- Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách Tài chính doanh nghiệp
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Phạm Thị Tường Vân
- Năm giao nhiệm vụ: 2018/ Mã số: 2018-13
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Quản trị doanh nghiệp (QTDN) là một chủ đề dành được nhiều sự quan tâm của cả các học giả, quản lý nhà nước và các nhà doanh nghiệp, đặc biệt sau sự sụp đổ của nhiều công ty lớn ở Mỹ và Anh như Worldcom, Enron và Arthur Andersen…Tại châu Á, người ta cho rằng QTDN yếu kém là một trong những lý do chính dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997. Ở Việt Nam, QTDN đang là vấn đề được nhắc đến nhiều trong các cuộc thảo luận và trong nghị quyết của Đảng, Nhà nước, đặc biệt khi chính phủ cam kết thúc đẩy mạnh cải cách các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hay còn gọi là “cổ phần hóa”. Một trong những yếu tố quan trọng của cải cách DNNN là minh bạch hóa tài chính và tính trách nhiệm của nguyên lý quản trị hiệu quả để nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này và thu hút đầu tư nước ngoài. Mặt khác, QTDN được xem như một chất xúc tác trong dài hạn để thay đổi tư duy kinh doanh người Việt Nam, qua đó đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của các nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao khả năng hội nhập nền kinh tế toàn cầu. Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể trong hoạt động QTDN, đặc biệt là QTDN của các công ty niêm yết. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá của Diễn đàn các thị trường vốn ASEAN, chất lượng QTDN của Việt Nam đứng ở mức thấp nhất, trong khi, điểm trung bình QTDN của Thái Lan cao nhất trong khu vực. Mặc dù Việt Nam cũng áp dụng bộ Quy tắc QTDN của OECD từ rất sớm, nhưng với kết quả đánh giá như trên cho thấy cần thiết phải có nghiên cứu để xem xét mức độ áp dụng bộ Quy tắc QTDN của OECD tại Việt Nam, đặc biệt đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư. Từ đó hoàn thiện và xây dựng một bộ Quy tắc QTDN quốc gia của Việt Nam phù hợp với đặc điểm, tình hình doanh nghiệp của Việt Nam và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực QTDN hướng đến phát triển bền vững.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Mức độ áp dụng các Quy tắc QTDN của OECD đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước ở Việt Nam;
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu bộ Quy tắc QTDN của OECD (Bộ Quy tắc QTDN G20/OECD, Hướng dẫn QTDN đối với DNNN); kết hợp tiêu chí đánh giá trong Thẻ điểm QTDN của ASEAN 2017-2018 để xem mức độ áp dụng bộ Quy tắc QTDN của OECD đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện hành. Trong đó, đối tượng doanh nghiệp được xem xét, phân tích là các doanh nghiệp có vốn nhà nước (phi tài chính). Bên cạnh phân tích tổng thể, đề tài sử dụng nghiên cứu thực chứng với 06 doanh nghiệp có vốn Nhà nước (Tập đoàn Dệt May, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty 36 Bộ Quốc phòng, Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng, tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn).
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Xuất phát từ sự cần thiết và mục tiêu nghiên cứu, đề tài đã khái quát một số nội dung đánh giá việc áp dụng quy tắc QTDN bao gồm các khái niệm về QTDN, vai trò của QTDN. Đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước, có nhiều đặc điểm riêng do đó QTDN trong các doanh nghiệp này cũng có nhiều khác biệt (có đối tượng chủ sở hữu khá trừu tượng là đại diện Nhà nước; các doanh nghiệp có vốn nhà nước thường phải thực hiện cả nhiệm vụ phi lợi nhuận, nhiệm vụ chính trị bên cạnh mục tiêu lợi nhuận; tính minh bạch trong thông tin của các doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng yếu hơn so với DNTN; tính phức tạp trong vấn đề đại diện vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp có vốn nhà nước).
(2) Mặc dù có đặc điểm riêng nhưng nhìn chung các doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng có thể tham gia huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Do đó về cơ bản các doanh nghiệp này sẽ cần đảm bảo thực hiện các Quy tắc QTDN của OECD và các Hướng dẫn của OECD về QTDN trong DNNN.
(3) Về thực trạng các quy tắc QTDN của OECD đã được thể hiện trong các quy định liên quan đến công ty cổ phần được quy định rất cụ thể trong Luật doanh nghiệp (2014) và Luật Chứng khoán (hợp nhất năm 2013), Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13). Kết quả mức độ tiếp cận Quy tắc QTDN của OECD đối với doanh nghiệp Việt Nam cho thấy những nỗ lực của Việt Nam từ chính phủ đến các doanh nghiệp trong việc xây dựng các Quy tắc QTDN. Đánh giá tổng thể các doanh nghiệp luôn tuân thủ các quy định trong khung pháp luật về QTDN được ban hành, qua đó đã phần nào phù hợp theo Quy tắc QTDN của OECD. Theo báo cáo Thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN năm 2015 – 2016 cho thấy Việt Nam đã từng bước được cải thiện về QTDN ở tất cả các lĩnh vực QTDN so với năm trước đó, kết quả này cũng khá tương đồng với kết quả mà tác giả thực hiện trên một số trường hợp nghiên cứu thực chứng.
(4) Bên cạnh những kết quả đạt được, đề tài cũng đã phân tích và chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, cụ thể: (i) Chưa đáp ứng tốt Quy tắc “đối xử công bằng với các cổ đông và các nhà đầu tư” trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước là công ty đại chúng; (ii) Quy tắc quan hệ với các bên có quyền lợi liên quan ở mức tuân thủ thấp; (iii) Chất lượng thông tin công bố chưa đảm bảo; (iv) Trách nhiệm của HĐQT trong DNNN còn nhiều hạn chế.
(5) Đề tài đã đề xuất một số kiến nghị:
(i) Làm rõ các vấn đề liên quan đến sở hữu của Nhà nước: Cần quy định rõ mục tiêu, lý do Nhà nước phải sở hữu các DNNN; cần xây dựng một Bộ chuẩn mực cao, chung nhất về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với các lý do liên quan đến sở hữu của Nhà nước đưa ra, đồng thời các mục tiêu đó cần mang tính ổn định, dài hạn, được rà soát, đánh giá và điều chỉnh theo giai đoạn. Xem xét, nghiên cứu và vận dụng bộ Quy tắc QTDN của OECD trong việc xây dựng một bộ Quy tắc QTDN quốc gia – như một chuẩn mực về QTDN áp dụng chung cho các doanh nghiệp, trong đó có các tiêu chí đánh giá năng lực QTDN của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong đó quy định rõ mức độ tuân thủ và giải trình đối với các tiêu chí liên quan đến mục tiêu vì lợi ích toàn dân và đảm bảo công khai, minh bạch, đối xử công bằng, cơ chế rõ ràng trong việc bù đắp chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện các mục tiêu công. Triển khai hoạt động của cơ quan quản lý vốn nhà nước để đảm bảo thực hiện tốt “Nhà nước đóng vai trò chủ sở hữu”.
(ii) Hoàn thiện khung pháp lý về QTDN: Đảm bảo quyền lợi của cổ đông, đối xử công bằng với cổ đông; đối với các bên có quyền lợi liên quan; bổ sung quy định về Quy tắc đạo đức, Quy tắc ứng xử đối với thành viên trong doanh nghiệp; bổ sung các quy định về công bố, xác nhận của thành viên HĐQT, TGĐ khẳng định về việc tuân thủ thực hành các Quy tắc QTDN tốt được quy định trong Điều lệ của doanh nghiệp, công bố về tính tuân thủ pháp luật, công bố khẳng định các vấn đề giao dịch của các bên liên quan đảm bảo phù hợp thông lệ thị trường. Đồng thời quy định việc công bố và cập nhật thường xuyên, kịp thời danh sách bên liên quan hàng năm trong BCTN; Bổ sung quy định về thành viên HĐQT độc lập nhằm giải quyết các xung đột giữa cổ đông và người quản lý điều hành công ty; cần hoàn thiện, sửa đổi bổ sung các quy định chưa phù hợp hoặc chưa đạt được đến Quy tắc QTDN của OECD mà có thể đáp ứng được ngay. Phát triển thị trường lao động dành cho nhà quản lý; Thúc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN.
(iii) Một số giải pháp khác: Xây dựng chế độ đãi ngộ, tạo động lực hợp lý: Dựa trên các kết quả nghiên cứu, có thể thấy rằng chế độ lương thưởng sẽ có tác động tích cực đến hiệu quả QTDN; minh bạch hóa thông tin: Để đạt được mục tiêu minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp; nới lỏng giới hạn về sở hữu nước ngoài; Tăng cường đào tạo cho các thành viên HĐQT của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, đặc biệt là các DNNN sau cổ phần hóa; Nâng cao nhận thức về ý nghĩa của QTDN cho các DNNN sau cổ phần hóa.
(iv) Lộ trình thực hiện giải pháp: hoàn thiện tất cả những vấn đề về khung pháp lý QTDN, trong đó tập trung vào rà soát, và hoàn thiện các quy định trong các văn bản Luật,… từ nay đến năm 2020.