Đổi mới cơ chế, chính sách đối với hoạt động thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

Đổi mới cơ chế, chính sách đối với hoạt động thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp 25/02/2020 11:02:00 493

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Đổi mới cơ chế, chính sách đối với hoạt động thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

25/02/2020 11:02:00

- Đơn vị chủ trì: Cục Tài chính doanh nghiệp

- Chủ nhiệm nhiệm vụ:ThS. Đặng Quyết Tiến và ThS. Lê Trung Sơn

- Năm giao nhiệm vụ: 2017/Mã số: 2017-40

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Đánh giá kết quả 15 năm thực hiện quá trình sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN đã nêu rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN theo hướng kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; đồng thời xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các DNNN yếu kém”.   

Cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, là nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017. Cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là giải pháp quan trọng nhằm tăng cường, bổ sung các nguồn lực mới cho phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn phát sinh một số bất cập trong việc tổ chức thoái vốn nhà nước như cơ chế đấu giá thông thường hoặc bán toàn bộ vốn nhà nước/vốn của doanh nghiệp tại công ty đại chúng niêm yết, xử lý chi phí chuyển nhượng vốn đối với trường hợp chuyển nhượng vốn nhà nước không thành công, tính giá trị lợi thế quyền thuê đất nhà nước vào giá trị khởi điểm...

Những vướng mắc trong thực tiễn thời gian qua đòi hỏi phải thực hiện đổi mới cơ chế, chính sách quản lý hoạt động thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Do đó, việc lựa chọn và thực hiện nghiên cứu đề tài “Đổi mới cơ chế, chính sách đối với hoạt động thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”là cần thiết, có ý nghĩa cả về mặt khoa học và thực tiễn.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Nghiên cứu cơ sở lý luận; tổng kết, đánh giá thực trạng cơ chế, chính sách đối với hoạt động thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện; tìm ra các quan điểm, nhận thức, nguyên tắc mới về hoạt động thoái vốn nhà nước; từ đóđưa ra một số giải pháp đổi mới cơ chế, chính sách quản lý hoạt động thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong giai đoạn tới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thoái vốn nhà nước.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu:Cơ chế, chính sách quản lý hoạt động thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Phạm vi nghiên cứu:

- Về không gian: Nghiên cứu các cơ chế, chính sách quản lý hoạt động thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương và SCIC (không bao gồm cơ chế, chính sách thực hiện cổ phần hóa DNNN).

- Về thời gian: Nghiên cứu cơ chế, chính sách và thực trạng thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong giai đoạn 2011 - 2018 và đề xuất các giải pháp đổi mới cơ chế, chính sách quản lý hoạt động thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong giai đoạn 2018 - 2020.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã luận giải đượcmột số vấn đề chung vềvốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (khái niệm, đặc điểm và phạm vi vốn nhà nước tại doanh nghiệp). Đề tài cũng đã trình bày một cách tổng quan và mang tính hệ thống cơ sở lý luận về hoạt động thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, bao gồm khái niệm, hình thức và phương thức thoái vốn, mục tiêu, yêu cầu và tiêu chí đánh giá kết quả thoái vốn, yếu tố ảnh hưởng...

(2) Đề tài đã nghiên cứu làm rõ kinh nghiệm quốc tế trong việc thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp của một số quốc gia ở Trung và Đông Âu, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ; từ đó rút ra bài học kinh nghiệm có thể vận dụng phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam về thời gian thoái vốn (cần chuyển giao nhanh chóng, hiệu quả quyền kiểm soát doanh nghiệp sang chủ sở hữu tư nhân; hạn chế tối đa sự can thiệp của Nhà nước và hệ thống chính trị gây tốn kém, lãng phí hiệu quả nguồn lực của DNNN). Việc xác định tỷ lệ thoái vốn đảm bảo phù hợp với từng đối tượng DNNN, tỷ lệ thoái vốn đủ lớn để hấp dẫn nhà đầu tư. Xác định giá trị doanh nghiệp theo mức giá phù hợp nhất thay vì mức giá tối đa hóa lợi nhuận để hoàn thành công tác thoái vốn nhanh, hiệu quả, có tác động tốt hơn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh sau thoái vốn của doanh nghiệp...

(3) Đề tài đã tổng hợp, phân tích, đánh giá làm rõthực trạng, chỉ ra những tồn tại và hạn chế trong cơ chế, chính sách và thực tiễn triển khai hoạt động thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong giai đoạn 2011 - 2018.Trên cơ sở làm rõ việc thoái vốn nhà nước ở Việt Nam về cơ bản chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, đề tài đã chứng minh được sự cần thiết phải bổ sung phương thức thoái vốn mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân, bình đẳng giữa bên bán là Nhà nước và bên mua là các nhà đầu tư, để thoái vốn nhà nước trở thành giao dịch “win - win” cho cả hai phía.

(4) Đề tài đã đề xuất các giải phápngắn hạn và dài hạn nhằm đổi mới cơ chế, chính sách, giúp đẩy nhanh hoạt động thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đề tài đã đưa ra đề xuất bổ sung phương pháp dựng sổ để bán vốn nhà nước vì phương pháp này phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp xác định mức giá một cách hợp lý bằng cách thu thập nhu cầu thông qua việc khảo sát nhu cầu của các nhà đầu tư trên phạm vi rộng, từ nhà đầu tư đại chúng đến nhà đầu tư tổ chức, để xác định giá bán. Đối với nhóm giải pháp dài hạn, đề tài cho rằng cần: (i) Nâng cao vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và SCIC trong quá trình sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị của DNNN, thống nhất đầu mối thực hiện bán vốn nhà nước; (ii) Áp dụng phương pháp thẻ điểm cân bằng để đánh giá hoạt động của doanh nghiệp; (iii) Thay đổi cơ chế giám sát của Nhà nước đối với hoạt động doanh nghiệp, chuyển công tác quản lý từ hành chính sang theo cơ chế thị trường; (iv) Vai trò quản lý nhà nước cần được phân tách rõ thành hai lớp: Quản lý tài chính áp dụng chung đối với mọi doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, không phân biệt thành phần kinh tế và quản lý tài chính riêng áp dụng đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ quyền chi phối trên cơ sở Luật Doanh nghiệp đối với cổ đông mà Nhà nước đóng vai trò là cổ đông chi phối.

Các tin khác