Ngày 14/9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu.
Nghị định này quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ.
Theo quy định tại Nghị định, kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã.
Về chất lượng của rượu, Nghị định quy định rượu đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực.
Về tem và nhãn hàng hóa của rượu, rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định, trừ trường hợp rượu được sản xuất thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại; rượu bán thành phẩm nhập khẩu không phải dán tem.
Về các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu, bao gồm các hành vi sau: Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định tại Nghị định này; sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu; cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh rượu; trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.
Về điều kiện sản xuất rượu, Nghị định quy định rõ điều kiện để sản xuất rượu công nghiệp, điều kiện sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh và điều kiện để sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại. Theo đó, để sản xuất rượu công nghiệp, ngoài việc cơ sở sản xuất phải là doanh nghiệp thì còn phải có dây chuyền máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ sản xuất rượu đáp ứng quy mô dự kiến sản xuất; phải đảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm; bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường; đáp ứng các quy định về ghi nhãn hàng hóa rượu và có cán bộ kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu.
Đối với các đơn vị sản xuất rượu thủ công thì là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các đơn vị này phải bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định.
Về điều kiện phân phối rượu, Nghị định quy định tổ chức phân phối rượu phải là doanh nghiệp; có quyền sử dụng hợp pháp kho hàng hoặc hệ thống kho hàng với tổng diện tích sàn sử dụng từ 150 m2 trở lên; có hệ thống phân phối rượu trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; tại địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có ít nhất 01 thương nhân bán buôn rượu; bảo đảm điều kiện về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường...
Tại Nghị định cũng quy định về điều kiện để bán buôn, bán lẻ rượu. Đồng thời, Nghị định quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu; thủ tục cấp giấy phép kinh doanh rượu...
Nghị định có hiệu lực từ 01/11/2017 và thay thế Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu.
Hà Uyên