Luận cứ khoa học về điều tra thuế

Luận cứ khoa học về điều tra thuế 25/02/2020 11:01:00 1360

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Luận cứ khoa học về điều tra thuế

25/02/2020 11:01:00

- Đơn vị chủ trì: Tổng cục Thuế

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Cao Anh Tuấn

- Năm giao nhiệm vụ: 2017/Mã số: 2017-36

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Gian lận thuế, trốn thuế là bài toán mà mọi quốc gia phải đối mặt khi Nhà nước thực hiện quyền đánh thuế. Để phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thuế nói chung và gian lận thuế, trốn thuế nói riêng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện các hoạt động quản lý, thanh tra, kiểm tra thuế cũng như điều tra thuế. Trên thực tế, các hoạt động này phải được thực hiện bởi những chủ thể quản lý nhất định và được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật cụ thể. Pháp luật của các quốc gia đều quy định rõ về những nội dung này. Cùng với sự biến động của kinh tế - xã hội và tùy thuộc vào thể chế chính trị, mỗi quốc gia có những mô hình tổ chức và quy định pháp lý cụ thể về điều tra thuế, thanh tra thuế và kiểm tra thuế khác nhau. Vì vậy, nghiên cứu về lý luận điều tra thuế áp dụng trong bối cảnh cụ thể là cần thiết.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thẩm quyền thanh tra, kiểm tra thuế đối với quản lý thuế nội địa được giao cho cơ quan thuế; hoạt động điều tra thuế giao cho cơ quan công an, kiểm sát. Tuy nhiên, thực tiễn phối hợp và tổ chức hoạt động điều tra tội phạm về thuế thời gian qua cho thấy hiệu quả của mô hình này chưa cao; mức độ tồn đọng các vụ án về thuế lớn; số lượng các vụ án về thuế được xử lý chưa tương đồng với thực trạng của loại tội phạm này. Do đó, cần phải nghiên cứu thực tiễn để xem mô hình này còn phù hợp hay không? nếu không phù hợp thì nên áp dụng mô hình nào?.

Vì những lý do trên, việc nghiên cứu đề tài “Luận cứ khoa học về điều tra thuế” là có ý nghĩa cả về khoa học và thực tiễn.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Làm rõ cơ sở lý luận về tội phạm, tội phạm thuế, hoạt động điều tra, thẩm quyền điều tra và cơ quan có thẩm quyền điều tra trong lĩnh vực quản lý thuế tại Việt Nam.

Nghiên cứu quy định pháp lý, cơ chế và mô hình thực hiện hoạt động điều tra của cơ quan thuế tại một số nước phát triển và một số nước có trình độ quản lý thuế tương đồng với Việt Nam nhằm đưa ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Đánh giá thực trạng công tác thanh tra, kiểm tra, công tác phối hợp điều tra thuế tại Việt Nam; đánh giá các yêu cầu bổ sung thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế; điều kiện, lộ trình và giải pháp thực hiện khi cơ quan thuế được giao thẩm quyền điều tra.

Đề xuất mô hình thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế đảm bảo thực thi thẩm quyền điều tra của cơ quan thuế.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Chức năng điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; mô hình điều tra thuế tại các nước để đề xuất chức năng điều tra thuế cho cơ quan thuế;mối liên hệ giữa công tác thanh tra, kiểm tra và công tác điều tra của cơ quan thuế; công tác phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan điều tra.

Phạm vi nghiên cứu:Về không gian, Đề tài tập trung nghiên cứu quy định của các nước về điều tra thuế, mô hình tổ chức của cơ quan thuế các nước, trong đó tập trung vào chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động điều tra của cơ quan thuế. So sánh thẩm quyền điều tra của cơ quan thuế với các cơ quan chức năng như hải quan, công an. Thực trạngcác quy định về thanh tra, kiểm tra và công tác phối hợp điều tra thuế với cơ quan điều tra hiện nay để đề xuất bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế.

Về thời gian, để đánh giá thực trạng thanh tra, kiểm tra và phối hợp điều tra của cơ quan thuế, Đề tài khái quát một số nội dung chính trong những năm gần đây là khoảng thời gian phát sinh nhiều giao dịch kinh doanh mới mà cơ quan thuế cần tăng cường đối với công tác quản lý như thương mại điện tử, giá chuyển nhượng, chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS).

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã nghiên cứu lý luận chung về điều tra và điều tra tội phạm thuế, quy định của pháp luật thuế, pháp luật hình sựvề tội trốn thuế, gian lận thuế; quy định về thẩm quyền của cơ quan thuế trong mối quan hệ giữa Luật Quản lý thuế và Bộ Luật tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; hệ thống cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; quy định về công tác phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền điều tra và cơ quan thuế. Bên cạnh đó, Đề tài cũng nghiên cứu những thông lệ quốc tế về điều tra thuế và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế và phối hợp điều tra tội phạm thuế. Từ đó đề tài cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam. Theo đó việc bổ sung chức năng cho cơ quan thuế Việt Nam là cần thiết. Một mặt để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, mặt khác để giúp cho cơ quan thuếViệt Nam có thể chủ động phối hợp với cơ quan thuế các nước trong việc phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm về thuế.

(2) Đề tài cũng phân tích, đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của công tác điều tra thuế tại Việt Nam.Qua thanh tra, kiểm tra thuế, người nộp thuế đều có thái độ hợp tác với cơ quan thuế; người nộp thuế được thanh tra, kiểm tra có xu hướng tự tuân thủ pháp luật thuế tốt hơn sau thanh tra, kiểm tra. Điều này cho thấy công tác thanh tra, kiểm tra thuế có tác dụng tạo sự chuyển biến ý thức của người nộp thuế.

Những tồn tại, hạn chế:(i) Chất lượng nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế chưa cao, đặc biệt đối với những cuộc thanh tra, kiểm tra phức tạp có dấu hiệu gian lận về thuế, do bị giới hạn về thời gian, phạm vi xác minh đối chiếu qua thanh tra, kiểm tra; giới hạn về phương pháp xác minh đối chiếu (không được triệu tập các đối tượng liên quan lấy lời khai...);(ii) Các nghiệp vụ như quan sát, tham quan cơ sở kinh doanh, phỏng vấn, truy lần chưa được đoàn thanh tra, kiểm tra chú trọng và áp dụng một cách khoa học, hiệu quả;(iii) Việc xác định vi phạm thanh tra, kiểm tra chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của cán bộ thanh tra, kiểm tra mà chưa dựa trên nghiệp vụ điều tra nên vẫn còn hiện tượng bỏ sót gian lận, sai phạm; (iv) Việc xử lý kết quả sau thanh tra, kiểm tra đối với nhiều người nộp thuế chưa hiệu quả,thể hiện tỷ lệ số thuế còn nợ đọng sau thanh tra, kiểm tra còn cao; (v) Công tác phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thuế giữa cơ quan thuế và cơ quan công an vẫn còn hạn chế, hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế ngày càng nhiều nhưng kết quả xử lý còn chậm và thiếu hiệu quả nên mất tính răn đe.

(3) Đề tài đề xuất mô hình, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan điều tra, nguồn nhân lực... phục vụ điều tra của cơ quan thuế Việt Nam, cụ thể:

(i) Về mô hình cơ quan điều tra thuế: Hiện có hai mô hình tổ chức là mô hình độc lập và mô hình kết hợp. Đó là: (i) Mô hình độc lập: Theo mô hình này, các nước thành lập một đơn vị trực thuộc Tổng cục Thuế để thực thi chức năng điều tra các vi phạm về thuế (cơ quan thuế trực thuộc Bộ Tài chính, có tổ chức ngành dọc). Theo đó có thể thành lập Cục Điều tra thuế trực thuộc Tổng cục Thuế và giao Cục Điều tra thuế, cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các chi cục thuế thực hiện thẩm quyền điều tra. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có quyền quyết định phân công cho Cục trưởng Cục Điều tra thuế trong việc kiến nghị khởi tố và điều tra vụ án hình sự; (ii) Mô hình kết hợp: Các nước không thành lập đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ điều tra, mà kết hợp bộ phận thực hiện chức năng điều tra với bộ phận thanh tra, kiểm tra thuế. Tổ chức bộ máy thực thi thẩm quyền điều tra của cơ quan thuế như sau: Tại Tổng cục Thuế, Vụ Thanh tra thuế được giao bổ sung chức năng điều tra thuế. Tại cục thuế địa phương: Phòng thanh tra thuế được giao bổ sung chức năng điều tra. Tại chi cục thuế: Đội kiểm tra thuế được giao bổ sung chức năng điều tra. Theo mô hình kết hợp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế giữ chức danh thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động điều tra sẽ có thẩm quyền khởi tố, điều tra tội phạm về thuế, có quyền quyết định phân công cấp phó trong việc kiến nghị khởi tố và điều tra vụ án hình sự.So sánh giữa haimô hình trên thì ở Việt Nam nên lựa chọn mô hình kết hợp là phù hợp.

(ii) Đối với chức năng, nhiệm vụ điều tra thuế: Đơn vị được giao nhiệm vụ điều tra thuế có các nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu như: Xây dựng văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hằng năm về thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ thuế, phòng chống tội phạm về thuế; hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, các cục thuế địa phương thực hiện nhiệm vụ thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ về thuế; phòng chống tội phạm về thuế; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ phục vụ cho hoạt động điều tra vi phạm, tội phạm về thuế; thu thập, xử lý thông tin từ các nguồn công khai và bí mật liên quan đến các nghiệp vụ kinh tế có phát sinh nghĩa vụ thuế; hỗ trợ điều tra, cung cấp thông tin phục vụ điều tra giữa các cơ quan thuế; yêu cầu người nộp thuế cung cấp mọi thông tin, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ việc điều tra; triệu tập người nộp thuế, người làm chứng hoặc cá nhân có liên quan để báo cáo, giải trình; lấy lời khai, lời chứng về vụ việc; yêu cầu bên thứ ba cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc điều tra, bao gồm sao kê tài khoản ngân hàng và sao kê điện thoại, chứng từ, số sách kế toán có liên quan đến vụ việc điều tra...

(iii) Cơ chế phối hợp thực hiện hoạt động điều tra giữa cơ quan thuế với cơ quan điều tra và viện kiểm sát: Căn cứ các quy định tại Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự về mối quan hệ phân công và phối hợp trong hoạt động điều tra, xác lập cơ chế phối hợp trong điều tra tội phạm về thuế giữa cơ quan thuế, cơ quan điều tra và viện kiểm sát phải được thực hiện. Theo đó,cơ quan thuếsẽ trao đổi với cơ quan điều tra và viện kiểm sát trước khi ra quyết định khởi tố; ra quyết định khởi tố, tiến hành điều tra ban đầu; chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền kèm theo toàn bộ tang vật, vật chứng, chứng cứ của vụ án để cơ quan điều tra tiến hành điều tra…

(iv) Đề tài cũng đưa ra các yêu cầu đối với cán bộ điều tra. Cán bộ thực hiện công tác điều tra trong lĩnh vực thuế cần đáp ứng: Có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực; có trình độ đại học an ninh, đại học cảnh sát hoặc đại học luật hoặc các ngành khác và có chứng chỉ nghiệp vụ điều tra; có thời gian làm công tác thực tiễn trong lĩnh vực thuế, tài chính; có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

(v) Đề tài cũng đưa ra điều kiện, lộ trình và giải pháp thực hiện chức năng điều tra thuế tại cơ quan thuế. Theo đó để thực hiện chức năng điều tra thuế tại cơ quan thuế Việt Nam được hiệu quả, cần đảm bảo 4 điều kiện: Có hành lang pháp lý rõ ràng quy định về chức năng điều tra của cơ quan thuế; có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu; có cơ sở vật chất đáp ứng; có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ với các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực tư pháp và tố tụng.Việc thực hiện chức năng điều tra thuế được chia thành 4 giai đoạn, cụ thể: Chuẩn bị triển khai (khoảng 1 năm kể từ khi được phê quyệt chức năng điều tra); triển khai chức năng điều tra tại cấp Tổng cục Thuế (khoảng 1 năm); triển khai chức năng điều tra thí điểm tại một số cục thuế điển hình, đại diện cho các vùng miền, có các đối tượng người nộp thuế điển hình khác nhau (khoảng 1 năm); triển khai chức năng điều tra thuế trên phạm vi cả nước.

Các tin khác