- Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách Tài chính doanh nghiệp
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Lê Minh Hương
- Năm giao nhiệm vụ: 2018/Mã số: 2018-15
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Khái niệm "phát triển bền vững (PTBV)" xuất hiện trong phong trào bảo vệ môi trường từ những năm đầu của thập niên 70 của thế kỷ 20. Năm 1987, trong Báo cáo "Tương lai chung của chúng ta" của Hội đồng Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) của Liên hợp quốc, "phát triển bền vững" được định nghĩa "là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau". Phát triển bền vững đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, là xu thế tất yếu của thời đại, trong đó doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò tích cực trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Cũng như các quốc gia trên thế giới, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) ở Việt Nam có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và là một nhân tố góp phần phát triển bền vững nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế trong giai đoạn vừa qua, sự phát triển của khu vực này có yếu, chủ yếu dựa trên lợi thế vốn và lao động, trình độ khoa học công nghệ thấp, khả năng cạnh tranh kém, đóng góp vào phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Sự phát triển của khu vực KTTN Việt Nam thời gian qua được đánh giá là chưa thực sự bền vững. Vì vậy, việc nghiên cứu luận cứ xác định chỉ tiêu đánh giá sự phát triển bền vững khu vực kinh tế tư nhân là cần thiết và có ý nghĩa về mặt thực tiễn nhằm góp phần tạo dựng khung lý luận để đánh giá đầy đủ về quá trình PTBV của khu vực KTTN.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Đưa ra được các căn cứ về mặt lý luận trong việc xác định các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Chỉ tiêu đánh giá sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân trong đó tập trung vào đối tượng doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN.
- Tập trung xem xét các tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân về mặt lý thuyết, nghiên cứu thực nghiệm và kinh nghiệm các nước
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Những kết quả đạt được, những mặt tích cực
PTBV là sự phát triển ổn định, liên tục, lâu dài vừa nhằm đáp ứng những nhu cầu hiện tại, vừa không làm tổn hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai trên cơ sở đảm bảo 03 trụ cột là bền vững về kinh tế - tài chính, bền vững về môi trường, bền vững về xã hội.
Phát triển bền vững khu vực KTTN được đặt ra trong khuôn khổ quan niệm về phát triển bền vững một quốc gia có chú ý đến những yếu tố đặc thù khu vực KTTN. Vì vậy, xuất phát từ nội hàm về PTBV cũng như thông qua các nghiên cứu thực nghiệm, nội hàm PTBV khu vực KTTN cũng sẽ bao hàm 02 khía cạnh: (1) PTBV khu vực KTTN là sự phát triển ổn định và lâu dài trong hoạt động sản xuất kinh doanh; (2) PTBV khu vực KTTN phải gắn phát triển sản xuất kinh doanh với việc thực hiện trách nhiệm xã hội và môi trường.
Đối với chỉ tiêu đánh giá sự phát triển bền vững khu vực KTTN: nghiên cứu chia các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển bền vững của khu vực KTTN thành 02 nhóm dựa trên 02 giác độ: (1) giác độ của các tổ chức với các bộ chỉ số như bộ chỉ số trong báo cáo bền vững của GRI, bộ chỉ số bền vững Dow Jone, Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) 14001: 2004;… Đây là những công cụ được sử dụng phổ biến trên thế giới để đánh giá tính bền vững của doanh nghiệp; (2) giác độ nghiên cứu hàn lâm với các mô hình đo lường, báo cáo và đánh giá hiệu suất bền vững như hệ thống báo cáo và đánh giá bền vững SERS, mô hình trưởng thành bền vững, lưới bền vững doanh nghiệp và bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững.
Về mặt thực trạng, những kết quả đạt được trong PTBV khu vực KTTN xét về mặt kinh tế đó là có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng doanh nghiệp cũng như nguồn vốn, hiệu quả hoạt động có nhiều cải thiện, khu vực KTTN ngày càng đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế; về mặt xã hội đó là tạo việc làm và đảm bảo đời sống cho người lao động thể hiện qua số lượng việc làm được tạo ra và thu nhập của người lao động khu vực KTTN đang tăng lên; về mặt môi trường đó là nhận thức doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN trong việc sử dụng công nghệ và sản phẩm thân thiện với môi trường đang có xu hướng cải thiện, các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm đến việc tiết kiệm điện và tài nguyên, hệ thống xử lý chất thải rắn và nước thải đã được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, đặc biệt là các khu công nghiệp.
(2) Một số tồn tại, vướng mắc
Xét về thực trạng phát triển bền vững khu vực KTTN: Bên cạnh một số kết quả đạt được, sự phát triển của khu vực KTTN vẫn được đánh giá là chưa thực sự bền vững thể hiện ở các mặt sau: (i) về kinh tế đó là tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, quy mô ngày càng thu nhỏ và cơ cấu ngành nghề bất hợp lý, năng lực tài chính của khu vực KTTN yếu và chưa có nhiều cải thiện, tình trạng vi phạm các quy định về đăng ký kinh doanh, thuế trong khu vực KTTN vẫn còn phổ biến; (ii) về xã hội đó là các chế độ, chính sách đối với người lao động như chế độ BHXH, ATVSLĐ vẫn chưa được các doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN thực hiện nghiêm túc, hầu hết các chủ thể thuộc khu vực KTTN chưa quan tâm đến các hoạt an sinh xã hội và các chương trình từ thiện, tỷ lệ các doanh nghiệp công khai minh bạch thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các hoạt động liên quan đến môi trường, xã hội còn thấp; (iii) về môi trường, các doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN chưa quan tâm nhiều đến bảo vệ môi trường, chưa thực hiện tốt trách nhiệm xã hội về bảo vệ môi trường, doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chưa quan tâm đầu tư cho sản xuất xanh, đầu tư đổi mới khoa học công nghệ trong doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN còn hạn chế,…
Xét về bộ chỉ tiêu: Hiện tại các bộ chỉ tiêu đánh giá ở Việt Nam mới chỉ dừng lại đánh giá ở cấp độ vi mô và tập trung vào đối tượng là doanh nghiệp thuộc mọi loại hình, quy mô.
(3) Những giải pháp, kiến nghị
Trên cơ sở phân tích thực trạng nghiên cứu đề ra 06 khuyến nghị để xây dựng chỉ tiêu đánh giá sự phát triển bền vững khu vực KTTN, cụ thể:
Một là, cần thiết xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững khu vực KTTN riêng cho khu vực này ở Việt Nam.
Hai là, việc xây dựng và lựa chọn các chỉ tiêu trong bộ chỉ tiêu đánh giá sự phát triển bền vững khu vực KTTN ở Việt Nam cần mang tính toàn diện nhằm thấy được điểm mạnh, điểm yếu, những lỗ hổng trong hoạt động sản xuất kinh doanh để khoanh vùng và có hướng xử lý; người lao động cũng như các cổ đông, nhà cung cấp, khách hàng và xã hội nắm bắt được được thực trạng và xu thế phát triển của doanh nghiệp để có những quyết định về đầu tư (tiền bạc, công sức); các nhà quản lý có thể nhìn nhận, đánh giá mức độ phát triển bền vững của khu vực này, có thể xem xét khu vực này đang yếu ở khâu nào, ngành nào để có những định hướng hỗ trợ phù hợp.
Ba là, việc xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá sự phát triển của khu vực KTTN cần phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau:
[1] Bộ chỉ tiêu PTBV khu vực KTTN là Bộ chỉ tiêu xây dựng theo chủ đề. Vì vậy, trong các chủ đề chính cần phải chia ra các chủ đề nhánh cho phù hợp với đặc trưng của khu vực KTTN.
[2] Các chỉ tiêu được lựa chọn phải có tính liên kết với các nội dung của phát triển bền vững khu vực KTTN; phải mang tính điển hình.
[3] Việc xác định, lựa chọn từng chỉ tiêu để đưa vào bộ chỉ số đánh giá sự phát triển bền vững khu vực KTTN phải bảo đảm theo nguyên tắc SMART.
[4] Các chỉ tiêu bước đầu nên tập trung vào tài khoản mà thông tin đầu vào hoặc có sẵn hoặc có thể thu thập được trong tương lai và mang tính dài hạn dựa trên cơ sở hệ thống thống kê của Việt Nam.
[5] Các chỉ tiêu được lựa chọn phải có phương pháp luận, tính toán đã rõ ràng và thống nhất. Về cấu trúc chỉ tiêu đánh giá gồm: khái niệm, công thức tính, phương pháp tính, nguồn số liệu để tính, mức độ đánh giá chỉ tiêu, ý nghĩa của mỗi chỉ tiêu và mối tương quan giữa các chỉ tiêu trong bộ chỉ tiêu...
[6] Bảo đảm tính khả thi, thống nhất với các hệ thống chỉ tiêu khác.
Bốn là, việc xây dựng các chỉ tiêu đánh giá cần đảm bảo một số yêu cầu cụ thể: (i) đối với các chỉ tiêu liên quan đến tính bền vững về kinh tế cần lựa chọn các chỉ tiêu thể hiện hiệu quả sản xuất kinh doanh (doanh thu, lợi nhuân) trong dài và các chỉ tiêu thể hiện khả năng kiểm soát, chịu đựng, chống đỡ, xử lý rủi ro để tồn tại an toàn và phát triển (như các chỉ tiêu liên quan đến nợ, đòn bẩy tài chính); (ii) các chỉ tiêu liên quan đến tính bền vững về xã hội cần lựa chọn các chỉ tiêu thể hiện về mặt tuân thủ các quy định pháp lý và đạo đức kinh doanh đối với các bên liên quan và xã hội; (iii) các chỉ tiêu liên quan đến tính bền vững về môi trường phải thể hiện được những nỗ lực của các chủ thể thuộc khu vực KTTN trong việc giảm sự tác động của các hoạt động sản xuất kinh doanh đến môi trường như hệ thống xử lý môi trường, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất,...
Năm là, nghiên cứu khuyến nghị một số chỉ tiêu mang tính điển hình, được sử dụng trong hầu hết các bộ chỉ tiêu đánh giá gồm: (i) tính bền vững về sản xuất kinh doanh tập trung vào các chỉ tiêu về mức độ phát triển số lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (doanh thu, lợi nhuận, năng suất lao động, tỷ suất lợi nhuận, đòn bẩy tài chính); (ii) tính bền vững về xã hội tập trung vào các chỉ tiêu về mức độ phát triển về lao động (số lao động thực tế làm việc, trình độ lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động theo giới,…); (iii) tính bền vững về môi trường tập trung vào các chỉ tiêu như tình hình đầu tư phát triển khoa học công nghệ, các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường (đất, nước, không khí, chất thải và đa dạng sinh học).
Sáu là, trên nền tảng lý luận về PTBV cũng như PTBV khu vực KTTN, nghiên cứu khuyến nghị 03 hướng để tiếp cận và xây dựng các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển bền vững của khu vực KTTN. Các cách tiếp cận này phụ thuộc vào mục đích quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể:
[1] Hướng thứ nhất: Tiếp cận ở góc độ vi mô (doanh nghiệp), sử dụng các bộ chỉ số đánh giá sự phát triển doanh nghiệp để xây dựng một bộ chỉ số đánh giá riêng cho các doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN. Theo cách tiếp cận này, việc xây dựng bộ chỉ số sẽ mang tính cụ thể tương tự bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI do Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) xây dựng và thực hiện đánh giá, xếp loại và trao giải doanh nghiệp bền vững từ năm 2016 đến nay. Tuy nhiên, nghiên cứu cho rằng không nên sử dụng bộ chỉ số của CSI để đánh giá mà cần xây dựng bộ chỉ số riêng bởi lẽ (i) bộ chỉ số CSI của VBCSD có hệ thống chỉ tiêu tương đối lớn (trên 100 chỉ tiêu); (ii) các chỉ tiêu thể hiện dưới bảng hỏi và không có “ngưỡng” nên việc đánh giá do hội đồng của VBCSD đánh giá, doanh nghiệp không chủ động xác định được xem mình đang yếu ở đâu, cần phải khắc phục đến mức nào,…
[2] Hướng thứ hai: Tiếp cận từ trên xuống. Đây là cách tiếp cận ở góc độ vĩ mô - cơ quan quản lý. Theo cách này, bộ chỉ số sẽ mang tính tổng quát và được tính toán thông qua các số liệu mang tính tổng hợp. Bộ chỉ số này tương tự bộ chỉ số phát triển bền vững quốc gia nhưng lại mang tính chủ đề (cho một ngành/lĩnh vực/khu vực cụ thể trong nền kinh tế).
[3] Hướng thứ ba: Tiếp cận tích hợp. Theo cách tiếp cận này, bộ chỉ số sẽ được xây dựng dựa trên nền tảng kết hợp hài hòa giữa hai cách tiếp cận trên.