(VOV.VN) Giữa lúc căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang, tính đến hết ngày 20/5, Trung Quốc “đổ” gần 7,1 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam.
Vốn FDI đăng ký mới từ Trung Quốc tăng 450%
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 5 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 16,74 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ 2018. Đáng chú ý, vốn đầu tư từ Trung Quốc cũng tăng mạnh, đạt 2 tỷ USD ở tất cả hợp phần, trong đó riêng phần đăng ký cấp mới là 1,56 tỷ USD, tăng 450% so với con số 280 triệu USD của cùng kỳ 2018.
Thống kê cho thấy, 5 tháng qua, Trung Quốc “đổ” gần 7,1 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam, vượt qua số vốn của Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore. Cụ thể, các nhà đầu tư đến từ lãnh thổ Hồng Kông (thuộc Trung Quốc) đầu tư hơn 5,08 tỷ USD vào Việt Nam với hơn 113 dự án cấp mới, 31 dự án tăng vốn thêm và 57 dự án góp vốn mua cổ phần. Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đại lục cũng đầu tư hơn 2,02 tỷ USD vào Việt Nam.
Như vậy, sau một thời gian dài chỉ đứng thứ 3 hoặc thứ 4 tại Việt Nam, vốn đầu tư của các nhà đầu tư từ Trung Quốc đã vượt qua các nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore ở Việt Nam. Đây cũng lần đầu tiên ghi nhận vốn FDI đăng ký cấp mới từ Trung Quốc vươn lên dẫn đầu.
Bình luận về xu hướng đầu tư từ Trung Quốc tăng đột biến trong 5 tháng đầu năm 2019, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự dịch chuyển của dòng vốn này phần lớn là do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright, bên cạnh yếu tố từ căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, tăng trưởng suy giảm cũng là một nguyên nhân khác khiến doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế nước này ở mức 6,6%, thấp nhất trong vòng 28 năm qua.
Mặt khác, Việt Nam được hưởng lợi từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nên giới đầu tư quốc tế gia tăng đầu tư, tìm kiếm cơ hội đặt cơ sở sản xuất để làm hàng xuất khẩu với chi phí rẻ (gồm chi phí nhân công thấp, thuế suất thấp hoặc bằng 0%, chi phí vận tải hợp lý và các dịch vụ liên quan...). Bên cạnh đó, sự ổn định về môi trường chính trị - xã hội ở Việt Nam, ổn định về tỷ giá cũng là một yếu tố có giá trị và thuyết phục nhà đầu tư ngoại.
“Chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam nhìn chung đã và đang tăng đều qua các năm, ngày càng thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư theo tiêu chí minh bạch, thiết thực”, TS. Nguyễn Xuân Thành nhận định.
Cần thu hút đầu tư có chọn lọc
Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng của dòng vốn FDI từ Trung Quốc cũng là vấn đề đang được xã hội quan tâm, bởi trước đây đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, có nhiều ý kiến quan ngại về sự dịch chuyển dòng vốn Trung Quốc sang Việt Nam khi căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang.
GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, với sự xuất hiện của các FTA, nhất là những FTA thế hệ mới thì Việt Nam cần có sự thay đổi cơ bản về thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới. Theo đó, Việt Nam cần tập trung nghiên cứu, áp dụng những cơ chế, chính sách; đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Đó là tăng cường thẩm định, chọn lọc một cách kỹ càng; kiên quyết từ chối những dự án có mức tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng; chiếm dụng mặt bằng lớn, sử dụng công nghệ lạc hậu. Đặc biệt, cần phát huy tính tự chủ và vị thế chủ nhà để phát hiện, kiên quyết loại bỏ dự án có thể gây ô nhiễm, phá hoại môi trường.
“Trung Quốc là nước xuất khẩu rất nhiều nguyên, phụ liệu vào Việt Nam. Do đó, không loại trừ họ đầu tư vào đây sản xuất để lấy xuất xứ từ Việt Nam, tận dụng những FTA Việt Nam cam kết để hưởng lợi thuế khi xuất ra nước ngoài, tránh lệnh áp thuế từ Hoa Kỳ", GS. Nguyễn Mại lo ngại.
Do đó, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, Việt Nam cần phải thu hút FDI có chọn lọc các dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao và công nghệ hiện đại, tiên tiến. Đồng thời, cần đặt ra những hàng rào để ưu tiên công nghệ tốt trong thu hút FDI. Không nên để nhà đầu tư tìm đến Việt Nam với mục tiêu tận dụng thị trường lao động giá rẻ, chi phí dịch vụ tiện ích thấp. Đặc biệt, không nên để Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm phân tán rủi ro trong căng thẳng thương mại.
Cẩm Tú