Biện pháp phi thuế quan trong thương mại quốc tế và áp dụng tại Việt Nam

Biện pháp phi thuế quan trong thương mại quốc tế và áp dụng tại Việt Nam 25/02/2020 11:03:00 8855

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Biện pháp phi thuế quan trong thương mại quốc tế và áp dụng tại Việt Nam

25/02/2020 11:03:00

- Đơn vị chủ trì: Vụ Hợp tác quốc tế

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Vũ Nhữ Thăng

- Năm giao nhiệm vụ: 2017/Mã số: 2017-43

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Trong những thập kỷ trở lại đây, việc hình thành các thỏa thuận thương mại tự do ở cấp độ song phương, khu vực và đa phương, thuế quan đã giúp các bên tham gia thực hiện tích cực, hướng tới một thị trường thương mại quốc tế, trong đó hàng hóa và dịch vụ tự do di chuyển. Mức độ mở cửa thị trường ngày càng cao, thuế quan cắt giảm lớn, trong khi đó thì số lượng các biện pháp phi thuế quan (NTM) lại tăng nhanh. Đây được coi là một trong những nguyên nhân làm cản trở việc hội nhập sâu rộng vào hoạt động thương mại quốc tế của nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Các NTM được các nước sử dụng tương đối đa dạng và áp dụng trên tất cả các lĩnh vực thương mại quốc tế. Trong nhiều trường hợp, một số NTM có thể phù hợp với luật pháp quốc tế nhưng vẫn bị coi là có khả năng tác động gây hạn chế hoặc bóp méo thương mại hàng hóa và dịch vụ quốc tế.

Số lượng các NTM được đưa ra và áp dụng trong thương mại ngày càng gia tăng, trong khi các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về việc áp dụng các NTM thường không có sẵn, không được thu thập đầy đủ, thiếu tính hệ thống và ít có khả năng so sánh, đối chiếu xác minh, nên việc hiểu rõ về các biện pháp và nắm bắt các thông tin liên quan có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chính sách tự do hóa thương mại. Do đó, việc thực hiện nghiên cứu “Biện pháp phi thuế quan trong thương mại quốc tế và áp dụng tại Việt Nam” có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Nghiên cứu các NTM, thông qua các kiến nghị chính sách về các NTM trong xây dựng chính sách thương mại ở cấp độ đa phương, khu vực và song phương nhằm nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý, xây dựng và áp dụng các biện pháp này trong hệ thống chính sách thương mại Việt Nam.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Các NTM.

Phạm vị nghiên cứu: Thông lệ quốc tế (WTO, ASEAN, các quốc gia thuộc OECD) về việc áp dụng các NTM và thực trạng các NTM áp dụng tại Việt Nam.

4. Kết quả nghiên cứu:

Với mục tiêu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu trên, đề tài đã đúc rút các kết luận chính như sau:

(1) Đề tài đã khái quát được một số vấn đề cơ bản về các NTM như khái niệm, phân loại, quan hệ giữa các NTM và thuế quan. Theo đó, các NTM là các biện pháp chính sách, không phải là thuế quan thông thường, có khả năng tạo ra tác động kinh tế trên khía cạnh thương mại hàng hóa quốc tế, làm thay đổi khối lượng giao dịch thương mại hoặc làm giá cả hoặc cả hai yếu tố này. Các NTM thường được phân loại thành 3 nhóm và trong mỗi nhóm lại bao gồm nhiều dạng NTM khác nhau: (i) Nhóm các biện pháp kỹ thuật (biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại, kiểm tra trước khi giao hàng và các thủ tục khác); (ii) Nhóm các biện pháp phi kỹ thuật (biện pháp bảo vệ thương mại có tính bắt buộc, cấp phép, hạn ngạch; kiểm soát số lượng, kiểm soát giá bao gồm thuế và phí bổ sung; các biện pháp tài chính; các biện pháp ảnh hưởng đến cạnh tranh; các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại, hạn chế phân phối và dịch vụ sau bán hàng, trợ cấp, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ, quy tắc xuất xứ); (iii) Nhóm các biện pháp liên quan đến xuất khẩu. Về mối quan hệ giữa các biện pháp thuế quan và thuế quan, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các nước áp dụng chính sách hạn chế thương mại (thuế cao) cũng là những nước mà NTM thường được sử dụng nhiều hơn để bảo vệ tốt hơn cho ngành sản xuất trong nước của họ khỏi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Tuy nhiên trong bối cảnh tự do hóa thuế quan đang diễn ra một cách sâu rộng, thì tương quan giữa các biện pháp phi thuế quan và thuế quan cũng có những thay đổi nhất định. Theo UNCTAD (2012), giữa biện thuế quan và phi thuế quan có tồn tại mối quan hệ ngược chiều, cụ thể khi mức thuế quan được thực hiện cắt giảm thì các NTM sẽ gia tăng. Các NTM cũng thường có tác động hạn chế thương mại nhiều hơn so với thuế quan.

(2) Đề tài cũng đã phân tích được xu hướng áp dụng các NTM và đưa ra các cam kết về minh bạch hóa các NTM. Theo đó, các NTM có 3 xu hướng phát triển chính bao gồm: (i) Phương pháp tiếp cận Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT); (ii) Phương pháp tiếp cận theo WTO; (iii) Sự hình thành NTM trong các thỏa thuận thương mại ưu đãi (PTA). Trong đó, phương pháp tiếp cận GATT, thực hiện một cách tiếp cận tối giản các NTM nói chung, bắt đầu với các NTM được áp dụng ở biên giới, sau đó chuyển sang cách tiếp cận GATT đối với các NTM trong nước. Với phương pháp tiếp cận WTO, các quy định về NTM đã được sửa đổi, bổ sung có tính chất nghiêm ngặt hơn. Trong phương pháp tiếp cận thỏa thuận thương mại ưu đãi, các cam kết về NTM sau biên giới nghiêm ngặt hơn nhiều so với GATT và WTO. Về cam kết minh bạch hóa các NTM, đây là quy định được ưu tiên hàng đầu trong Chương trình nghị sự thương mại quốc tế. WTO yêu cầu chính phủ nhiều nước công khai các chính sách. GATT cũng công bố tất cả các quy định và các biện pháp cấp dưới, trong đó có các quyết định tư pháp, hướng dẫn hành chính... có ảnh hưởng đến thương mại. Tại các Hiệp định thương mại khu vực (RTA) cũng có các quy định liên quan đến minh bạch bao gồm: (i) Các điều khoản minh bạch chung đòi hỏi sự quản lý minh bạch các luật và quy định liên quan đến tất cả các vấn đề được thỏa thuận; (ii) Quy định minh bạch các yêu cầu liên quan đến hàng hóa; (iii) Các điều khoản minh bạch liên quan đến quy định trong nước ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ.

(3) Đề tài đã nghiên cứu, phân tích thông lệ quốc tế về các NTM thông qua thông lệ được đưa ra bởi WTO, ASEAN và các quốc gia thuộc OECD. Các quy định về NTM được đưa ra bởi WTO bao gồm: (i) Quy định về sử dụng hạn ngạch; (ii) Quy định về sử dụng giấy phép nhập khẩu; (iii) Quy định về trợ cấp và biện pháp đối kháng; (iv) Quy định về các biện pháp chống bán phá giá và tự vệ; (v) Một số NTM khác như quy định về giá trị tính thuế hải quan, phụ thu tại cửa khẩu, rào cản kỹ thuật trong thương mại, kiểm dịch động thực vật... Về các NTM áp dụng trong khu vực ASEAN, có một số biện pháp chủ yếu như biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, rào cản kỹ thuật đối với thương mại, biện pháp kiểm tra trước giao hàng, biện pháp bảo vệ thương mại có tính bắt buộc, cấp phép, hạn ngạch, biện pháp kiểm soát giá bao gồm thuế và phí bổ sung, biện pháp tài chính, biện pháp liên quan đến xuất khẩu... trong đó, các biện pháp liên quan đến kiểm dịch và rào cản kỹ thuật chiếm đến 76,3%. Các NTM được áp dụng chủ yếu ở các nước ASEAN-6 với mức độ mở của thị trường hàng hóa cao. Quốc gia sử dụng số lượng NTM nhiều nhất trong ASEAN là Thái Lan, Singapore. Về biện pháp phi thuế quan áp dụng tại một số nước OECD như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, cho thấy NTM được khu vực này sử dụng gồm quy định về an toàn sản phẩm, tiêu chuẩn lao động và trách nhiệm xã hội, quy định về nhãn hiệu hàng hóa, hạn ngạch nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu tự nguyện, giấy phép nhập khẩu, biện pháp hành chính kỹ thuật hạn chế nhập khẩu...

(4) Đề tài đã phân tích được hiện trạng các NTM tại Việt Nam, các văn bản quy định về các NTM và các cam kết về NTM trong các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết. Theo đó, các biện pháp phòng vệ thương mại chủ yếu được sử dụng tại Việt Nam bao gồm biện pháp chống bán phá giá, tự vệ. Bên cạnh đó, để ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nước ngoài (tính đến tháng 6/2018 đã có tổng cộng 107 vụ điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của các nước khác với hàng hóa xuất khẩu có liên quan tới Việt Nam) thì Chính phủ Việt Nam đã thường xuyên chỉ đạo việc theo dõi, xử lý các vụ việc thông qua các giải pháp như: (i) Trực tiếp đưa ra quan điểm bình luận, phản đối các quy định/biện pháp phòng vệ thương mại bất hợp lý của các nước; (ii) Chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các vụ việc chống bán phá giá mà doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt; (iii) Chỉ đạo Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan chủ động tăng cường tuyên truyền; (iv) Chỉ đạo các cơ quan quản lý Việt Nam tiếp tục hợp tác với các cơ quan có liên quan, cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài đề ra các chiến lược vận động, hợp tác, hỗ trợ cơ quan điều tra của các nước để đạt được những kết luận tích cực đối với doanh nghiệp Việt Nam. Các văn bản quy định về các NTM, theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến tháng 12/2017 có 337 văn bản quy phạm pháp luật quy định về chính sách quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành. Về các cam kết đối với NTM quan trong các FTA Việt Nam đã ký kết, tính đến tháng 6/2018, Việt Nam đang thực thi cam kết 10 FTA. Các nội dung về NTM như: hạn chế định lượng nhập khẩu (hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu), phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật thương mại, vệ sinh và kiểm dịch động thực vật... cơ bản được quy định tương tự như cam kết của Việt Nam trong WTO. Bên cạnh đó có một số FTA chưa có hiệu lực (tính đến tháng 6/2018) như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng gồm các quy định liên quan đến các NTM như: hạn chế định lượng xuất khẩu, nhập khẩu, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật thương mại và biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật.

(5) Trên cơ sở phân tích thông lệ quốc tế, thực trạng áp dụng các NTM ở Việt Nam, đề tài đã đưa ra 4 khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam liên quan đến NTM: (i) Thực hiện đồng bộ chính sách thương mại, theo đó hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các NTM cần được cải thiện một cách đồng bộ và thống nhất, tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng thời thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực thi để phân tích, đánh giá tác động chính sách và điều chỉnh kịp thời các NTM; (ii) Việt Nam phải thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu về các NTM, đặc biệt là các biện pháp rào cản kỹ thuật thương mại, vệ sinh và kiểm dịch động thực vật. Các văn bản quy định các NTM có thể được truy cập trên trang web của Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành, địa phương và được cung cấp bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Ngoài ra, để việc cập nhật dữ liệu hiệu quả các sản phẩm chịu điều chỉnh trong các quy định NTM cần được mã hóa cụ thể theo phân loại HS hoặc AHTN (danh mục hàng hóa ASEAN); (iii) Đánh giá, dự báo tác động thương mại của việc áp dụng các NTM, theo đó việc hoạch định chính sách thương mại liên quan đến các NTM cần phải xây dựng các báo cáo đánh giá tác động quá trình áp dụng các NTM thời gian qua cũng như phân tích được tác động dự kiến mang lại trong hoạt động thương mại của Việt Nam thời gian tới. Các NTM cần được áp dụng bình đẳng đối với tất cả các đối tác thương mai, Việt Nam nên tránh áp dụng các NTM cụ thể đối với hàng nhập khẩu từ một số quốc gia hoặc vùng lãnh thổ, trừ các trường hợp đặc biệt hoặc áp dụng trong khoảng thời gian ngắn; (iv) Xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia. Việt Nam bị đánh giá là nước có năng lực cạnh tranh thấp, phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, làm cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam dễ bị mắc vào “bẫy” kiện bán phá giá. Do đó, Việt Nam cần thay đổi lại cơ cấu thị trường, thường xuyên theo dõi nhằm phát hiện kịp thời những nguy cơ bị kiện. Khi hàng hóa bị khởi kiện, các doanh nghiệp nên tích cực, chủ động trong quá trình điều tra để hạn chế thấp nhất những tổn thất do vụ kiện gây ra. Ngoài ra, trong chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp cần xác định rõ kế hoạch bảo vệ môi trường, dành cho nó một vị trí quan trọng với nguồn kinh phí hợp lý. Yêu cầu bức thiết là cần phải nhanh chóng triển khai áp dụng các hệ thống quản lý môi trường như ISO14.000, HACCP, thực hiện quản lý tốt (GMP), thực tiễn nuôi trồng tốt (GAP). Đồng thời thử nghiệm cho các tổ chức tư nhân được thực hiện hoạt động chứng nhận, qua đó thể hiện sự thừa nhận lẫn nhau, cũng như kết quả đánh giá sự phù hợp do các tổ chức trong nước thực hiện sẽ được chấp nhận tại các nước nhập khẩu.