- Đơn vị chủ trì: Ban Tài chính quốc tế và Chính sách hội nhập
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Lê Quang Thuận
- Năm giao nhiệm vụ: 2018/Mã số: 2018-22
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Hội nhập quốc tế đã trở thành một xu thế lớn của thế giới hiện đại, tác động mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế và đời sống của từng quốc gia. Trong nhiều thập kỷ qua, toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại là xu thế chủ đạo và được coi là động lực chính của tăng trưởng kinh tế thế giới.
Sau khi trở thành thành viên của ASEAN (năm 1995) và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO(năm 2007), Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế và khu vực thông qua việc đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia vào các khu vực mậu dịch tự do như: Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), ASEAN - Úc - Niu di lân (AANZFTA), ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), Việt Nam - Chi Lê, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu; đồng thời tham gia ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong lĩnh vực tài chính, hội nhập quốc tế tập trung thực hiện các cam kết cắt giảm và xóa bỏ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, tạo thuận lợi cho thương mại và các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ bảo hiểm, chứng khoán, kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế... Trong hầu hết các FTA đã ký kết, phạm vi cắt giảm thuế khá rộng, trung bình khoảng 90% dòng thuế. Mức độ tự do hóa cuối cùng trong các FTAđạt khoảng 90-95% số dòng thuế trong tổng Biểu thuế nhập khẩu với thuế suất cuối cùng về 0% vào thời điểm năm 2018- 2020 (ngoại trừ một số FTA có thời điểm kết thúc muộn hơn). Đây là mức độ tự do hóa cao, phù hợp với quy định quốc tế về mức độ mở cửa thị trường theo các quy định của WTO. Theo cam kết trong CPTPP thì 100% dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm (Việt Nam được kéo dài lộ trình 7 - 10 năm).
Về các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ tài chính, trong hội nhập WTO nói riêng và các FTAs nói chung, các công ty bảo hiểm, chứng khoán và ngân hàng nước ngoài được mở văn phòng đại diện, liên doanh từ năm 2007. Việc thành lập công ty 100% vốn nước ngoài và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam được điều chỉnh theo lộ trình 5 năm tiếp theo (2007-2012) tùy từng lĩnh vực. Trong khi lĩnh vực ngân hàng cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài và mở chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam từ năm 2007, thì cam kết trong lĩnh vực bảo hiểm chỉ cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (từ năm 2008) và mở chi nhánh (từ năm 2012). Trong khi đó, đến năm 2012, các công ty chứng khoán nước ngoài mới được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, mở chi nhánh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, làn sóng bảo hộ thương mại nổi lên khá mạnh trong thời gian gần đây, với việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu; Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hàng loạt biện pháp bảo hộ hàng hóa của các nước. Xu hướng này có thể tạo ra một cuộc chiến tranh thương mại mới, ảnh hưởng đến việc luân chuyển các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, do nền kinh tế nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, rất cần thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, hội nhập để phát triển.
Do đó, việc nghiên cứu nhận diện rõ những nhân tố mới tác động đến hội nhập quốc tế về tài chính trên thế giới; xu hướng chính sách hội nhập quốc tế về tài chính của một số nước trên thế giới; phân tích, đánh giá, dự báo tác động của xu hướng hội nhập quốc tế về tài chính và các vấn đề đặt ra đối với Việt Nam; trên cơ sở đó đề xuất, khuyến nghị đối sách của Việt Nam là rất cần thiết.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Đề tài là nhận diện rõ những nhân tố mới tác động đến hội nhập quốc tế về tài chính trên thế giới; xu hướng chính sách hội nhập quốc tế về tài chính của một số nước trên thế giới; phân tích, đánh giá, dự báo tác động của xu hướng hội nhập quốc tế về tài chính và các vấn đề đặt ra đối với Việt Nam và đề xuất, khuyến nghị đối sách của Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc tham mưu, xây dựng chính sách về kinh tế, tài chính,góp phần xây dựng Chiến lược hội nhập về tài chính của Việt Nam trong thời gian tới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu:Xu hướng hội nhập quốc tế về tài chính.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung vào các vấn đề liên quan đến thuế quan và dịch vụ tài chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chínhtừ sau khủng hoảng tài chính 2008 đến nay, trong đó chú trọng những xu hướng mới diễn ra trong thời gian gần đây, từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ vàotháng 01/2017.
4. Kết quả nghiên cứu
Với mục tiêu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu trên, đề tài đã đúc rút các kết luận chính như sau:
(1) Đề tài đã hệ thống hóa được cơ sở khoa học, lý luận về hội nhập quốc tế và hội nhập quốc tế về tài chính, những nhân tố tác động đến hội nhập quốc tế về tài chính. Đề tài đã trình bày các nhân tố mới tác động đến hội nhập quốc tế và hội nhập quốc tế về tài chính, đưa ra những nhận định về xu hướng hội nhập kinh tế - tài chính với nhiều số liệu minh họa phong phú, đảm bảo tính trung thực, khách quan với nguồn trích dẫn rõ ràng. Đề tài đã đánh giá, phân tích những tác động của xu hướng hội nhập quốc tế về tài chính đối với Việt Nam, đồng thời đưa ra những kiến nghị đối với Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội và đối phó với những tác động tiêu cực.Những xu hướng mới về hội nhập kinh tế quốc tếđã được Đề tài chỉ ra gồm:
(i) Các nước lớn gia tăng cạnh tranh chiến lược trên nhiều lĩnh vực tại các khu vực, đặc biệt là trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tác động đến cục diện địa chính trị thế giới,an ninh và phát triển.Trong những thập kỷ gần đây, châu Á - Thái Bình Dương luôn là khu vực phát triển kinh tế năng động nhất thế giới. Đây cũng là khu vực mà các nước lớn (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản…) đều có lợi ích về kinh tế, thương mại ở các mức độ khác nhau. Do đó, các nước lớn đã và đang triển khai các chiến lược nhằm gia tăng sức cạnh tranh ảnh hưởng, “xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương theo cách riêng của mình để bảo vệ và hiện thực hóa lợi ích quốc gia. Sự cạnh tranh giữa các nước lớn đã kéo theo sự thay đổi về cục diện địa chính trị trong khu vực và trên thế giới. Chính vì vậy, sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua việc điều chỉnh chiến lược, chính sách trong ngắn và dài hạn tất yếu dẫn đến cọ xát, thậm chí xung đột về lợi ích giữa các quốc gia, từ đó tác động sâu sắc đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực nhờ các động lực chủ yếu như đầu tư, sản xuất và thương mại tiếp tục phát triển sau nhiều năm thực hiện các chính sách kích thích kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh… Tuy nhiên, cũng xuất hiện một số rủi ro còn tiềm ẩn như: Giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, sắt thép, chất đốt… tăng cao đang gây áp lực lên lạm phát tại nhiều quốc gia. Hoạt động thương mại toàn cầu duy trì đà tăng trưởng nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn do căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc và các đối tác lớn khác như Liên minh châu Âu, Nhật Bản. Xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của các nước lớn, đặc biệt là những thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ,đã tác động đến sản xuất và xuất khẩu của nhiều nước trên thế giới.
(ii) Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.Việc áp dụng các công nghệ trên phạm vi toàn cầu có thể làm gia tăng đáng kể sự kết nối của chuỗi giá trị toàn cầu và mở ra các mô hình kinh doanh mới. Hơn nữa, sự kết hợp công nghệ mới với kỹ năng của con người có thể làm tăng năng suất, đồng thời tạo ra các công việc mới và tăng nhu cầu về lao động kỹ năng.
(iii) Bất bình đẳng xã hội là mầm mống của chủ nghĩa khủng bố, gây mất ổn định xã hội, là căn nguyên của chủ nghĩa dân túy.Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, sự phát triển thương mại, đầu tư và tài chính theo chiều hướng “xóa nhòa biên giới quốc gia” là sự bùng nổ khoa học kỹ thuật, phương thức vận chuyển và thông tin xuyên biên giới. Tuy nhiên, tình trạng bất hợp lý trong phân bổ lợi ích kinh tế giữa các quốc giam, giữa các khu vực, tầng lớp, thành phần xã hội đã kéo theo sự bất bình đẳng xã hội, gia tăng khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội; tình trạng đói nghèo, trình độ dân trí thấp, bất mãn trong xã hội, mất niềm tin vào tương lai đã đẩy các thanh niên nghèo trong các môi trường cực đoan dễ dàng tin theo sự dẫn dụ của các tổ chức khủng bố, các tổ chức tội phạm. Chính những yếu tố này vô tình tạo điều kiện cho những hoạt động khủng bố diễn ra thuận lợi hơn. Mục tiêu của chủ nghĩa khủng bố chủ yếu là tạo nên sự hoảng loạn, sợ hãi và cảnh giác cao độ trong dân chúng. Đây chính là nhân tố thúc đẩy trào lưu chủ nghĩa dân túy ở một số quốc gia, khu vực.
(2) Đề tài cũng chỉ ra những tác động đối với Việt Nambao gồm:
(i) Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế trong quá trình mở cửa và hội nhập với kinh tế thế giới nhờ đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, tích cực tham gia mạng lưới các FTA đa tầng nấc. Đối với Việt Nam, xuất khẩu là động lực đối với tăng trưởng kinh tế, trong khi đó nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung các nhu cầu thiết yếu trong nước và nguồn cung cấp nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu.Do đó, xu hướng mới về hội nhập quốc tế cũng như sự điều chỉnh chính sách kinh tế của các nước lớn sẽ tác động cả tích cực lẫn tiêu cực.
(ii) Hoạt động xuất - nhập khẩu của Việt Nam có thể bị giảm sút. Với chính sách hướng về nội địa, bảo vệ sản xuất trong nước, khả năng xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc có thể lan rộng ra nhiều khu vực. Trong khi đó hiện Hoa Kỳ nhập siêu hơn 32 tỷ USD từ Việt Nam trong năm 2017, đứng thứ 5 trong các đối tác nhập khẩu của Hoa Kỳ. Do đó, Việt Nam có thể bị liệt vào danh sách các nước bị theo dõi và có các chính sách thuế quan, phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Trong trường hợp nếu có các xung đột leo thang và xảy ra tranh chấp thương mại dẫn tới việc Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp thuế quan đối với Việt Nam, thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn.
(iii) Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ bị suy giảm, thậm chí chảy ra ngoài Việt Nam. Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ khuyến khích các doanh nghiệp Hoa Kỳ quay về đầu tư trong nước thông qua việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp có thể thúc đẩy các tập đoàn lớn rút vốn khỏi Việt Nam hoặc xem xét lại kế hoạch mở rộng sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam, do đó sẽ tác động đến khả năng tiếp cận vốn, công nghệ hiện đại của Việt Nam.
Dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ sụt giảm mạnh và thị trường tài chính trong nước sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn. Bảo hộ thương mại, sự gia tăng về quy mô và mức độ xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
(iv) Xu hướng đồng USD lên giá sẽ gây sức ép tới dòng vốn đầu tư gián tiếp chảy khỏi thị trường các nước phát triển, trong đó có Việt Nam, gây sức ép đến điều hành tỷ giá, dự trữ ngoại hối và nợ công, đặc biệt trong bối cảnh nợ công đang “chạm trần” và phần lớn các khoản nợ của Việt Nam là bằng đồng USD. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút vốn khỏi những thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, bởi lo ngại về đồng tiền mất giá.
(3) Đề tài cũng đưa ra kết luận và khuyến nghị đối sách đối với Việt Nam.
Trong bối cảnh xuất hiện xu hướng mới về hội nhập kinh tế quốc tế như đã phân tích ở trên, cùng với những nhân tố mới biến động khó lường, Việt Nam cần có tầm nhìn và đối sách phù hợp. Theo đócần kiên định thực hiện mục tiêu phát triển bền vững với sự phát triển hài hòa trên ba trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường. Tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế, coi đây là trụ cột chính thúc đẩy sự phát triển toàn diện; chú trọng nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất của doanh nghiệp trong nước, đồng thời không đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế; quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước.
Việt Nam cần thích nghi với bối cảnh và xu hướng mới đang định hình trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đó là: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”.Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; ủng hộ xu hướng toàn cầu hóa, đa phương hóa, tự do hóa thương mại, đồng thời chủ động đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại song phương phù hợp với lợi ích của Việt Nam; tăng cường phối hợp, hợp tác với các nền kinh tế để xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu thông qua các diễn đàn, cơ chế hợp tác đa phương. Thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, chủ động tham gia xây dựng và thực thi các quy tắc, pháp luật quốc tế, xây dựng lòng tin và thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, qua đó xây dựng vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cần được đẩy mạnh hơn nữa. Theo đó, hệ thống pháp luật cần được đảm bảo tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; đảm bảo cho nền kinh tế nước ta có khả năng chống chịu, ít bị tổn thương trước các cú sốc của kinh tế - tài chính thế giới, có khả năng ứng phó với những biến động quốc tế phức tạp, khó lường. Cần nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường; bảo đảm tính đồng bộ giữa các bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường, các yếu tố thị trường và các loại thị trường; gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội trong từng chính sách phát triển và bảo vệ môi trường.
Điều hành vĩ mô cần chủ động, tích cực, xử lý hài hòa những vấn đề có tính chất tình huống và những vấn đề mang tính chiến lược. Theo đó, công tác điều hành chính sách tài khóa cần tiếp tục được thực hiện theo hướng chặt chẽ, tăng cường kỷ luật tài chính. Việcthực hiện chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công cần được đẩy mạnh để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; công tác điều hành chính sách tiền tệ cần được tiếp tục theo hướng thận trọng và linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ giá cần tiếp tục điều hành linh hoạt, bám sát với diễn biến thị trường trong và ngoài nước.
Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đối với vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo công bằng xã hội, tạo sự đồng thuận trong xã hội để phát triển bền vững.Để thực hiện công bằng xã hội, tài chính là công cụ điều tiết, phân phối lại thu nhập trong xã hội. Chính sách tài khóa là công cụ hữu hiệu để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và thu hẹp bất bình đẳng trong xã hội. Thông qua chính sách thu, chi, tài khóa có thể làm thay đổi thu nhập khả dụng cũng như thay đổi thu nhập tương lai của hộ gia đình và cá nhân. Bằng chính sách tài khóa, Nhà nước đảm bảo quyền tiếp cận các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu (y tế, giáo dục…) cho mọi người dân; đồng thời có chính sách huy động nguồn lực xã hội (xã hội hóa) để nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân; đảm bảo cho người dân được hưởng thành quả của phát triển, không ai bị bỏ rơi, gạt ra ngoài lề xã hội.