Cơ hội và thách thức đối với ngành da giầy Việt Nam

Cơ hội và thách thức đối với ngành da giầy Việt Nam 11/09/2017 15:11:00 6055

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Cơ hội và thách thức đối với ngành da giầy Việt Nam

11/09/2017 15:11:00

Theo các chuyên gia, ngành sản xuất da giầy Việt Nam chủ yếu là gia công xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nước ngoài nên giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giầy Việt Nam chỉ ở mức 50%, chưa đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết.

Cơ hội và thách thức

Ngành da giầy Việt Nam đã xuất khẩu sang khoảng 100 nước trên thế giới, trong đó 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. Trong những tháng đầu năm 2017, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu giầy dép lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 1.989 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 35,2% tổng kim ngạch xuất khẩu giầy dép các loại; Liên minh châu Âu (EU) đứng thứ hai với 1.760 triệu USD; tiếp đến là thị trường Trung Quốc (418,4 triệu USD, tăng 31,1%), Nhật Bản (284,4 triệu USD, tăng 4,4%) và Hàn Quốc (158,3 triệu USD, tăng 15,5%). 5 thị trường này chiếm 83,3% tổng kim ngạch xuất khẩu giầy dép của Việt Nam. Xuất khẩu da giầy sang các thị trường Đông Á, châu Đại Dương và Bắc Mỹ tiếp tục có sự tăng trưởng. Theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế thế giới năm 2017 khả quan hơn so với năm 2016 và Trung Quốc tiếp tục giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực da giầy để tập trung cho các ngành công nghệ cao, nên các đơn hàng gia công giầy dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Mặc dù ngành da giầy có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng thấp và các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm thị phần nhỏ. Từ năm 2013 đến nay các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngành da giầy tăng trưởng mạnh, chiếm 81,3% thị phần; các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 18,7% thị phần. Khối FDI tiếp tục mở rộng công suất nhà máy hiện có và xây dựng các nhà máy mới, đón đầu cơ hội giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Một trong những nội dung quan trọng của EVFTA là cắt giảm thuế nhập khẩu giữa Việt Nam và EU từ 12 - 17% hiện nay xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Với lợi thế là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN ký kết thành công EVFTA, Việt Nam trở thành “địa điểm vàng” để thu hút đầu tư vào ngành da giầy, tập trung sản xuất nguyên, phụ liệu để đáp ứng các nguyên tắc về tỷ lệ nội địa, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa khi áp dụng ưu đãi thuế quan. Điều này giúp tháo gỡ khó khăn về việc nhập khẩu nguyên, phụ liệu của các doanh nghiệp ngành da giầy trong nước.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, ngành da giầy Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng cường quan hệ thương mại với các thị trường lớn trên thế giới, trong đó có thị trường EU nói chung và Italia nói riêng. Với sự tài trợ, hợp tác của Thương vụ Italia, Hiệp hội quốc gia các nhà sản xuất thiết bị - công nghệ cho ngành da giầy Italia (ASSOMAC) và các đối tác, Trung tâm Công nghệ giầy Việt - Italia vừa được thành lập và đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy nghiên cứu phát triển sản phẩm da giầy Việt Nam. Đây sẽ là nơi đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật cao, ứng dụng máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng nguồn lực và năng lực thiết kế, sản xuất, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành da giầy Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

Bên cạnh những cơ hội, ngành da giầy gặp một số khó khăn và thách thức như: Doanh nghiệp trong nước không mở rộng được sản xuất do gặp khó khăn về nguồn vốn và tiếp cận thị trường. Đại diện Lefaso cho biết, trong cơ cấu giá trị của một đôi giầy, nguyên phụ liệu chiếm 70%, chi phí nhân công 15%, chi phí đầu vào và quản lý gián tiếp 9%, còn lại 6% là lợi nhuận của doanh nghiệp. Hiện nay, chi phí nhân công sản xuất ngày một tăng, do đó nếu tỷ lệ nội địa nguyên phụ liệu không tiếp tục được nâng lên, các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ hàng ngoại nhập, hàng giả, hàng nhái. Theo Lefaso, hiện nay 50% sản phẩm giầy dép tiêu thụ trên thị trường nội địa đến từ Trung Quốc và Thái Lan.

Công nghiệp hỗ trợ da giầy chưa phát triển, do đó tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giầy xuất khẩu của Việt Nam thấp, chất lượng của nhiều loại nguyên, phụ liệu sản xuất trong nước hiện chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu (các chỉ tiêu về tính thẩm mỹ, độ đều và bền màu...), năng suất lao động thấp khiến khả năng tiếp nhận các đơn hàng nước ngoài của doanh nghiệp bị hạn chế.

Cần có chính sách phù hợp và nâng cao năng suất lao động 

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành da giầy, Bộ Công Thương đã ban hành Đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp da giầy Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với 3 kịch bản phát triển: (i) Kịch bản cao, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2025 đạt 43,97 tỷ USD, năm 2035 đạt 74,19 tỷ USD; (ii) Kịch bản cơ sở, xuất khẩu đạt 37,23 tỷ USD và 57,6 tỷ USD; (iii) Kịch bản thấp dự kiến đạt 31,4 tỷ USD và 44,6 tỷ USD… Để thực hiện các mục tiêu đưa ra, quy hoạch điều chỉnh cũng đưa ra các nhóm giải pháp gồm: Phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu, đầu tư, quản lý ngành, tài chính, khoa học công nghệ… 

Ngoài ra, ngành da giầy cần đổi mới mô hình sản xuất, tham gia các chuỗi sản xuất da giầy trong nước, khu vực và toàn cầu; đồng thời đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại hóa và mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Để có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập, doanh nghiệp sản xuất da giầy trong nước cần hình thành chuỗi liên kết bằng việc mua nguyên liệu từ các nhà cung ứng trong nước để hạ giá thành, ổn định sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguyên, phụ liệu nhập khẩu.

Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Lefaso cho rằng, ngành công nghiệp da giầy Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang thay đổi rất nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, do đó doanh nghiệp cần phải thay đổi tầm nhìn, phương thức quản lý và quá trình đầu tư. Bên cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu phát triển bởi đây là khâu tạo giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị toàn ngành. Để tạo ra giá trị gia tăng cao, các doanh nghiệp gia công cần thay đổi hướng đi, trình độ quản lý và cơ sở hạ tầng. 

Định hướng chiến lược của ngành da giầy khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm chủ thị trường trong nước (chiếm 70%) và đi sâu vào thị trường ngách quốc tế. Trong bối cảnh khó khăn, đưa việc làm về nông thôn, nơi có nguồn lao động dồi dào, là một trong những hướng đi mang tính chủ động, bền vững và chiến lược dài hạn mà các doanh nghiệp nên hướng đến, góp phần giải quyết bài toán về lao động.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn về tiếp cận hệ thống phân phối, Bộ Công Thương đang triển khai đề án đưa hàng Việt Nam trực tiếp vào hệ thống phân phối ở nước ngoài, theo đó các siêu thị đang hiện diện hoặc chưa hiện diện ở Việt Nam muốn đưa hàng vào Việt Nam thì phải có trách nhiệm đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài. Hiện hệ thống phân phối Lotte (Hàn Quốc) đã cam kết và đang hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện bao bì, mẫu mã, các tiêu chuẩn để phù hợp khi vào hệ thống siêu thị Lotte ở Hàn Quốc.

Thanh Mai