(Thoibaotaichinhvietnam.vn) Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cùng các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đề xuất miễn đóng kinh phí công đoàn năm 2020, đề xuất Chính phủ xác nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng… để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục những khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Doanh nghiệp lo khó đáp ứng các điều kiện miễn giảm
Liên quan tới dự thảo Nghị quyết mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chuẩn bị trình Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, mới đây Ban IV cùng một số Hiệp hội đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, bổ sung một số nội dung để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Một trong số đó là đề xuất về miễn đóng kinh phí công đoàn năm 2020. Theo Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25/3/2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành công văn số 245/TLĐ hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chính sách cho phép lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đối với các doanh nghiệp có 50% số lao động thuộc diện đóng BHXH phải nghỉ việc. Tuy nhiên, theo khảo sát, doanh nghiệp hầu như không thực hiện được chính sách này, bởi dù nhiều doanh nghiệp rất khó khăn nhưng vẫn cố gắng duy trì sản xuất, phân ca kíp để giữ người lao động. Do đó, doanh nghiệp hầu như không đạt tiêu chí "có 50% số lao động thuộc diện đóng BHXH phải nghỉ việc".
Mặt khác, doanh nghiệp cho rằng, nếu đã phải cho nghỉ việc 50% tổng số lao động đóng BHXH thì tương đương với tình trạng doanh nghiệp đã kiệt quệ, "chết lâm sàng", không thể thu xếp tài chính để chi trả cho các khoản phí như trên. Cho nên, chính sách "hoãn đóng kinh phí công đoàn một số tháng trong năm 2020" dường như không đạt được mục tiêu chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh như cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự định.
Do đó, Ban IV và các Hiệp hội kiến nghị cho phép doanh nghiệp miễn đóng kinh phí công đoàn trong năm 2020, để hỗ trợ cho doanh nghiệp và cũng thể hiện được tinh thần "Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp và Chính phủ, vì việc làm bền vững và thu nhập ngày càng cao của người lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước" như công văn 245/TLĐ đã nêu.
Đồng thời, Ban IV và các Hiệp hội cũng đề xuất cho doanh nghiệp được chậm nộp BHXH và các loại bảo hiểm bắt buộc khác đến 31/12/2020 với lý do tương tự.
Đề xuất xác nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng
Liên quan đến phần nguyên tắc thực hiện hỗ trợ, Ban IV và các doanh nghiệp đề nghị bổ sung thêm nội dung "Chính phủ xác nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng" để đồng nhất cách hiểu cho các bên và tránh tranh chấp phát sinh trong các thỏa thuận liên quan. Theo nhiều doanh nghiệp, họ đã kí kết các hợp đồng trước khi dịch bệnh xảy ra và có nguy cơ mất toàn bộ tiền đặt cọc/tiền đã thanh toán nếu đại dịch này không được tính là một sự kiện bất khả kháng.
Đơn cử như, các doanh nghiệp du lịch có nguy cơ bị mất trắng tiền đặt cọc vé cả năm 2020 tại các hãng hàng không trong nước như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar, Bamboo Airways do họ không bay, hủy chuyến nhưng vẫn giữ lại tiền và không hoàn tiền ngay cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp các ngành khác kí kết các hợp đồng thuê trụ sở và đang tiến hành đàm phán giảm giá thuê nhưng nhiều chủ cho thuê không chấp nhận vì trong hợp đồng giao kết chỉ ghi nhận tình huống "bất khả kháng" thì mới xem xét. Tương tự, cũng nhiều doanh nghiệp kí trước hợp đồng thuê dịch vụ hội họp, sự kiện trong thời gian dịch vừa qua hiện cũng gặp nguy cơ không thể lấy lại số tiền đã đặt cọc.
Liên quan đến lĩnh vực du lịch, góp ý về nội dung "Giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ... khoảng 2%" tại dự thảo Nghị quyết, Ban IV và các doanh nghiệp đề xuất bổ sung ý kiến Hội đồng tư vấn du lịch TAB đã gửi Thủ tướng căn cứ kết quả khảo sát gần 400 doanh nghiệp đại diện các mảng du lịch, lữ hành, dịch vụ liên quan là "Gói hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ cho các doanh nghiệp du lịch. Lãi suất: bằng lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước ở thời điểm rút vốn vay + 0,5% (hiện tại là 5%/năm + 0,5% = 5,5%), cố định trong 6 tháng và điều chỉnh theo lãi suất tái cấp vốn tại thời điểm + 0,5%.
Đồng thời, bổ sung trong lĩnh vực của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch về báo cáo Chính phủ kế hoạch cho phép doanh nghiệp lữ hành quốc tế được ứng lại 50% số tiền ký quỹ (trong tổng số 500 triệu đồng ký quỹ để được cấp giấy phép lữ hành quốc tế/1 đơn vị) nhằm làm vốn lưu động với thời hạn trong 2 năm. Có kế hoạch cho mở lại các khách sạn khi khách sạn được cấp Giấy chứng nhận khách sạn an toàn hoặc áp dụng các tiêu chuẩn y tế tối thiểu; tổ chức thực hiện kiểm tra, cấp chứng nhận sức khỏe cho du khách để đảm bảo du lịch an toàn sau dịch.
Ngoài ra, với nội dung "Cắt giảm 30% kinh phí hội họp...trung ương và địa phương" , các doanh nghiệp đề nghị bổ sung thêm ý "Cắt giảm kinh phí tổ chức các sự kiện như lễ hội, lễ kỷ niệm tại các địa phương,..."./.
H.Y