Mặc dù dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước, song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm 2020 đã có sự chuyển biến tích cực.
Bộ Tài chính vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, tính chung 7 tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 203 nghìn tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 41,6% và tăng 4,7%).
Cụ thể, vốn Trung ương quản lý đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, bằng 38,4% kế hoạch năm và tăng 60,1% so với cùng kỳ năm trước; Vốn địa phương quản lý đạt 170,5 nghìn tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch năm và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2020 của một số Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (99,45%), Hội Nhà văn Việt Nam (93,59%), Bộ Nội Vụ (62,85%), Ngân hàng phát triển (61,09%), Hội Nhà báo Việt Nam (59,51%), Hà Nội đạt 22.063 tỷ đồng, bằng 48,6% kế hoạch năm và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; Thành phố Hồ Chí Minh 17.128 tỷ đồng, bằng 35,8% và tăng 73,2%; Quảng Ninh 8.465 tỷ đồng, bằng 60,9% và tăng 64,6%, Tiền Giang (73,98%), Nghệ An (69,23%), Lạng Sơn (63,44%), Hưng Yên (58,19%), Ninh Bình (56,85%), Phú Thọ (56,33%), Hà Nam (55,5%), Thái Bình (55,18%).
Như vậy, kết quả công tác giải ngân vốn đầu tư công đã có sự chuyển biến tích cực so với các tháng đầu năm (5 tháng đầu năm 2020 tỷ lệ giải ngân cả nước so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt 26,2%).
Qua tổng hợp báo cáo và thực tế công tác kiểm tra tại một số Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, Bộ Tài chính đã chỉ ra các nguyên nhân của tình trạng chậm thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công như: Chưa có hướng dẫn về quy trình, thủ tục cập nhật giá gói thầu; thẩm quyền quyết định sử dụng chi phí dự phòng của giá gói thầu khi cập nhật giá gói thầu… dẫn đến công tác chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh dự án và cập nhật giá gói thầu để tổ chức lựa chọn nhà thầu của các dự án bị triển khai chậm; chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn có vướng mắc chưa được sự đồng thuận của người dân dẫn đến tình trạng khiếu kiện ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án...
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2020, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh hoặc thu hồi kế hoạch vốn năm 2020 đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện bố trí vốn hoặc không còn nhu cầu sử dụng vốn (28.178,633 tỷ đồng); đồng thời tổng hợp phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 về danh mục, mức vốn bố trí cho từng dự án để báo cáo Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính để kiểm soát việc giải ngân theo dự án.
Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cần khẩn trương thực hiện các thủ tục phê duyệt đơn giá, chi phí dự phòng... để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, trường hợp có vướng mắc, làm việc với Bộ Xây dựng để được hướng dẫn cụ thể.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương khẩn trương hoàn thành việc giao chi tiết vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2020 cho các dự án trước ngày 31/7/2020; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020, (bao gồm các nguồn vốn các năm trước chuyển sang). Đồng thời, các Bộ, cơ quan Trung ương ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án.
Các Bộ, ngành, địa phương cũng cần chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 và báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng…
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện nghiêm báo cáo định kỳ tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước gửi về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo đúng quy định.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng còn lại của năm 2020, hiện Thủ tướng Chính phủ đã được Quốc hội giao thẩm quyền điều chuyển vốn từ Bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp sang Bộ, ngành, địa phương làm tốt hơn, mục đích là đốc thúc giải ngân và sử dụng vốn hiệu quả.
Từ tháng 8/2020, việc điều chuyển vốn của những Bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm sang Bộ, ngành, địa phương làm tốt hơn. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải giải ngân hết 100% vốn đầu tư công năm 2020 theo kế hoạch để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng nhiều lần yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành và các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020./.
Hoài Thu