Nghiên cứu khảo sát: Cơ chế quản lý tài chính nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nguồn từ ngân sách nhà nước

Nghiên cứu khảo sát: Cơ chế quản lý tài chính nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nguồn từ ngân sách nhà nước 25/02/2020 13:47:00 2854

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Nghiên cứu khảo sát: Cơ chế quản lý tài chính nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nguồn từ ngân sách nhà nước

25/02/2020 13:47:00

- Đơn vị chủ trì: Văn phòng

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Lê Thị Thanh Huyền

- Năm giao nhiệm vụ: 2018/Mã số: 2018-42

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Những năm qua, mặc dù điều kiện ngân sách nhà nước (NSNN) còn khó khăn nhưng việc đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) luôn luôn đảm bảo 2% tổng chi NSNN, là một trong các lĩnh vực đạt tốc độ tăng chi cao nhất trong chi NSNN. Những số liệu trên cho thấy Nhà nước đã thực sự quan tâm đến đầu tư nguồn lực tài chính phát triển KH&CN. Thời gian qua, nhiều cơ chế tài chính quản lý nhiệm vụ KH&CN đã được ban hành tương đối đồng bộ, theo hướng tạo thêm thuận lợi cho KH&CN phát triển như quy định về việc mở rộng phân cấp trong kiểm soát chi kinh phí KH&CN; Quy định thông thoáng trong chuyển số dư dự toán, số dư tạm ứng và quyết toán kinh phí KH&CN… Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN đã có nhiều đổi mới về chính sách quản lý tài chính đối với kinh phí KH&CN, trong đó, việc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN được tiến hành thông qua hệ thống quỹ phát triển KH&CN các cấp... Việc thay đổi này tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương có điều kiện huy động, đa dạng được nguồn kinh phí ngoài NSNN cho phát triển KH&CN và chủ động sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ để phê duyệt các đề tài, dự án KH&CN liên tục trong năm, đảm bảo tính thời sự của các nhiệm vụ KH&CN.

Ngày 22/4/2015, Bộ Tài chính và Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT/BTC-BKHCN hướng dẫn về xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN đã giảm các thủ tục trong quá trình thanh quyết toán đề tài… Qua một thời gian triển khai cơ chế tài chính về cơ chế tài quản lý tài chính đối với nhiệm vụ KH&CN có nguồn từ NSNN phát sinh một số vấn đề gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu. Tại buổi đối thoại của Bộ trưởng Bộ KH&CN với các nhà khoa học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định sẽ tìm mọi cách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà khoa học và giao Bộ KH&CN và Bộ Tài chính cần nghiên cứu, hướng dẫn và tháo gỡ.

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính với vai trò quản lý hoạt động nghiên cứu KH&CN của ngành Tài chính, đồng thời là cơ quan tham mưu tư vấn chính sách cho Bộ Tài chính trong việc sửa đổi, hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với nhiệm vụ KH&CN cho phù hợp với thực tế, thì việc tiến hành “Nghiên cứu khảo sát: Cơ chế quản lý tài chính nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nguồn từ ngân sách nhà nước” là hết sức cần thiết.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề xuất cơ chế quản lý tài chính đối với nhiệm vụ KH&CN có nguồn từ nguồn NSNN tại các tổ chức KH&CN.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Nghiên cứu tình hình triển khai, thực hiện cơ chế quản lý tài chính đối với nhiệm vụ KH&CN có nguồn từ NSNN tại các tổ chức KH&CN.

Phạm vi nghiên cứu: Về nội dung: Tập trung nghiên cứu khảo sát về cơ chế quản lý tài chính đối với nhiệm vụ KH&CN có nguồn từ NSNN trên các khía cạnh về quy định pháp luật và tổ chức thực hiện tại một số tổ chức KH&CN tại một số địa phương; Về thời gian: Cơ chế quản lý tài chính đối với nhiệm vụ KH&CN có nguồn từ NSNN trong giai đoạn từ 2016 đến nay. Số liệu về nhiệm vụ KH&CN từ năm 2010 đến nay. Về không gian: Đề tài khảo sát việc thực hiện về cơ chế quản lý tài chính đối với nhiệm vụ KH&CN có nguồn từ NSNN tại các tỉnh: Miền Bắc: Hà Nội - Hải Dương - Quảng Ninh; Miền Trung: Đà Nẵng - Quảng Ngãi- Bình Định; Miền Nam: TP.HCM- Vũng Tàu- Cần Thơ - Vĩnh Long.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã nghiên cứu tổng quan chung về cơ chế quản lý tài chính đối với nhiệm vụ KH&CN có nguồn từ NSNN như các nội dung về nhiệm vụ KH&CN; cơ chế lập dự toán kinh phí nguồn KH&CN; Cơ chế phân bổ và giám sát sử dụng kinh phí; Quy định xây dựng dự toán nhiệm vụ KH&CN có nguồn từ NSNN; Quy định khoán kinh phí của nhiệm vụ KH&CN; cơ chế quản lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN từ NSNN…

(2) Đề tài đã đánh giá thực trạng cơ chế quản lý tài chính đối với nhiệm vụ KH&CN có nguồn từ NSNN thông qua khảo sát tại các địa phương, cụ thể:

(i) Qua khảo sát cho thấy các địa phương đã nghiêm túc triển khai quy định này bằng cách ban hành văn bản hướng dẫn về việc thực hiện chính sách nội dung, mức chi về quản lý nhiệm vụ nghiên cứu và công nghệ; các đơn vị cho thấy việc xây dựng dự toán nguồn kinh phí tổng thể đối với các nhiệm vụ KH&CN của các đơn vị được triển khai một cách nghiêm túc trên cơ sở tổng hợp các đề xuất của các chủ nhiệm đề tài xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đặt ra;

(ii) Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT/BTC-BKHCN quy định trả công theo chức danh nghiên cứu và số ngày công quy đổi. Nếu quy định tại Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT/BTC-BKHCN tạo điều kiện xuất hiện các chuyên đề không có tác dụng cho việc báo cáo tổng hợp, thì Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT/BTC-BKHCN quy định trực tiếp công nghiên cứu cho các sản phẩm chính, gắn trực tiếp đến báo cáo tổng hợp. Theo đó, từng nội dung công việc chính sẽ có tổng mức tiền công khác nhau tùy thuộc vào đặc thù công việc. Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN đã bổ sung định mức thuê chuyên gia phối hợp nghiên cứu; kinh phí cho tổ chức chủ trì;

(iii) Đổi mới trong cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN được cụ thể hóa tại Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC thông qua các quy định nhằm trao quyền chủ động cho chủ nhiệm nhiệm vụ và tổ chức chủ trì trong việc sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ; đơn giản và thuận lợi hơn cho các chủ nhiệm nhiệm vụ và tổ chức chủ trì trong việc thực hiện các thủ tục thanh quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ. Đây là một chính sách tài chính hướng tới nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các nhà khoa học, nhằm thúc đẩy tạo ra sản phẩm KH&CN rõ ràng và gắn với địa chỉ ứng dụng sau khi nhiệm vụ hoàn thành;

(iv) Đối với tài sản hình thành thông qua việc triển khai nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN được quy định thông qua Thông tư số 16/2015/TTLT/BTC-BKHCN ngày 01/9/2015 hướng dẫn việc quản lý, xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN và hiện nay là Nghị định số 70/2018 ngày 15/5/2018 quy định quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước;

(3) Bên cạnh những kết quả đạt được, đề tài cũng đã phân tích và chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, cụ thể:

(i) Về địa chỉ và lĩnh vực sử dụng nguồn vốn KH&CN chưa thực sự tập trung cho nguồn nhân lực có khả năng nghiên cứu tạo sự bứt phá trong lĩnh vực nghiên cứu KH&CN. Cơ cấu chi chưa thực sự phù hợp (ước tính có khoảng 20% tiền dành cho KH&CN thực chất đầu tư cho hoạt động sáng tạo của các nhà nghiên cứu, còn 80% nằm ở trong khâu gián tiếp); Bên cạnh đó, do rất nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và danh hiệu vinh dự (từ Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở đến Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Bằng khen Thủ tướng, Huân chương lao động, danh hiệu Nhà giáo, danh hiệu Thầy thuốc…) đều đòi hỏi điều kiện sáng kiến/đề tài (Trừ trường hợp có thành tích đột xuất đặc biệt xuất sắc mới không đòi hỏi sáng kiến/đề tài).

(ii) Do quá trình tổng hợp xây dựng dự toán cũng như phê duyệt dự toán theo Luật NSNN thường kéo dài (từ tháng 6 đến tháng 12 hàng năm). Bên cạnh đó, quy trình phê duyệt kinh phí nhiệm vụ KH&CN làm ảnh hưởng đến tính thời sự của nhiệm vụ KH&CN cũng như khi phát sinh nhiệm vụ cần phải giải quyết tức thời không thể bố trí kinh phí;

(iii) Nhiều nội dung của nhiệm vụ KH&CN không có định mức kinh tế kỹ thuật do vậy để dự toán và thẩm định dự toán rất khó có thể đảm bảo độ chính xác cao, khó đánh giá được chính xác nhu cầu nguyên vật liệu cần thiết để triển khai nhiệm vụ. Bên cạnh đó, còn có quan điểm cho rằng các thành viên tham gia nghiên cứu chỉ được tính không quá 200 giờ công/năm (theo quy định của Luật lao động);

(iv) Quy định về phân cấp, phân quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cũng như tổ chức, cá nhân chủ trì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN chưa rõ ràng. Trách nhiệm quản lý tài sản là kết quả và trách nhiệm xử lý tài sản khi kết thúc nhiệm vụ KH&CN không cụ thể dẫn đến tài sản không được quản lý chặt chẽ để xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật làm lãng phí nguồn lực;

(4) Đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính nhiệm vụ KH&CN có nguồn từ NSNN gồm:

(i) Nên tách giữa nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu khoa học ứng dụng do tính chất của 2 lĩnh vực này và có cơ chế đặc thù riêng đối với nghiên cứu cơ bản, do những đề tài nghiên cứu cơ bản là quan trọng, cần thiết vì nó đặt nền móng cho nghiên cứu ứng dụng và nhiều khi chưa thể ứng dụng ngay được. Rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức KH&CN nhằm giảm đầu mối, kể cả các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu, gắn với quá trình cơ cấu lại ngành KH&CN; kiên quyết chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ và từng bước chuyển việc bố trí kinh phí hoạt động thường xuyên cho các tổ chức KH&CN công lập sang thực hiện phương thức Nhà nước đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ KH&CN và cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm cuối cùng theo kết quả đầu ra;

(ii) Tăng cường thực hiện tự chủ của các tổ chức KH&CN theo tinh thần Nghị định 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập chính là cơ sở để áp dụng được tính thông thoáng của việc tính chi phí nghiên cứu chủ yếu theo tiền công và chức danh nghiên cứu. Khi đó tiền công lao động của các cá nhân thực hiện nhiệm vụ sẽ được chuyển vào quỹ lương của tổ chức KH&CN. Việc sử dụng tiền công, tiền lương sẽ được đảm bảo và rõ ràng, không bị vướng các quy định của Luật lao động; Rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức KH&CN nhằm giảm đầu mối, kể cả các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu, gắn với quá trình cơ cấu lại ngành KH&CN;

(iii) Xây dựng cơ chế gắn kết giữa nguồn kinh phí NSNN dành cho nghiên cứu KH&CN với nguồn kinh phí để ứng dụng, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm. Ưu tiên cho nghiên cứu ứng dụng, phục vụ nâng cao năng suất chất lượng, tăng hiệu quả và cạnh tranh. Nghiên cứu, ban hành các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, cải cách quy trình tuyển chọn, xác định, giao nhiệm vụ, phê duyệt và nghiệm thu KH&CN, nhất là nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia cho phù hợp với yêu cầu, khả năng quản lý và khả năng thực hiện của từng cấp quản lý;

(iv) Nâng cao chất lượng, trách nhiệm của Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu, đặc biệt chú trọng khâu thẩm định kết quả nhiệm vụ, gắn trách nhiệm, uy tín khoa học của thành viên hội đồng với từng nhiệm vụ, đồng hành từ khi giao nhiệm vụ đến khi nghiệm thu (Mô hình NAFAOSTED, hội đồng do giới khoa học cùng chuyên ngành bình bầu trong thời gian cố định, mọi hoạt động do giới khoa học cùng chuyên ngành bình bầu trong thời gian cố định, mọi hoạt động đánh giá được cộng đồng khoa học giám sát, đánh giá tính khách quan, chuyên môn…); Đẩy mạnh cơ chế đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ KH&CN và cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm KH&CN cuối cùng theo kết quả đầu ra thông qua quy trình lựa chọn khách quan, phù hợp với từng loại hình hoạt động KH&CN;

(v) Công khai, minh bạch để tăng cường tính phản biện xã hội, đặc biệt là ý kiến của các tổ chức và cá nhân có nhu cầu tiếp nhận và ứng dụng kết quả của nhiệm vụ, đặc biệt là các doanh nghiệp tiếp nhận kết quả để ứng dụng vào sản xuất;

(vi) Để tránh dàn trải trong việc phân bổ nguồn lực cho triển khai nhiệm vụ KH&CN, Bộ Nội vụ nên xem xét bỏ điều kiện tham gia hay chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học khi xét duyệt các danh hiệu thi đua khen thưởng.

(vi) Có chính sách thúc đẩy khu vực tư nhân, cá nhân và các doanh nghiệp lớn đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp sáng tạo; xây dựng cơ chế hợp tác công - tư trong đầu tư mạo hiểm trên cơ sở khai thác triệt để các thiết chế tài chính hiện đang có chức năng hỗ trợ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển KH&CN, huy động mạnh mẽ nguồn vốn xã hội và nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho phát triển KH&CN