Xuất khẩu: Kỳ vọng “lội ngược dòng” nhờ EVFTA

Xuất khẩu: Kỳ vọng “lội ngược dòng” nhờ EVFTA 02/07/2020 08:32:00 655

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Xuất khẩu: Kỳ vọng “lội ngược dòng” nhờ EVFTA

02/07/2020 08:32:00

(haiquanonline.com.vn) Chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, suốt nửa đầu năm nay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng tại tất cả ngành hàng chủ lực.  Cục diện này liệu có thay đổi ở nửa cuối năm phụ thuộc tình hình dịch Covid-19 được khống chế trên phạm vi toàn cầu và việc tận dụng được ưu thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.    

3 mũi chủ lực đều gặp khó

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 121,2 tỷ USD, giảm 1,1%; nhập khẩu đạt 117,2 tỷ USD, giảm 3%. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD.

Riêng ở góc độ xuất khẩu, 6 tháng qua, khu vực kinh tế trong nước đạt 41,38 tỷ USD, tăng 11,7%, chiếm 34,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 79,83 tỷ USD, giảm 6,7%, chiếm 65,9%. 

Bộ Công Thương đánh giá, việc khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI sụt giảm được xem là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay.

Bộ Công Thương phân tích, điểm đáng chú ý trong "bức tranh" xuất khẩu những tháng đầu năm nay là sự sụt giảm xuất khẩu của cả 3 nhóm ngành quan trọng. Cụ thể, 5 tháng đầu năm, nhóm hàng công nghiệp chế biến có mức giảm thấp nhất là 1,2% so với cùng kỳ năm 2019; tiếp theo là đến nhóm hàng nông, thủy sản với mức giảm 4,7% và nhiên liệu khoáng sản có mức giảm cao nhất là 31,3%. “Như vậy, không còn chỉ là giảm tốc nữa, chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, bị nhiều đối tác cắt đơn hàng, xuất khẩu của Việt Nam càng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong quý 2/2020”, Bộ Công Thương nhận định.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 117,17 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 51,55 tỷ USD, tăng 0,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 65,62 tỷ USD, giảm 5,4%. Trong 6 tháng đầu năm, có 22 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 81,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 6 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 34,8 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 20,3 tỷ USD, giảm 10%; thị trường ASEAN đạt 14,2 tỷ USD, giảm 11,9%; Nhật Bản đạt 9,3 tỷ USD, tăng 5,3%; Hoa Kỳ đạt 7,4 tỷ USD, tăng 7,2%; thị trường EU đạt 7,1 tỷ USD, tăng 8,4%.

Điển hình trong câu chuyện gặp khó nửa đầu năm do dịch Covid-19 là trường hợp của ngành gỗ. Sau nhiều năm liên tiếp duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 12 - 15%/năm thì 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ chỉ đạt 3,94 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. 

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, đến nay đã có trên 80% các nhà mua hàng xuất sang thị trường Hoa Kỳ thông báo dừng mua hàng, hủy đơn hàng đợi tình hình mới. 81% doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU đã nhận được thông báo hủy đơn và giãn đơn hàng. Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng giảm từ 60 - 80%.

Đáng chú ý, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hiện tại các khách hàng không tới nhà máy duyệt mẫu. Do đó, các doanh nghiệp gỗ Việt chưa ký được đơn hàng mới cho mùa hàng 2020 - 2021. Điều này kéo theo nhiều nhà máy tiềm ẩn nguy cơ đóng cửa và ngừng hoạt động trong thời gian tới, hàng trăm nghìn lao động đối mặt với tình trạng thất nghiệp, không đảm bảo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động trong thời gian dài.

Hiện tại, Việt Nam mặc dù đã thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài. Trong khi đó, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, quá trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian. Từ những phân tích trên, Bộ Công Thương cho rằng, trong những tháng tới, xuất, nhập khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Mong đợi vào EVFTA

Bên cạnh khó khăn, Bộ Công Thương cũng chỉ ra không ít yếu tố hỗ trợ xuất khẩu nửa cuối năm. Điển hình như, thời gian qua, chuỗi cung ứng, thị trường xuất, nhập khẩu bị gián đoạn do tác động của dịch Covid-19. Nhưng từ giữa tháng 4 đến nay, tình hình đã từng bước cải thiện, các nước châu Âu từng bước mở cửa trở lại đối với nền kinh tế. Nhiều nước đã tung ra các gói kích cầu quy mô lớn, tăng cường chi tiêu tài khóa để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động. Còn tại Hoa Kỳ, tính đến cuối tháng 5, tất cả 50 tiểu bang ở Hoa Kỳ đã mở cửa lại từng phần sau khi đóng cửa 2 tháng để thực hiện các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch. Trong khi đó, các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này. Gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã chi 2,2 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp nước này rời Trung Quốc. Chính phủ Hoa Kỳ cũng yêu cầu các công ty của Hoa Kỳ sớm di dời nhà máy tại Trung Quốc. 

Thực tế cũng cho thấy, hiện có nhiều thông tin các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam. Cụ thể như, LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng. Theo Nikkei, trong quý II/2020, Apple sẽ sản xuất 3 - 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple đã đặt nhà máy tại Bắc Giang. Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị vào đầu tháng 9 năm nay sẽ từng bước tiếp nhận để sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan.

Đáng chú ý, Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2020 tạo ra động lực mới cho xuất khẩu những tháng cuối năm 2020 và những năm tới. Việc Việt Nam phê chuẩn EVFTA vào thời điểm này sẽ tạo động lực cho việc phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích: “Với Hiệp định EVFTA, chúng ta có thế mạnh rất lớn. Các nước có Hiệp định với EU rất ít. Ở khu vực châu Á, EU chỉ ký hiệp định hợp tác với Hàn Quốc, Singapore, tuy nhiên, hai nước này lại không có cơ cấu sản xuất giống như Việt Nam. Do vậy, về lâu dài, Hiệp định sẽ tạo ra lợi thế ổn định cho xuất khẩu của Việt Nam”.

Xung quanh câu chuyện xuất khẩu hàng hóa nửa cuối năm, chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng nhận định, nếu EU khống chế được dịch Covid-19 trong quý 2 để bắt đầu quý 3, quý 4 khôi phục lại hoạt động sản xuất thì EVFTA sẽ là tuyến đường, cánh cửa rộng để đưa hàng sang thị trường EU. Thị trường EU cần nhập khẩu các mặt hàng như dệt may, giày dép, đồ gỗ, đặc biệt là điện thoại, linh kiện điện tử… Đây toàn mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam. Việt Nam mà tận dụng tốt được Hiệp định EVFTA thì vẫn có thể bù đắp được thiệt hại trước đó do dịch Covid-19 gây ra cho xuất khẩu hàng hóa.

  Thanh Nguyễn