Tin kinh tế - tài chính trong nước ngày 29/4/2020

Tin kinh tế - tài chính trong nước ngày 29/4/2020 29/04/2020 17:17:00 179

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tin kinh tế - tài chính trong nước ngày 29/4/2020

29/04/2020 17:17:00

Dịch vụ

Theo vietnamnet.vn ngày 29/4, trong tháng 4, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong khoảng 30 ngày, bắt đầu từ 0h ngày 18/3/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4/2020 ước tính chỉ đạt 26,2 nghìn lượt người, giảm 94% so với tháng 3/2020.

So với cùng kỳ năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4 giảm trên 98%, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 99,4%; bằng đường bộ giảm 92,6% và bằng đường biển gần như bằng 0.

Với các thị trường, khách đến từ châu Á giảm 97,8%; từ châu Âu giảm 99,5%; từ châu Úc và châu Mỹ cùng giảm 99,8%; từ châu Phi giảm 97,9%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3,713 triệu người, giảm 37,8% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu năm ước đạt 143 nghìn tỷ đồng, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. Mức giảm ở hầu hết các địa phương, như Khánh Hòa giảm 52%, thành phố Hồ Chí Minh giảm 45%, Hà Nội giảm 43%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 42,4%, Đà Nẵng giảm 41,4%, Thanh Hóa giảm 39,7%...

Doanh thu của du lịch lữ hành 4 tháng đầu năm ước đạt 7,9 nghìn tỷ đồng và cũng giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp

Theo Baotintuc.vn ngày ngày 28/4, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường. Đây là lần giảm thứ 8 trong năm 2020, đưa giá xăng E5RON92 về sát mốc 11 nghìn đồng/lít. 

Nguyên nhân là do giá dầu thế giới giảm, nhu cầu đi lại giảm mạnh vì đại dịch Covid-19. Quỹ bình ổn giá xăng dầu Petrolimex đã có 2.900 tỷ đồng, tăng 355 tỷ đồng so với thời điểm giảm giá xăng dầu trước đó vào ngày 13/4/2020. Như vậy, đây là lần tăng liên tiếp thứ 20 kể từ khi Quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn bị âm vào ngày 02/7/2019.

Theo Baodauthau.vn ngày 28/4, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm mạnh. Trong tháng 4/2020, cả nước có 7.885 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 93.854 tỷ đồng, giảm 46,9% về số doanh nghiệp và giảm 43,8% về số vốn so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Từ ngày 01 - 22/4, cả nước thực hiện giãn cách xã hội nên số lượng doanh nghiệp thành lập mới có sự sụt giảm mạnh.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, cả nước có 37.596 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 1,1 triệu tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ.

Cũng trong tháng 4, cả nước còn có 7.267 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019, bao gồm: 4.121 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 65,2%; 2.166 doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục giải thể, tăng 13,8%; 980 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 17,6%. Bên cạnh đó, cả nước có 3.810 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Doanhnghiep.vn ngày 28/4, Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 3/2020 cả nước đã làm thủ tục thông quan 12.151 xe ô tô nguyên chiếc các loại, trị giá 224 triệu USD, nhiều hơn so với tháng 02/2020 khoảng 2 nghìn xe. Lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 3 chủ yếu từ khu vực ASEAN, trong đó lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia chiếm 90% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam (lượng xe từ Indonesia là 6.914 chiếc và từ Thái Lan là 4.013 chiếc).

Tổng cộng trong quý I/2020, có 26.637 ô tô được nhập khẩu về Việt Nam, giảm 32,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 20.601 chiếc (giảm 24,2%), ô tô vận tải là 5.412 chiếc (giảm 52,7%).

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Theo Hanoimoi.com.vn ngày 29/4, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của cả nước giảm 1,54% so với tháng 3 và tăng 2,93% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng, dầu giảm mạnh, đồng thời giá nhiều mặt hàng phi lương thực, thực phẩm giảm khi người dân thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,9%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, so với tháng 3, có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất (giảm 13,86%) do ảnh hưởng của 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào ngày 29/3 và ngày 13/4/2020.

Ngân sách
nhà nước

Theo QĐND Online ngày 29/4, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ đầu năm đến thời điểm ngày 15/4/2020 ước đạt 427,2 nghìn tỷ đồng, bằng 28,2% dự toán năm; trong đó thu nội địa đạt 351,6 nghìn tỷ đồng, bằng 27,8%; thu từ dầu thô 17,3 nghìn tỷ đồng, bằng 49,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu 58 nghìn tỷ đồng, bằng 27,9%.

Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 40,3 nghìn tỷ đồng, bằng 22,7% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 63,2 nghìn tỷ đồng, bằng 27,6%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước 70,5 nghìn tỷ đồng, bằng 26%; thu thuế thu nhập cá nhân 41,4 nghìn tỷ đồng, bằng 32,2%; thu thuế bảo vệ môi trường 14,1 nghìn tỷ đồng, bằng 20,9%; thu tiền sử dụng đất 38,5 nghìn tỷ đồng, bằng 40,2%.

Tổng chi NSNN từ đầu năm đến thời điểm ngày 15/4/2020 ước đạt 408,5 nghìn tỷ đồng, bằng 23,4% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 291,6 nghìn tỷ đồng, bằng 27,6%; chi đầu tư phát triển 76,6 nghìn tỷ đồng, bằng 16,3%; chi trả nợ lãi 38,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,7%.

Lao động

Theo Baocongthuong.vn ngày 27/4, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của người lao động Việt Nam trong quý I/2020. Cụ thể, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên, thấp hơn 1,2 - 1,3% so với quý trước và đây là mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Ước tính quý I/2020, cả nước có khoảng 973,8 nghìn lao động bị ảnh hưởng; trong đó khoảng 523 nhìn người tạm thời không tham gia lực lượng lao động, hơn 403 nghìn lao động bị thiếu việc và hơn 47 nghìn người tạm nghỉ vì bị giãn việc, ngừng sản xuất.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi từ 15 cũng ở mức cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong quý I/2020 là 2,22%, tăng 0,07% so với quý trước và 0,05% so với cùng kỳ năm 2019.

Tín dụng

Theo Vcci.com.vn ngày 27/4, Báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, do tác động của dịch Covid-19, doanh số sử dụng thẻ của nhóm các ngân hàng lớn đã liên tiếp giảm kể từ đầu năm 2020 đến nay. Cụ thể, tính đến tháng 3/2020, doanh số sử dụng thẻ trong nước đã giảm 21% và doanh số sử dụng thẻ tại nước ngoài giảm 28% so với cùng kỳ. Đối với mảng thanh toán, doanh số thanh toán thẻ giảm mạnh qua các tháng, đặc biệt trong tuần đầu của tháng 4/2020, doanh số thanh toán bình quân giảm 78% so với cùng kỳ và giảm 93% so với tháng 02/2020. Trong đó, tại một số đơn vị chấp nhận thẻ như hàng không, giáo dục, du lịch lữ hành và khách sạn, doanh số thanh toán trung bình của thẻ trong nước và nước ngoài trong tháng 3/2020 giảm 80% so với tháng trước và dự kiến tiếp tục giảm mạnh trong các tháng tới.