Tin kinh tế - tài chính trong nước ngày 19/11/2020

Tin kinh tế - tài chính trong nước ngày 19/11/2020 19/11/2020 16:32:00 141

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tin kinh tế - tài chính trong nước ngày 19/11/2020

19/11/2020 16:32:00

Tổng cung

 

Doanh nghiệp

Theo TTXVN ngày 18/11, tính đến hết tháng 9/2020, tổng công suất lắp đặt điện năng lượng tái tạo đạt 5,5 GW, gồm điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối... chiếm khoảng 11,2% tổng công suất lắp đặt toàn quốc. Từ các dự án điện mặt trời cho thấy, suất đầu tư trung bình đối với điện mặt trời hiện nay ở Việt Nam là 1.038 USD/kWp (tương đương trên 23 triệu đồng/1 kWp, thấp hơn bất cứ suất đầu tư nguồn điện nào); quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến năm 2020 là 6.100 MW và năm 2030 là 7.200 MW; có 221 dự án đang chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 14.330 MW.

 

Theo TTXVN ngày 18/11, tính đến hết tháng 10/2020, trên phạm vi cả nước có 369 khu công nghiệp được thành lập (bao gồm cả các khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 113,3 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt khoảng 73,6 nghìn ha (chiếm khoảng 65% diện tích đất tự nhiên). Trong đó, có 280 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 82,8 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 56,6 nghìn ha, đã cho các nhà đầu tư thuê/thuê lại khoảng 39,8 nghìn ha (đạt tỷ lệ lấp đầy 70,1%); 89 khu công nghiệp còn lại đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 30,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 16,3 nghìn ha.

Tổng cầu

 

Đầu tư

Theo haiquanonline.com.vn ngày 20/11, Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư cho thấy, xét về cơ cấu trong tổng đầu tư toàn xã hội, vốn đầu tư từ khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giai đoạn 2016 - 2019 và tăng trưởng mạnh mẽ từ 38,9% (năm 2016) lên 46% (năm 2019). Theo đó, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2019 đạt 33,9% GDP, tăng 10,2% so với năm 2019. Trong đó, đầu tư của khu vực ngoài nhà nước là chủ yếu, đạt 942,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư (46%), và đạt tốc độ tăng vốn cao nhất 17,3% so với năm trước. Điều này phù hợp với định hướng cơ cấu lại đầu tư, giảm dần sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tạo động lực thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Theo baodauthau.vn ngày 20/11, từ năm 2011 đến nay, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng hơn 1,4 lần về số dự án và 2,27 lần về vốn đầu tư so với giai đoạn 2001 - 2010. Kết quả thống kê về đối tác đầu tư cho thấy, hiện có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) tại Việt Nam. Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu với 2.317 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 40.605 triệu USD, chiếm 27% về số dự án và 30% tổng vốn đầu tư vào KCN, KCX của cả nước. Đứng thứ hai là Nhật Bản với 1.449 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 24.676 triệu USD. Đứng thứ ba là Đài Loan với 1.092 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 13.287 triệu USD. Đến nay, các KCN, KCX đã thu hút được gần 9 nghìn dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 150 nghìn triệu USD, số vốn thực hiện 97.630 triệu USD, đạt 72% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hằng năm, vốn FDI vào KCN, KCX chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Trong lĩnh vực công nghiệp, dự án FDI sản xuất công nghiệp trong KCN, KCX chiếm khoảng 70 - 80% tổng vốn FDI vào ngành công nghiệp cả nước.

 

Theo TTXVN ngày 18/11, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, kết thúc 3 quý đầu năm 2020, vốn đăng ký đầu tư trong lĩnh vực bất động sản đạt gần 3,2 tỷ USD, chiếm khoảng 15% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới. Như vậy, sau thời gian dài giữ vị trí số 2 sau lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo, hoạt động kinh doanh bất động sản đã bị tụt xuống vị trí thứ 3 trong thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản đã tăng từ 0,264 tỷ USD trong quý I/2020 lên 0,586 tỷ USD vào quý II/2020 và tăng lên 2,35 tỷ USD trong quý III/2020.

Niềm tin tiêu dùng

Theo TTXVN ngày 19/11, Bảng xếp hạng thương hiệu toàn cầu của tập đoàn nghiên cứu và phân tích dữ liệu uy tín quốc tế YouGov cho thấy, Vietnam Airlines tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng thương hiệu tốt nhất tại Việt Nam năm 2020. Đây là năm thứ hai liên tiếp Vietnam Airlines dẫn đầu danh sách này. Kết quả khẳng định sự thành công của Vietnam Airlines trong việc cung cấp dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng vượt trội nhu cầu của khách hàng ngay cả trong ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, thương hiệu Vietnam Airlines còn được yêu mến bởi những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc thực hiện các nhiệm vụ quốc gia, lan tỏa giá trị nhân văn và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bảng xếp hạng thương hiệu tốt nhất của YouGov dựa trên điểm số từ giải pháp YouGov BrandIndex (công cụ theo dõi nhận thức thương hiệu hằng ngày) nhằm đo lường “sức khỏe” thương hiệu một cách tổng thể.

Xuất - nhập khẩu

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản ngày 20/11, tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2020, trị giá xuất khẩu thủy sản đạt gần 6,88 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. Bốn thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020, chiếm 59,7% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản lần lượt là Hoa Kỳ (tăng 8,5%); Nhật Bản (giảm 3,2%); Trung Quốc (tăng 0,1%) và Hàn Quốc (giảm 1,2%). Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam dự báo, trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam quý IV/2020 sẽ đạt khoảng 2,3 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2019. Với dự báo này, xuất khẩu thủy sản năm 2020 đạt khoảng 8,23 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2019. Tổng trị giá xuất khẩu thủy sản thu về trên 8 tỷ USD dù chỉ giảm 4% so với năm 2019 nhưng cũng sụt giảm khá đáng kể so với mục tiêu 10 tỷ USD mà toàn Ngành đặt ra từ đầu năm 2020.

Theo Tổng cục Hải quan ngày 20/11, tổng trị giá xuất - nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2020 (từ ngày 01 - 15/112020) đạt 23,15 tỷ USD, giảm mạnh 13,8% (tương ứng giảm 3,71 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 10/2020. Lũy kế tổng trị giá xuất - nhập khẩu đến hết ngày 15/11/2020 đạt 463,11 tỷ USD, tăng 2,7%, tương ứng tăng 12,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tổng trị giá xuất - nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn FDI đạt 310,4 tỷ USD, tăng 7% (tương ứng tăng 20,37 tỷ USD); trị giá xuất - nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 152,72 tỷ USD, giảm 5% (tương ứng giảm 8,05 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019. Trong kỳ 1 tháng 11, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 63 triệu USD. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11, cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư lớn với con số xuất siêu 19,42 tỷ USD.

Ngân sách nhà nước

Theo TTXVN ngày 19/11, theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, tính đến nay đã có 16 chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, thành phố được phân bổ vốn để tổ chức ký hợp đồng tín dụng và giải ngân cho vay trả lương người lao động ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, đã có 40 doanh nghiệp đầu tiên sử dụng lao động được phân bổ vốn và trả lương cho 1.195 lao động bị ngừng việc, tổng số tiền là hơn 6 tỷ đồng.

Cân đối vĩ mô

 

Tín dụng

Theo TTXVN ngày 19/11, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI đã dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 sẽ đạt khoảng 9 - 10% so với đầu năm và cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng vào tháng cuối năm. Trên thị trường, các khoản tiền gửi lãi suất cao đang dần đáo hạn, trong khi đó lãi suất huy động tại các ngân hàng đã được cắt giảm từ 20 - 40 điểm phần trăm trong tháng 10/2020. Nhờ vậy, biên độ lãi ròng của toàn ngành được kỳ vọng sẽ cải thiện trong quý IV/2020 và các quý đầu năm 2021. Bên cạnh đó, SSI đã điều chỉnh tăng ước tính lợi nhuận trước thuế cho các ngân hàng lên 9,2% và 10,5% cho năm 2020 và năm 2021, tương ứng đạt 110.700 tỷ đồng (tăng 2,7% so với cùng kỳ) và 129.300 tỷ đồng (tăng 16,8% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế riêng nhóm ngân hàng thương mại nhà nước ước giảm 6,2% trong năm 2020, sau đó phục hồi 21,8% trong năm 2021. Lợi nhuận trước thuế của các nhóm ngân hàng cổ phần ước tăng trưởng 9,3% trong năm 2020 và tăng 13,7% trong năm 2021.

Thị trường tài sản

 

Trái phiếu

Theo baodauthau.vn ngày 19/11, Báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nước của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, từ ngày 01/9/2020, sau khi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực, lượng TPDN phát hành giảm mạnh so với các tháng trước đó. Trong tháng 10/2020, có 44 đợt đăng ký phát hành TPDN với tổng giá trị hơn 15.150 tỷ đồng. Trong đó, có 90 đợt phát hành thành công, huy động được 9.504 tỷ đồng, tương đương 62,7% giá trị đăng ký. Doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản tiếp tục dẫn đầu trong hoạt động phát hành trái phiếu với tổng giá trị phát hành lần lượt đạt 3.706 tỷ đồng (kỳ hạn bình quân 6,08 năm) và 3.069 tỷ đồng (kỳ hạn bình quân 4,61 năm). Lũy kế 10 tháng đầu năm 2020, có 2.265 đợt đăng ký phát hành TPDN với tổng giá trị hơn 489.323 tỷ đồng.

 

Theo TTXVN ngày 18/11, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 6 nghìn tỷ đồng tại các kỳ hạn 7 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm. Kết quả, phiên đấu thầu đã huy động được 4.400 tỷ đồng, lãi suất tăng tại kỳ hạn 15 năm và 20 năm. Cụ thể, ở kỳ hạn 10 năm gọi thầu 1.500 tỷ đồng, huy động được 1.500 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 2,55%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên ngày 11/11/2020; kỳ hạn 15 năm gọi thầu 3 nghìn tỷ đồng, huy động được 2.700 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 2,79%/năm, tăng 0,01%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên ngày 11/11/2020; kỳ hạn 20 năm gọi thầu 500 tỷ đồng, huy động được 200 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 3,05%/năm, tăng 0,03%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên ngày 04/11/2020; kỳ hạn 7 năm không có lãi suất trúng thầu. Lũy kế kể từ đầu năm 2020 đến nay, KBNN đã huy động được 271.199 tỷ đồng TPCP thông qua hình thức đấu thầu.

Bất động sản

Theo Bộ Xây dựng ngày 19/11, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý III/2020 tăng khoảng 82% so với quý II/2020. Cùng đó, nguồn cung nhà ở tại nhiều địa phương trên cả nước cũng có xu hướng tăng so với các quý trước đó và cùng kỳ năm 2019. Chỉ tính riêng quý III/2020, cả nước có 77 dự án với 35.614 căn hộ được các sở xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Cụ thể, tại miền Bắc có 24 dự án với 15.191 căn hộ, miền Trung 27 dự án với 7.388 căn hộ, miền Nam 28 dự án với 13.753 căn hộ. Riêng thành phố Hà Nội đang dẫn đầu với 13.300 căn đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai, tăng 79,5% so với quý II/2020. Tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh có 6.722 căn, tăng 70%. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng trong quý III/2020 là 30.301 căn hộ nhà ở, 410 căn hộ du lịch, 11 căn biệt thự du lịch và không có văn phòng kết hợp lưu trú.

Nhận định

chuyên gia

 
 

Theo TTXVN ngày 17/11, Báo cáo Di cư và Kiều hối của Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo lượng kiều hối năm 2020 Việt Nam sẽ giảm hơn 7% còn 15,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5,8% GDP. Nếu điều này trở thành sự thật thì đây là lần đầu tiên kiều hối về Việt Nam giảm kể từ năm 2017. Bên cạnh đó, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng nhận định, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2020 giảm khoảng 10 - 15% so với năm 2019 và có thể giảm mạnh hơn, khoảng 15 - 17%, nếu tình hình dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến xấu.