Nghiên cứu tác động thay đổi địa chính trị - kinh tế thế giới và sự lựa chọn đối sách phát triển kinh tế - tài chính của Việt Nam

Nghiên cứu tác động thay đổi địa chính trị - kinh tế thế giới và sự lựa chọn đối sách phát triển kinh tế - tài chính của Việt Nam 25/02/2020 11:00:00 3356

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Nghiên cứu tác động thay đổi địa chính trị - kinh tế thế giới và sự lựa chọn đối sách phát triển kinh tế - tài chính của Việt Nam

25/02/2020 11:00:00

Đơn vị chủ trì: Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Lê Hải Mơ

Năm giao nhiệm vụ: 2017/Mã số: 2017 - 32

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Cục diện địa chính trị kinh tế thế giới là một trong hai yếu tố (cùng với tiềm lực phát triển nội tại của một quốc gia) trực tiếp quyết định tương lai, sự tồn vong, vận mệnh phát triển của một đất nước. Thay đổi địa chính trị - kinh tế có tác động rất lớn đến môi trường, không gian phát triển của một quốc gia. Việc biến thách thức thành cơ hội phát triển hay thất bại phụ thuộc phần nhiều vào việc nhận diện đúng sự thay đổi, tác động của thay đổi địa chính trị - kinh tế thế giới, đặc biệt là sự lựa chọn đúng đắn của quốc gia đó. Tại Việt Nam, sự thành bại trong phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố bên ngoài trong phạm vi tác động của sự thay đổi cục diện địa chính trị - kinh tế ghế giới (môi trường, không gian phát triển kinh tế, vốn, đặc biệt là tri thức, khoa học - công nghệ cho phát triển và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước). Trong bối cảnh địa chính trị - kinh tế thế giới có nhiều thay đổi, tác động rất lớn đến môi trường, không gian phát triển của quốc gia, song Việt Nam chưa thiết lập các trung tâm nghiên cứu về địa chính trị - kinh tế như các nước thì việc triển khai thành công “Nghiên cứu tác động thay đổi địa chính trị - kinh tế thế giới và lựa chọn đối sách phát triển kinh tế - tài chính của Việt Nam” sẽ có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ bên ngoài, đồng thời nắm bắt cơ hội và các tác động tích cực mà tự do hóa mang lại.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài nhằm góp phần tạo lập cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc nghiên cứu, đánh giá tác động của sự thay đổi địa chính trị - kinh tế thế giới và lựa chọn đối sách phát triển kinh tế - tài chính của Việt Nam trong giai đoạn tới. Theo đó, đề tài sẽ tập trung làm rõ một số nội dung cụ thể sau: (i) Khung khổ lý luận (nội hàm phạm trù địa chính trị - kinh tế trong mối quan hệ với các phạm trù khác; tính quy luật, các nhân tố chủ yếu quy định sự hình thành, duy trì và phá vỡ cục diện địa chính trị - kinh tế…) và thực tiễn cho việc nghiên cứu, đánh giá tác động và dự báo sự thay đổi địa chính trị - kinh tế thế giới; (ii) Luận giải thực tiễn hình thành, tác động của sự thay đổi địa chính trị - kinh tế thế giới tới môi trường không gian phát triển của Việt Nam; đặc biệt là đúc rút các bài học lịch sử, cả thành công lẫn thất bại, của các nước trong lựa chọn chiến lược, đối sách ứng phó với sự thay đổi địa chính trị - kinh tế thế giới trong thời gian qua; (iii) Dự báo thay đổi địa chính trị - kinh tế thế giới và khu vực trong thời gian tới; (iv) Nhận diện tác động của sự thay đổi địa chính trị - kinh tế thế giới, khu vực tới không gian phát triển của Việt Nam; (v) Lựa chọn chủ trương, quan điểm và hệ thống đối sách phát triển kinh tế - tài chính gắn kết hữu cơ với các đối sách chính trị - kinh tế thế giới, khu vực và đảm bảo cho sự thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế trong bối cảnh quốc tế mới.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Cục diện địa chính trị - kinh tế thế giới và khu vực; tác động của sự thay đổi địa chính trị - kinh tế khu vực và thế gới đối với kinh tế - tài chính Việt Nam.

Phạm vi nghiên cứu: Thay đổi địa chính trị - kinh tế thế giới và khu vực giai đoạn sau Chiến tranh lạnh (1991), nhất là sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và tầm nhìn đến năm 2030.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã giải quyết được một số vấn đề về cơ sở lý luận cơ bản của địa chính trị - kinh tế thế giới, trong đó chỉ ra được những yếu tố cơ bản quyết định hiện trạng, sự thay đổi cục diện địa chính trị - kinh tế thế giới và vai trò của các cường quốc, liên minh kinh tế - chính trị quốc tế trong việc duy trì, thay đổi cục diện địa chính trị - kinh tế thế giới; tác động của sự thay đổi cục diện địa chính trị - kinh tế thế giới tới môi trường và không gian pháp triển kinh tế - tài chính quốc tế.

(2) Đề tài đã cung cấp kinh nghiệm quốc tế của một số nước có điều kiện địa chính trị - kinh tế, không gian và bối cảnh phát triển, hội nhập tương tự Việt Nam như Singapore (bài học về tăng cường tự chủ, củng cố nội lực), Australia (ngoại giao khéo léo, nội lực mạnh), hay Trung Quốc (kết hợp sức mạnh quân sự, kinh tế, khoa học - kỹ thuật với sức mạnh mềm về văn hóa)... Bên cạnh đó, đề tài cũng dự báo xu hướng vận động, cục diện địa chính trị - kinh tế thế giới, khu vực trong 10 năm tới.

(3) Đề tài đã đánh giá tổng quát hiện trạng cục diện địa chính trị - kinh tế thế giới và khu vực, trong đó bao gồm cục diện địa chính trị - kinh tế thế giới, khu vực hiện nay; phân tích rõ đặc điểm của cục diện địa chính trị - kinh tế thế giới hiện nay là một trật tự thế giới mới đang hình thành lấy châu Á làm trung tâm trong khi trật tự châu Âu thì dễ gia nhập nhưng rất khó lật đổi. Tác giả đã chỉ ra các nhân tố mới trong địa chính trị - kinh tế thế giới 10 năm tới là: Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ; nguy cơ “chiến tranh lạnh” Hoa Kỳ - Trung Quốc kiểu mới; Biển Đông thành tiêu điểm cạnh tranh địa chính trị giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc; cảnh báo về chiến tranh thế giới thứ ba; chiến tranh thương mại – cấu phần trong cạnh tranh địa chiến lược Hoa Kỳ - Trung Quốc; Nga hướng về phương Đông do bị phương Tây cô lập; chủ nghĩa dân túy và trật tự toàn cầu mới… Từ việc phân tích đặc điểm, nội dung cục diện địa chính trị - kinh tế và trật tự thế giới, khu vực; nghiên cứu các dự báo quốc tế liên quan và đưa ra dự báo cục diện địa chính trị - kinh tế thế giới và trật tự thế giới 10 năm tới, Đề tài đã đánh giá tác động tổng thể, cụ thể của sự thay đổi cục diện địa chính trị - kinh tế thế giới, khu vực tới môi trường và không gian phát triển kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

(4) Đề tài đã phân tích thời cơ, thách thức từ sự thay đổi địa chính trị - kinh tế thế giới, qua đó nổi lên một số mối đe dọa an ninh tiềm tàng của khu vực như: Xung đột vũ trang ở biển Đông ; Mỹ rút lui khỏi châu Á hoặc chuyển sang đại chiến lược biệt lập; thỏa thuận hòa hoãn Mỹ - Trung. Để chủ động ứng phó với biến động địa chính trị - kinh tế trong tình hình mới, Việt Nam cần xây dựng các đối tác chiến lược vững mạnh, lâu dài và hiệu quả hơn; cần có chính sách, chiến lược cụ thể , khoa học trong việc tham gia các tổ chức hợp tác khu vực và hiệp định thương mại tự do; tăng cường tính hiệu quả trong quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong khu vực ASEAN.

Đề tài đã lựa chọn một hệ thống đối sách phát triển kinh tế - tài chính của Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, Việt Nam nên: Duy trì chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, không tham gia các liên minh quân sự; Kết hợp sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, quân sự và ngoại giao để ứng phó và hóa giải các nguy cơ, xung đột; Phát triển kinh tế biển gắn liền với khai thác tốt tài nguyên, lợi thế địa chính trị - kinh tế của Việt Nam; Kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển nhanh, bền vững nhằm tăng cường một cách vững chắc, mạnh mẽ thực lực kinh tế Việt Nam; Kiến tạo và phát triển nền tài chính quốc gia vững mạnh nhằm ứng phó có hiệu quả với tác động của biến động địa chính trị - kinh tế; đồng thời là tiền đề tiên quyết cho thực hiện chiến lược phát triển kinh tế nhanh, bền vững. /.

Các tin khác