Kinh tế tư nhân (KTTN) đóng góp khoảng 42,1% GDP của nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh tăng trưởng của khu vực kinh tế nhà nước thấp và tăng trưởng của khu vực FDI có thể sẽ chững lại trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung các giải pháp hỗ trợ, nâng đỡ khu vực KTTN. Đây được xem là động lực tăng trưởng quan trọng cho giai đoạn phát triển kế tiếp của Việt Nam.

Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng
Với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước cũng như sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của chính cộng đồng doanh nghiệp, sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát huy và khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước; đặc biệt đã khơi dậy một bộ phận tiềm năng của đất nước, huy động được nguồn vốn xã hội, tăng nguồn nội lực, tham gia phát triển kinh tế quốc dân và đang ngày càng chứng minh là một trong bốn trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc dân.
Khu vực KTTN của Việt Nam hiện có trên 750 nghìn doanh nghiệp, đang tạo ra 12 triệu việc làm, đóng góp 43% GDP (so với khu vực kinh tế nhà nước 28,9% GDP và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài - FDI là 18% GDP; riêng trong lĩnh vực dịch vụ, khu vực tư nhân đóng góp tới 85% GDP). Thành quả đó là do quá trình đổi mới tư duy kinh tế của Đảng, là bước đi đúng đắn phù hợp với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ nhằm “cởi trói” về cơ chế, thể chế, tạo điều kiện cho KTTN phát triển.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, năm 2019 là một năm thành công đối với Việt Nam khi không chỉ có những mặt hàng nông, thủy sản truyền thống nổi tiếng, năm qua Việt Nam đã có thêm những sản phẩm hàng hóa giá trị cao, xứng tầm để “đem chuông đi đánh xứ người” như điện thoại thông minh, xe ô tô... Bên cạnh công nghệ, công nghiệp chế tạo…, năm 2019 đánh dấu thành công của các tập đoàn KTTN đối với các lĩnh vực đầu tư hạ tầng, du lịch… Trong đó phải nhắc tới “cơn mưa giải thưởng” tại World Travel Awards 2019 dành cho các tổ hợp vui chơi giải trí, khách sạn, khu nghỉ dưỡng hạng sang của các doanh nghiệp hàng đầu trong nước như Vin Group, Sun Group…, giúp nâng tầm vị thế của KTTN trên trường quốc tế.
Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều luật, nghị quyết, nghị định về phát triển KTTN, như Nghị quyết số 02/NQ-CP; Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững... cùng nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp về khoa học công nghệ, thị trường, nguồn nhân lực.
Tuy vậy, trong quá trình thực thi triển khai các văn bản pháp lý vẫn còn không ít e ngại về vấn đề phát triển KTTN và doanh nghiệp tư nhân sẽ ảnh hưởng đến vai trò của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Điều này đã dẫn tới sự sai lệch trong việc triển khai xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, thúc đẩy KTTN và các doanh nghiệp tư nhân phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Bên cạnh đó, vẫn còn các rào cản liên quan đến khung khổ pháp lý cho sự phát triển của KTTN. Chẳng hạn, việc duy trì Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thống nhất đã tạo thuận lợi cho mọi người có thể tham gia thị trường; tuy nhiên, khung khổ pháp lý hiện tại chưa đồng bộ để điều chỉnh hoạt động trên thị trường, điều chỉnh các quan hệ hợp đồng, điều chỉnh việc rút ra khỏi thị trường thông qua phá sản hay giải thể doanh nghiệp. Nhiều rào cản dưới hình thức các “giấy phép con” vẫn còn tồn tại, thậm chí còn có sự thiếu thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành các văn bản về điều kiện kinh doanh không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2014; các quy định về quản lý và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Tìm kiếm giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân
Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, cần xây dựng, phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn có thế mạnh của quốc gia, cần bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các thành phần kinh tế, cần có chính sách cụ thể để các thành phần kinh tế nhận được những ưu đãi công bằng, không quá ưu tiên cho doanh nghiệp FDI.

Trong một số trường hợp, Chính phủ cần có biện pháp bảo hộ doanh nghiệp trong các lĩnh vực trọng điểm kinh tế để cạnh tranh với quốc tế, theo đó Chính phủ cũng đã đưa ra 6 nhóm giải pháp để tạo động lực quan trọng cho khu vực KTTN đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững: (1) Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm đảm bảo duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư, kinh doanh bền vững của doanh nghiệp khu vực tư nhân; (2) Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; (3) Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; (4) Hỗ trợ nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động; (5) Khuyến khích doanh nghiệp khu vực tư nhân ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; (6) Tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển hiệu quả, bền vững.
Mục tiêu cụ thể của 6 nhóm giải pháp là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp khu vực tư nhân, phấn đấu có ít nhất 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 và 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030.
Hiện nay, KTTN chiếm số lượng lớn về giải quyết công ăn việc làm và vốn đầu tư trong xã hội. Do đó, môi trường pháp lý về KTTN và doanh nghiệp tư nhân cần được tiếp tục hoàn thiện nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho KTTN phát triển. Đặc biệt cần xây dựng cơ sở pháp lý cho việc hình thành, thực hiện, theo dõi, thanh lý, giải quyết tranh chấp các hợp đồng kinh tế và xử lý các vấn đề kinh tế - tài chính khi doanh nghiệp bị giải thể, phá sản theo đúng quy luật thị trường, không phân biệt thuộc thành phần kinh tế nào. Đồng thời tạo ra sự chuyển biến trong việc đảm bảo KTTN thực sự bình đẳng trước pháp luật như với các thành phần kinh tế khác, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, cũng như có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu đổi mới kỹ thuật, công nghệ, vận dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ vào trong sản xuất - kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Ngoài ra, chính sách phát triển doanh nghiệp cần ưu tiên vào việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp tư nhân trong việc ứng dụng và nâng cao trình độ công nghệ. Công nghệ có thể được chuyển giao từ nước ngoài hoặc từ khu vực doanh nghiệp FDI.
Theo các chuyên gia kinh tế, muốn phát triển KTTN cần tập trung cải cách chế độ sở hữu, đặc biệt là chế độ hạn điền của Luật Đất đai, nhằm tạo ra khu vực sản xuất lớn, hình thành chuỗi giá trị. Lý giải về kiến nghị này, các chuyên gia cho rằng, DNNN chiếm tỷ trọng hơn 30% GDP và trong nhiều lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân vẫn độc quyền, điều này hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, do đó cần phải điều chỉnh lại hạn điền để hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp, nông dân góp vốn bằng đất, bằng tiền, thu lợi tức từ phần góp vốn của mình.
Giai đoạn 2021 - 2030, phấn đấu doanh nghiệp khu vực tư nhân có mức tăng trưởng bình quân số lao động đạt khoảng 6 - 8%/năm; tăng trưởng bình quân thu nhập của người lao động đạt khoảng 25 - 30%/năm; tăng trưởng bình quân mức đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt 23 - 25%/năm. Do đó, để triển khai thực hiện kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2030, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần lồng ghép các nội dung, giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân với các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, các chương trình mục tiêu của các bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Huy Huệ