Quản lý tài chính bằng pháp luật, đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, kỷ cương, kỷ luật tài chính và hiện đại hoá nền tài chính quốc gia. Đồng thời Chiến lược có 6 nhiệm vụ mục tiêu, đó là (i) Xử lý tốt mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa tiết kiệm và đầu tư; tiếp tục có chính sách khuyến khích tăng tích lũy cho đầu tư phát triển, hướng dẫn tiêu dùng; thu hút hợp lý các nguồn lực xã hội để tập trung đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội, giải quyết các điểm nghẽn của phát triển, tạo tiền đề để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, duy trì tổng đầu tư toàn xã hội bình quân khoảng 40% GDP, giai đoạn 2011-2015 khoảng 41,5% GDP, giai đoạn 2016-2020 khoảng 38-39% GDP; (ii) Tỷ lệ động viên từ nền kinh tế vào NSNN ở mức hợp lý; cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi NSNN; (iii) Đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia; duy trì dư nợ chính phủ và nợ quốc gia trong giới hạn an toàn; tăng cường dự trữ Nhà nước đáp ứng kịp thời các nhu cầu đột xuất của nền kinh tế; (iv) Phát triển đồng bộ các loại thị trường, đặc biệt là thị trường tài chính và dịch vụ tài chính tạo điều kiện cho việc huy động và định hướng các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển; (v) Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính công, đặc biệt nguồn vốn từ NSNN; tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN; tăng cường đầu tư phát triển con người, cải cách lĩnh vực giáo dục, y tế; cải cách tiền lương; từng bước xây dựng và củng cố hệ thống an sinh xã hội; (vi) Cải cách cơ bản thể chế tài chính theo hướng bền vững, đồng bộ, hiện đại, theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tạo động lực đủ mạnh cho các chủ thể tham gia lao động, thực hiện tiết kiệm, đầu tư, tiêu dùng lành mạnh; khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh; thiết lập môi trường kinh tế - xã hội an toàn, ổn định với hệ thống an sinh xã hội bền vững; đồng thời đảm bảo vai trò chủ đạo của Nhà nước trong điều tiết, định hướng nền kinh tế.
(2) Đề tài đã tổng hợp được thực trạng và đánh giá việc thực hiện quan điểm tài chính là huyết mạch của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2011 - 2020 quá trình thực hiện chiến lược tài chính có những khó khăn, thách thức nhất định do chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế nội tại bên trong cũng như các tác động do biến động kinh tế thế giới. Tuy nhiên với sự chủ động của ngành Tài chính cũng như sự bám sát, quán triệt quan điểm của chiến lược tài chính. Việc thực hiện chiến lược tài chính trong giai đoạn 2011 - 2020 đã thu được những thành quả đáng khích lệ trong đó nổi bật nhất là ngành tài chính đã phối hợp linh hoạt, chặt chẽ chính sách tài chính với chính sách tiền tệ để bình ổn kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát đặc biệt trong giai đoạn 2011 - 2015; hoàn thiện chính sách thu chi NSNN, xây dựng NSNN bền vững hơn cũng như mở rộng quy mô NSNN, huy động cũng như phân phối tốt các nguồn lực tài chính tạo điều kiện cho kinh tế vĩ mô tăng trưởng phục hồi trong giai đoạn 2011 - 2015 và tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện quan điểm chiến lược là huyết mạch vẫn còn những tồn tại hạn chế nhất định như nợ công có xu hướng tăng cao trong cả giai đoạn ảnh hưởng tới vấn đề an ninh tài chính; việc phân bổ, sử dụng vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, vốn đầu tư công còn dàn trải chưa tương xứng với vai trò “mở đường” cho nền kinh tế. Trong huy động nguồn lực, thị trường vốn tuy phát triển nhanh nhưng vẫn còn chưa cân xứng với tiềm năng và yêu cầu của nền kinh tế, dẫn tới sự mất cân bằng giữa thị trường vốn và các tổ chức tín dụng dẫn tới việc huy động nguồn vốn còn khó khăn, hạn chế trong việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế.
(3) Đề tài đã tổng hợp được thực trạng và đánh giá việc thực hiện quan điểm xây dựng nền tài chính hiệu quả. Theo đó, việc thực hiện quan điểm xây dựng nền tài chính “hiệu quả” qua 2 giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 đã thu được những kết quả nhất định. Mức độ hiệu quả của nền tài chính được cải thiện trên nhiều lĩnh vực như đầu tư công, tiềm lực tài chính, cơ cấu thu ngân sách, hiệu quả khu vực DNNN; đồng thời chính sách tài chính cũng được xây dựng toàn diện, bao trùm, hợp lý và công bằng hơn giữa các chủ thể trong nền kinh tế, quá trình cải cách đầu tư công tạo cơ hội thu hút huy động các nguồn lực tài chính đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước, dịch vụ công được đẩy mạnh xã hội hoá đem lại những kết quả tích cực. Bên cạnh đó trong giai đoạn này cũng cho thấy các tồn tại trong nền tài chính Việt Nam cũng như quá trình xây dựng nền tài chính, những tồn tại này được khắc phục một phần trong giai đoạn 2016 - 2020 tuy nhiên những vấn đề như hiệu quả DNNN dù được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của nền kinh tế, nợ công có xu hướng gia tăng khiến tiềm lực tài chính và an ninh tài chính quốc gia chưa thực sự bền vững, các chính sách về an sinh xã hội còn chưa thực sự bao trùm hết được tới những đối tượng yếu thế, khó khăn, khoảng cách giàu nghèo tiếp tục gia tăng vẫn là những tồn tại, thách thức đòi hỏi chiến lược tài chính trong giai đoạn kế tiếp phải giải quyết triệt để.
(4) Đề tài đã tổng hợp được thực trạng và đánh giá việc thực hiện mục tiêu xử lý mối quan hệ tích lũy - tiêu dùng - đầu tư của nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, từ góc độ xử lý mối quan hệ giữa tiết kiệm và đầu tư của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2015, 2016 - 2018 có thể thấy những nỗ lực của nước ta đã có những kết quả nhất định như hiệu quả đầu tư vốn được cải thiện, quá trình tái cơ cấu đầu tư công được thúc đẩy, công tác thu hút, sử dụng các nguồn lực bên ngoài được đẩy mạnh góp phần bảo đảm vốn đầu tư cho phát phát triển kinh tế xã hội. Quá trình giải quyết mối quan hệ giữa đầu tư và tiết kiệm đã đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư của nền kinh tế, góp phần không nhỏ trong quá trình phục hồi kinh tế trong giai đoạn này. Các biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đã có tác động, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển nhanh. Thu hút được nguồn lực kinh tế tư nhân, biến đây trở thành một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội. Hiệu quả đầu tư công được cải thiện. Tỷ lệ vốn đầu tư từ NSNN trong cơ cấu vốn đầu tư nhà nước tăng, cho thấy các lĩnh vực đầu tư công tập trung hơn. Các dự án đầu tư nhà nước ngoài ngân sách bị hạn chế. Đầu tư từ NSNN là điểm tựa cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Thu hút vốn FDI đạt kết quả tốt, vốn FDI tăng trưởng nhanh. Nhiều dự án FDI lớn có tác động tích cực cả về chiều sâu lẫn chiều rộng trong nền kinh tế. Tuy nhiên trong quá trình xử lý mối quan hệ tích lũy - tiêu dùng - đầu tư của nền kinh tế trong giai đoạn 2011 - 2020 vẫn còn một số hạn chế đó là: (i) Tiết kiệm trong nước thường xuyên thấp hơn đầu tư dẫn tới các bất ổn vĩ mô: tiết kiệm thấp hơn đầu tư được phản ánh trong cán cân vãng lai thâm hụt; (ii) Tiết kiệm của khu vực Nhà nước thường xuyên âm, trong khi đầu tư của khu vực này vẫn ở mức cao, dẫn đến hạn chế khả năng đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước. Trong những năm gần đây, mặc dù đã nỗ lực tái cơ cấu đầu tư công và khu vực DNNN, nhưng do đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sụt giảm trong những năm đầu giai đoạn, đầu tư của khu vực Nhà nước có xu hướng tăng trở lại nên tính chung cả giai đoạn, tỷ trọng của các khu vực trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội chưa có sự thay đổi đáng kể (tỷ trọng của đầu tư từ khu vực Nhà nước vẫn ở mức cao); (iii) Hiệu quả đầu tư vốn nhà nước vẫn còn thấp, chỉ số ICOR của vốn nhà nước là cao nhất trong các khu vực kinh tế, sự cải thiện ICOR của vốn đầu tư nhà nước còn chậm và hạn chế./.