- Đơn vị chủ trì: Ban Phát triển thị trường tài chính
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Hà Thị Đoan Trang
- Năm giao nhiệm vụ: 2018/Mã số: 2018-18
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Phát triển công khai, minh bạch thị trường chứng khoán (TTCK) luôn là mục tiêu hàng đầu của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, thông tin là một trong những nhân tố quan trọng nhất, giúp các nhà đầu tư đến được với các doanh nghiệp, quá trình đầu tư và huy động vốn diễn ra nhịp nhàng. Thông tin trên thị trường nếu được công bố một cách công khai và minh bạch sẽ đảm bảo sự công bằng giữa các nhà đầu tư, giúp họ đưa ra quyết định đầu tư chính xác, từ đó thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường, các doanh nghiệp huy động được nhiều vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế.
Đối với các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK, việc công bố thông tin công khai và minh bạch theo các quy định của pháp luật cũng là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Do đó, từ khi TTCK Việt Nam được thành lập đến nay, cơ quan quản lý luôn chú trọng hoàn thiện các chính sách pháp luật, giúp TTCK phát triển lành mạnh và minh bạch, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Nhìn chung, hệ thống pháp luật trên TTCK Việt Nam nói chung, cũng như các quy định về công bố thông tin nói riêng ngày càng hoàn thiện theo những thông lệ quốc tế tốt, đã có những tác động tích cực tới sự phát triển của TTCK, thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết nâng cao ý thức, trách nhiệm với nhà đầu tư thông qua việc hoàn thiện các yêu cầu về quản trị công ty, cũng như những quy định liên quan đến công khai thông tin trên thị trường.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp niêm yết, tổ chức kinh doanh chứng khoán… đã có nhiều tiến bộ trong việc tuân thủ nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin. Điểm số về minh bạch của TTCK Việt Nam ngày càng được cải thiện và được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá tích cực. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng hạng TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, khi so sánh với các nước trong khu vực, vấn đề công khai và minh bạch trên TTCK Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nhóm tác giả chọn đề tài “Phát triển công khai, minh bạch TTCK Việt Nam: So sánh với một số nước trong khu vực và khuyến nghị chính sách” nhằm đưa ra các khuyến nghị, giải pháp để hoàn thiện khung pháp lý nói chung, góp ý sửa đổi Luật Chứng khoán nói riêng, hướng tới phát triển TTCK ngày càng công khai, minh bạch theo thông lệ quốc tế tốt.
2. Mục tiêu nghiên cứu
(i) Nghiên cứu khung pháp lý phát triển công khai, minh bạch TTCK.
(ii) Nêu phương pháp đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch bằng phương pháp thẻ điểm dựa vào các tiêu chí của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
(iii) Nghiên cứu và so sánh với các nước trong khu vực bằng điểm số dựa vào phương pháp thẻ điểm.
(iv) Đề xuất giải pháp phát triển công khai, minh bạch TTCK Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Tính công khai, minh bạch của các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu:
Về không gian: TTCK Việt Nam và TTCK một số nước trong khu vực.
Về thời gian: Giai đoạn 2013 - 2017.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Về cơ sở lý thuyết về phát triển công khai minh bạch trên TTCK.
Công khai thông tin là một trong những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của TTCK. Nguyên tắc công khai thông tin được hiểu là các định chế, các tổ chức tham gia thị trường phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực, kịp thời những thông tin liên quan đến tình hình hoạt động của mình hoặc của thị trường cho các nhà đầu tư, nghĩa là phải thực hiện công bố thông tin. Minh bạch thông tin là việc công bố thông tin kịp thời và đáng tin cậy, cho phép người sử dụng thông tin có thể đánh giá chính xác về tính hiệu quả và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các quyết định kinh tế tối ưu của mình. Trong đó, minh bạch hóa thông tin của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán là việc đảm bảo cho thông tin được công bố đầy đủ, kịp thời và đáng tin cậy, công chúng có thể dễ dàng tiếp cận.
(2) Đánh giá, phân tích thực trạng phát triển công khai minh bạch TTCK Việt Nam hiện nay.
(i) Tính kịp thời, đầy đủ của thông tin được công bố. Nhìn chung, doanh nghiệp có xu hướng thực hiện tốt việc công bố đầy đủ và kịp thời các thông tin cơ bản với tỷ lệ khá cao (số lượng doanh nghiệp công bố đầy đủ và kịp thời báo cáo tài chính, báo cáo thường niên và báo cáo quyết toán năm 2016 lần lượt là 65%, 70%, 93% và 84%). Bộ đạo đức nghề nghiệp có tỷ lệ công bố thấp, do đây là tiêu chí mang tính chất thông lệ, chưa được quy định tại các văn bản pháp lý. Website vẫn chưa được các doanh nghiệp chú trọng như một kênh hiệu quả để phổ biến thông tin đến nhà đầu tư, khi tỷ lệ doanh nghiệp công bố thông tin trên website thấp hơn nhiều so với việc công bố thông tin cho các cơ quan quản lý.
(ii) Trách nhiệm giải trình thông tin tài chính. Thực tế cho thấy, số lượng doanh nghiệp không phải thực hiện giải trình (ý kiến kiểm toán chấp thuận toàn phần) là khá cao. Ngoài ra, phí kiểm toán cũng là thông tin mà cổ đông rất quan tâm nhưng chưa được bất kỳ doanh nghiệp nào công bố. Điều này cho thấy thông tin tài chính liên quan đến báo cáo tài chính là nguồn thông tin được các doanh nghiệp niêm yết đặc biệt chú trọng công bố đầy đủ và chất lượng cho thị trường, trong khi đó việc công bố thông tin báo cáo tài chính giữa năm hay phí kiểm toán thì chưa được các doanh nghiệp quan tâm.
(iii) Công bố thông tin về cơ cấu sở hữu cổ phần. Hiện chỉ có 67% doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin về sở hữu từng thành viên của cả 3 ban: Hội đồng quản trị; Ban kiểm soát và Ban giám đốc/Tổng giám đốc; 13,4% chỉ cung cấp thông tin của 2 trong 3 ban trên và 19,1% chỉ cung cấp 1 ban hoặc không công bố. Đối với thông tin về cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp, kết quả ghi nhận sự tuân thủ thấp khi chỉ có 18,5% doanh nghiệp công bố đầy đủ theo đúng quy định (theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX năm 2017).
(iv) Công bố thông tin về tính độc lập của thành viên Hội đồng quản trị. Một trong những tiêu chí quan trọng của Hội đồng quản trị là cần đảm bảo tính độc lập của các thành viên để quá trình ra quyết định không bị ảnh hưởng bởi các xung đột lợi ích tiềm ẩn. Xuất phát từ ý nghĩa trên, mẫu Báo cáo thường niên đính kèm Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 06/10/2015 quy định doanh nghiệp phải công bố rõ ràng tính độc lập của các thành viên Hội đồng quản trị cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có ít doanh nghiệp tuân thủ quy định này và có xu hướng giảm so với những năm trước.
(v) Công bố thông tin về thù lao, lương thưởng. Tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ việc công bố lương, thưởng, thù lao, các khoản lợi ích khác và chi phí do doanh nghiệp thanh toán cho từng thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát chưa cao nhưng cũng đã có sự cải thiện hơn so với năm trước, với tỷ lệ lần lượt là 65,5% và 65,8% doanh nghiệp thực hiện công bố chi tiết từng thành viên (năm trước chỉ đạt 61 - 62%). Tuy nhiên, việc công bố lương, thưởng, thù lao, các khoản lợi ích khác và chi phí do doanh nghiệp thanh toán cho các thành viên trong Ban Giám đốc/Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng chưa được thực hiện tốt, với tỷ lệ 75,5% doanh nghiệp không thực hiện công bố thông tin cho Kế toán trưởng và 49% đối vớ thành viên Ban Giám đốc/Tổng Giám đốc (HNX 2017, Báo cáo Công bố thông tin và minh bạch).
(vi) Tình trạng vi phạm chế độ công bố thông tin. Trong thời gian qua, các vi phạm về minh bạch thông tin, cụ thể là vi phạm về báo cáo và công bố thông tin, đã giảm trong tổng số các vi phạm hành chính trên TTCK. Tỷ trọng vi phạm về minh bạch hóa thông tin trong tổng vi phạm giảm từ 86,7% trong năm 2013 xuống còn 60,7% trong năm 2016, tuy nhiên lại có dấu hiệu tăng trở lại vào năm 2018.
Thực trạng công khai thông tin và minh bạch trên TTCK đã được cải thiện đáng kể, nhưng tình trạng vi phạm về công bố thông tin vẫn luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng số vi phạm. Mặc dù hệ thống luật pháp đã dần được hoàn thiện theo thông lệ quốc tế tốt nhưng tính tuân thủ của các doanh nghiệp niêm yết chưa cao, do đó tính công khai và minh bạch trên TTCK Việt Nam còn ở mức thấp và cần được cải thiện.
(3) Đề tài đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong khu vực ASEAN về phát triển công khai, minh bạch TTCK cho thấy, điểm số của các nước hầu hết đều ở mức khá và cao hơn Việt Nam, chủ yếu do hệ thống luật pháp đồng bộ với các chế tài đủ mạnh, nghiêm minh và tính tự nguyện tuân thủ luật pháp của các doanh nghiệp niêm yết rất cao. Qua đó đề tài đã đúc rút một số bài học cho Việt Nam như sau:
(i) Cần xây dựng một hệ thống luật pháp đồng bộ, trong đó phải luật hóa các nguyên tắc và có chế tài cưỡng chế thực thi đầy đủ, nhằm đảm bảo thực thi một cách hiệu quả các thông lệ về công bố thông tin và minh bạch trên TTCK.
(ii) Cần xây dựng một Bộ luật Quản trị công ty theo thông lệ quốc tế tốt, do trên thực tế một TTCK tôn trọng những quy tắc về quản trị công ty sẽ kéo theo một chế độ công bố thông tin và minh bạch hiệu quả, giúp TTCK phát triển lành mạnh và an toàn (như trường hợp của Thái Lan và Singapore).
(iii) Cần xây dựng riêng một bộ chỉ số đánh giá công khai thông tin và minh bạch trên thị trường, dựa vào những bộ chỉ số đã có sẵn của OECD, Ngân hàng Phát triển châu Á (như trường hợp của Singapore và Thái Lan), nhằm tự đánh giá mức độ công bố thông tin và minh bạch để có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
(iv) Các chuẩn mực về kế toán, kiểm toán phải cao và được quốc tế chấp nhận.
(v) Cần xây dựng báo cáo môi trường và trách nhiệm cộng đồng như là một phần của việc xây dựng chiến lược của doanh nghiệp, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng, của nền kinh tế nói chung.
(vi) Cơ quan quản lý cần tăng cường các quy định về công bố thông tin và minh bạch theo thông lệ quốc tế đối với các định chế tài chính quan trọng (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ) và các công ty đại chúng nhằm bảo vệ nhà đầu tư, duy trì đạo đức thị trường.
(4) Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá thực trạng và nhận diện các thách thức trong phát triển công khai minh bạch TTCK tại Việt Nam, đề tài đề xuất một số giải pháp đối với phát triển công khai minh bạch TTCK tại Việt Nam, cụ thể là: (i) Hoàn thiện các quy định pháp luật về công bố thông tin trên TTCK; (ii) Xây dựng bộ chỉ số minh bạch thông tin đối với công ty niêm yết và hoàn thiện phương tiện công bố thông tin; (iii) Thành lập tổ chức (Viện/Trung tâm) đào tạo cấp chứng chỉ về quản trị công ty; (iv) Tăng cường công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, đảm bảo tính kỷ luật và lòng tin của thị trường; (v) Nhà nước cần sớm có lộ trình áp dụng các tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS, IAS) vào Tiêu chuẩn Kế toán Việt Nam; (vi) Nâng cao chất lượng quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết.