Kinh tế số và cơ hội để Việt Nam bứt phá

Kinh tế số và cơ hội để Việt Nam bứt phá 27/04/2020 09:55:00 1556

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Kinh tế số và cơ hội để Việt Nam bứt phá

27/04/2020 09:55:00

TS. Trần Mai Hiến, Bộ Công Thương

(Tapchicongsan.org.vn) Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế số ngày càng có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế mỗi quốc gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Những năm gần đây, các hoạt động kinh tế số đã có sự tăng trưởng nhanh chóng và được Chính phủ quan tâm, ưu tiên phát triển. Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ lệ 20% GDP. Để đạt được mục tiêu này cần nỗ lực đồng bộ từ Chính phủ đến người dân, doanh nghiệp.

Xu hướng phát triển kinh tế số

Đặc trưng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự hợp nhất về mặt công nghệ; khả năng kết nối thông qua các thiết bị di động và khả năng tiếp cận với cơ sở dữ liệu lớn, những tính năng xử lý thông tin sẽ được nhân lên bởi những đột phá công nghệ trên nhiều lĩnh vực. So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển với tốc độ ở cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng, biến đổi toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được xây dựng trên nền tảng của cuộc cách mạng kỹ thuật số với các công nghệ tiên tiến ngày càng giúp thu hẹp khoảng cách giữa thế giới thực và thế giới mạng.

Xu hướng số hóa nền kinh tế và các hoạt động xã hội là nền tảng cho phép Cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ, đang diễn tiến sâu sắc ở nhiều nước phát triển và diễn ra với tốc độ nhanh ở các nước đang phát triển. Hiện nay, một nửa dân số thế giới đã kết nối trực tuyến, một phần ba tham gia mạng xã hội, 53% là qua điện thoại di động và bao phủ ở mọi lứa tuổi, chủng tộc, địa lý và trình độ trên khắp hành tinh.

Có thể nói, sự phát triển kỹ thuật số đã và đang thay đổi các nền kinh tế trên toàn cầu với tốc độ chóng mặt. Năm 2016, nền kinh tế số toàn cầu trị giá 11,5 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 15,5% GDP của thế giới; trong thập kỷ tới được kỳ vọng sẽ nâng lên tới mức 25% GDP của thế giới.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh đến Việt Nam, tạo ra thời cơ mới cho Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn và hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới, tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới, tranh thủ các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thu hẹp khoảng cách phát triển. Kinh tế số thời gian gần đây đã có sự phát triển mạnh mẽ. Theo báo cáo nghiên cứu của Google và Temasek (Xin-ga-po), kinh tế số của Việt Nam đạt quy mô khoảng 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Còn theo một nghiên cứu khác của Tổ chức Data61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.

Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 64 triệu người sử dụng internet, 57% dân số có tài khoản mạng xã hội. Cùng với sự thâm nhập ngày càng sâu rộng của internet, các thiết bị di động và mạng xã hội, nên ngày càng nhiều cá nhân tham gia mạng lưới thương mại điện tử. Có tới 25% tổng số người dân tham gia mua hàng trực tuyến qua mạng facebook hoặc zalo. Việt Nam xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng internet đông nhất thế giới. Năm 2018, thương mại điện tử ở Việt Nam tăng trưởng 30% với tổng doanh thu bán lẻ của thương mại điện tử đạt 8 tỷ USD. Dự kiến, năm 2020 con số này sẽ đạt từ 13 tỷ - 15 tỷ USD.

Sự phát triển sôi động của kinh tế số tại Việt Nam hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các nền tảng thương mại điện tử có thể đưa doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đến với những thị trường lớn cả trong và ngoài nước. Khi tham gia vào thị trường lao động trong nền kinh tế số, người lao động phải đổi mới để thích nghi vì các kỹ năng, kiến thức và các phương thức kinh doanh truyền thống trước đây cũng chuyển sang môi trường số. Việc này sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp và người lao động.

Để kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025

Kinh tế số, thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ trung bình những năm qua từ 25% - 30%/năm. Tốc độ phát triển nhanh của kinh tế số, thương mại điện tử và sự mở rộng nhanh chóng của không gian mạng cũng đặt Việt Nam trước các khó khăn, thách thức trong phát triển. Hiện tại, hệ thống thể chế, chính sách cũng như các thiết chế thực thi, giải quyết tranh chấp và hiệu lực của cơ quan thực thi liên quan đến phát triển kinh tế số còn yếu, chưa đồng bộ và hiệu quả nên chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển kinh tế số. Thói quen giao dịch, thanh toán dùng tiền mặt, trả tiền khi nhận hàng của đa số người tiêu dùng là trở ngại lớn, làm tăng chí phí cho cả xã hội, doanh nghiệp và người dân. Nhận thức của người dân về kinh tế số còn hạn chế, kỹ năng sử dụng internet an toàn thấp và chưa theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ.

Riêng lĩnh vực thương mại điện tử, mặc dù phát triển khá nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng trong thời đại công nghệ số, nhưng thương mại điện tử hiện vẫn đang tồn tại nhiều bất cập, tranh chấp trong thương mại điện tử có xu hướng gia tăng về cả quy mô và mức độ. Đặc thù của thương mại điện tử là người mua và người bán không gặp mặt, chỉ liên lạc qua mạng, nên hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến. Việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường internet, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân, quảng bá, cung cấp sản phẩm, dịch vụ, trên các sàn thương mại điện tử nhưng đơn vị quản lý sàn thương mại điện tử lại không có trụ sở ở Việt Nam. Vì vậy, nếu xảy ra những vấn đề phát sinh trong quá trình giao dịch, thì việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Chính vì vậy, để khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế số, đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm tỷ trọng 20% GDP vào năm 2025, cần thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức, xây dựng nền tảng để kinh tế số phát triển, tăng tốc trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Trước hết, cần hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Các chính sách và quy định xuyên suốt để định hình nền kinh tế số cần bao gồm các chính sách và quy định liên quan đến các luồng dữ liệu xuyên quốc gia, bảo mật dữ liệu, an ninh mạng, bảo vệ khách hàng, giao dịch điện tử và pháp luật về thương mại điện tử và thuế. Việt Nam cần chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số. Có chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới; chú trọng tới các chính sách để tiếp cận với dịch vụ thanh toán an toàn và bảo đảm mang lại cơ hội thực hiện thanh toán điện tử cho cả khách hàng, doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài.

Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế số nói chung, thương mại điện tử nói riêng. Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả vấn nạn hàng nhái, hàng giả trong thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, cần tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước để đấu tranh chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử. Tăng cường quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trong thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu, bao gồm triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia; đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng; nâng cấp hạ tầng các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu một cách đồng bộ, hiện đại... Trong lĩnh vực truyền thông, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho ứng dụng phát triển công nghệ, đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng của toàn bộ nền kinh tế... Tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính - ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hoá số; y tế; giáo dục và đào tạo...

Các doanh nghiệp cần tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa; tối ưu hóa mô hình kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức, sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh; có giải pháp quản lý tài sản trí tuệ trong thời đại số phù hợp với những mô hình kinh doanh và các mô hình hợp tác mới. Phát triển nguồn nhân lực theo hướng tăng cường năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển.

Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tốt để Việt Nam có thể tận dụng trong phát triển kinh tế đất nước. Từ góc độ quản lý nhà nước, cần xây dựng, điều chỉnh chính sách để hỗ trợ kinh tế số phát triển, bởi đây là yếu tố quan trọng nhất để phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Thông qua thiết lập một môi trường thể chế minh bạch, rõ ràng, thuận lợi, Chính phủ có thể thúc đẩy một cách có hiệu quả và bảo đảm sự phát triển kinh tế số đạt mục tiêu mà Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra./.