Nghiên cứu khảo sát: Cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập

Nghiên cứu khảo sát: Cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập 25/02/2020 13:44:00 1989

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Nghiên cứu khảo sát: Cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập

25/02/2020 13:44:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách Tài chính công

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: Ban Chính sách Tài chính công

- Năm giao nhiệm vụ: 2018/ Mã số: 2018 - 37

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Ngày 14/02/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL). Thực tế cho thấy, việc nâng cao quyền tự chủ của ĐVSNCL theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tế. Thực hiện tốt chính sách này sẽ tạo động lực và thúc đẩy sự phát triển của việc cung cấp sản phẩm dịch vụ công, thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của người dân, thúc đẩy sự phát triển của các đơn vị cung cấp dịch vụ công hoàn thiện chất lượng dịch vụ cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, thu hút nguồn thu, đảm bảo phát triển bền vững, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Trên cơ sở những định hướng và những giải pháp chính sách tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP, các quy định hướng dẫn về cơ chế tự chủ đối với các tổ chức sự nghiệp công lập đang này càng được hoàn thiện, tăng cường tính khả thi trong thực hiện tự chủ của các ĐVSNCL. Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập (Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016), lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác (Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016); các bộ đã trình 6 dự thảo Nghị định về giáo dục, y tế, thông tin truyền thông, văn hóa thể thao dụ lịch…; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 8 Quyết định thuộc lĩnh vực giao thông, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn; 6 Quyết định quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL của 4 bộ: Khoa học và công nghệ, Giao thông vận tải, Lao động thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường. Hầu hết các địa phương đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, Quyết định 695/QĐ-TTg, tổ chức thực hiện và tuyên truyền, phổ biến Nghị định 16/2015/NĐ-CP tại địa phương. Cùng với đó, việc thực hiện lộ trình cơ chế giá đối với giá dịch vụ công được tăng cường, đảm bảo chi phí thực hiện, hoạt động của ĐVSNCL.

Việc thực hiện tự chủ đối với ĐVSNCL đã có những kết quả tích cực, tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, trên thực tế lộ trình thực hiện tự chủ ĐVSN công còn nhiều hạn chế, việc thực hiện tự chủ còn chậm, chưa thực sự thu hút nguồn lực ngoài NSNN vào phát triển dịch vụ công. Tuy đã tăng cường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm đối với ĐVSNCL trong năm 2016 - 2017, nhưng thực tiễn thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, số lượng các ĐVSN tự chủ hoàn toàn giảm dần, các hướng dẫn về tự chủ tự chịu trách nhiệm của các ĐVSN chậm được ban hành,... Vì vậy việc nghiên cứu khảo sát việc áp dụng, thực hiện cơ chế tự chủ ĐVSNCL là điều cần thiết.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu của Chương trình nghiên cứu khảo sát là: Nghiên cứu, khảo sát để đánh giá tình hình thực hiện tự chủ của ĐVSNCL theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ ĐVSNCL, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách thúc đẩy thực hiện tự chủ ĐVSNCL đảm bảo bền vững, phát triển.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: Tình hình thực hiện tự chủ tại các ĐVSNCL.

- Phạm vi nghiên cứu:

+ Về nội dung: Việc áp dụng, thực hiện tự chủ (tự chủ tài chính, tự chủ quản lý, tự chủ chuyên môn) tại các ĐVSNCL.

+ Về thời gian: Nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện tự chủ ĐVSNCL sau Nghị định 16/2015/NĐ-CP.

+ Về không gian: Nghiên cứu sẽ tập trung khảo sát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tại một số ĐVSNCL tại một số tỉnh.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã nêu được những vấn đề lý luận cơ bản về tự chủ đối với ĐVSN công gồm: Khái niệm về cơ chế tự chủ của ĐVSNCL; nội dung về cơ chế tự chủ của ĐVSNCL; những nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện cơ chế tự chủ của ĐVSNCL. Ngoài ra, đề tài đã nêu được kinh nghiệm thực hiện cơ chế tự chủ của ĐVSNCL tại một số nước trên thế giới và đưa ra bài học cho Việt Nam gồm: Thứ nhất, khi thực hiện cơ chế tự chủ đối với ĐVSN công thì trong thời gian đầu chính phủ cần có những biện pháp khuyến khích các đơn vị dịch vụ công trở nên sáng tạo và tập trung vào việc cung cấp dịch vụ theo cách mới. Thứ hai, các đơn vị dịch vụ công nên xem xét việc quản lý hành chính dựa trên đầu vào thành quản lý công khai dựa trên đầu ra nhằm tạo nên sự thay đổi của đơn vị. Thứ ba, cần có sự chuyển đổi tiêu chí phân bổ dựa trên các yếu tố đầu ra.

(2) Đề tài đã đánh giá tình hình thực hiện cơ chế tự chủ của ĐVSNCL ở Việt Nam trên các khía cạnh: công tác chỉ đạo triển khai cơ chế tự chủ đối với các ĐVSNCL; kiện toàn tổ chức các ĐVSNCL; đổi mới hoạt động cung cấp dịch vụ công; chất lượng đội ngũ viên chức; về tài chính... Chỉ ra những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân trong từng nội dung, vấn đề nêu trên. Trong đó, hạn chế nổi bật là việc thực hiện tự chủ tài chính của các ĐVSNCL còn chậm (việc ban hành Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của ĐVSNCL trong từng lĩnh vực chậm và thiếu đồng bộ; việc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN còn chậm, không thống nhất và chưa có hướng dẫn đầy đủ; việc ban hành quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL còn chậm và chưa thực sự quyết liệt trong việc sắp xếp tổ chức; việc thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công còn nhiều bất cập); cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí NSNN về cơ bản vẫn thực hiện theo phương thức hiện hành, đầu tư phân tán, dàn trải; định mức phân bổ để làm dự toán NSNN vẫn theo định mức cũ, cách thức cấp phát chưa thực hiện theo cơ chế đặt hàng; các định mức kinh tế kỹ thuật còn thiếu, khó khăn trong việc xác định đơn giá đặt hàng, đấu thầu, cũng như triển khai trong quản lý; việc thực hiện XHH còn chậm, chưa thực sự tạo điều kiện đủ mạnh để XHH trong việc cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công tại các ĐVSNCL; …

(3) Trên cơ sở những vấn đề bất cập, đề tài đã đề xuất giải pháp: Ban hành cơ chế tự chủ đối với các ĐVSNCL trên các lĩnh vực; ban hành danh mục dịch vụ công sử dụng NSNN; quy hoạch, sắp xếp hệ thống các ĐVSNCL; xây dựng lộ trình thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công; rà soát, sắp xếp các ĐVSNCL theo mức độ tự chủ; ban hành định mức kinh tế kỹ thuật; hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với ĐVSNCL; thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy XHH; đánh giá lại việc thí điểm cổ phần hóa; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các ĐVSNCL và ngoài công lập và chỉ đạo kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, quan điểm và nội dung đổi mới cơ chế hoạt động ĐVSN công.