- Đơn vị chủ trì: Nhóm Nghiên cứu Viện Chiến lược và Chính sách tài chính
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Ngô Thị Phương Thảo
- Năm giao nhiệm vụ: 2018/Mã số: 2018-29
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế đã được Đảng, Nhà nước ta xác định từ nhiều năm trước với nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được triển khai thực hiện. Những thành tựu của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu đã được ghi nhận. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức hợp lý. Mô hình tăng trưởng từng bước chuyển đổi theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu; năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Tuy nhiên tại Đại hội toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta cũng đã nhìn nhận thẳng thắn rằng mô hình tăng trưởng nước ta vẫn theo mô hình cũ, chậm được đổi mới. Kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Tăng trưởng GDP tuy vẫn ở mức tương đối cao nhưng đang có xu hướng giảm; các cân đối vĩ mô chưa vững chắc; sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức; số doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng sản xuất hoặc thu hẹp quy mô sản xuất tăng lên đáng kể; nợ xấu của các tổ chức tín dụng chưa được xử lý triệt để…
Nhận rõ những yếu kém nội tại của nền kinh tế, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu đề tài “Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết Trung ương 4 ” là cần thiết nhằm nhận diện những vấn đề đặt ra khi tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết Trung ương 4, trong đó chú trọng vào những vấn đề đặt ra của ngành Tài chính.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Phân tích và đánh giá kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết Trung ương 4 (Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế).Trên cơ sở đó nhận diện những vấn đề đặt ra, đặc biệt tập trung phân tích về những vấn đề đặt ra đối với ngành Tài chính.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Mô hình tăng trưởng kinh tế
Phạm vi nghiên cứu: Mô hình tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết Trung ương 4 (Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016), giới hạn trong những nội dung liên quan tới ngành Tài chính, gồm: Tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế; phát triển mạnh kinh tế tư nhân.
4. Kết quả nghiên cứu
Đề tài đã phân tích và đánh giá kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết Trung ương 4 (Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII), trên cơ sở đó nhận diện những vấn đề đặt ra, trong đó, chú trọng vào những vấn đề đặt ra của ngành Tài chính. Một số kết quả đạt được của đề tài cụ thể như sau:
(1) Đề tài đã tổng quan được một số vấn đề chung về mô hình tăng trưởng kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Trong đó đã làm rõ khái niệm, các nhân tố và một số mô hình tăng trưởng kinh tế tiêu biểu, cũng như khái niệm, nội dung và phương thức của đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Nhìn chung, mỗi học thuyết kinh tế lại nhấn mạnh tới một hoặc một số yếu tố là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, như học thuyết kinh tế Cổ điển, học thuyết kinh tế của C.Mác chủ yếu nhấn mạnh tới yếu tố về vốn và lao động. Những học thuyết sau đó đã đề cập nhiều hơn về công nghệ, thể chế. Trong khi những học thuyết gần đây lại nhấn mạnh tới các vấn đề về cấu trúc phát triển, cấu trúc thị trường như thuyết nhị nguyên. Có thể thấy là mỗi học thuyết về tăng trưởng kinh tế lại phù hợp với tình hình kinh tế của từng quốc gia.
(2) Đề tài đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á). Theo đó, đề tài tập trung nghiên cứu các nước với các cấp độ đổi mới mô hình tăng trưởng khác nhau: (i) Thành công trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng vượt qua ngưỡng phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc); (ii) Có sự lựa chọn mô hình tăng trưởng đúng đắn, phát huy được nội lực và phù hợp với điều kiện bên ngoài (Trung Quốc). Ngoài ra, đề tài lựa chọn một số nước Đông Nam Á tiêu biểu đã thực thi những chương trình cải cách và chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế khác nhau kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2018 để có nhiều góc tiếp cận khác nhau (Indonesia, Myanmar).
(3) Đề tài đã đánh giá những kết quả đạt được và một số vấn đề đặt ra trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.Theo đó, đề tài tập trung vào các nội dung liên quan trực tiếp đến ngành Tài chính như: Tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế; phát triển mạnh kinh tế tư nhân.
(4) Đề tài đã đánh giá chung về quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, cho thấy một số hạn chế nổi bật trong quá trình thực hiện: (i) Tiến độ thực hiện ba đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 còn chậm; (ii) Việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực; (iii) Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; (iv) Mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào vốn thay vì đổi mới công nghệ.
(5) Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, nhận diện một số vấn đề đặt ra, đề tài đã kiến nghị các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tập trung vào các giải pháp liên quan trực tiếp đến ngành Tài chính như: Tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế; đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân.