Thách thức đối với sự phát triển mô hình gọi vốn cộng đồng tại Việt Nam

Thách thức đối với sự phát triển mô hình gọi vốn cộng đồng tại Việt Nam 11/07/2017 16:36:00 4433

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Thách thức đối với sự phát triển mô hình gọi vốn cộng đồng tại Việt Nam

11/07/2017 16:36:00

Sự gia tăng nhanh chóng về quy mô vốn huy động của hình thức gọi vốn cộng đồng cho thấy xu hướng phát triển tất yếu của mô hình này trên toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Gọi vốn cộng đồng đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2012, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, do phải đối mặt với thách thức từ văn hóa kinh doanh và cơ sở pháp lý.

Mô hình gọi vốn cộng đồng

Gọi vốn cộng đồng là cách dùng nền tảng kỹ thuật trực tuyến để thực hiện việc kêu gọi và tích lũy vốn cho các dự án, chủ yếu là những dự án khởi nghiệp của cá nhân, hay dự án mới của doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Theo định nghĩa trong dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất trong năm 2016, gọi vốn cộng đồng là hình thức huy động vốn từ số đông các cá nhân thông qua tổ chức trung gian cung cấp thông tin và các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ việc huy động vốn trực tuyến. Bên cung cấp vốn và bên gọi vốn tự chịu rủi ro, trách nhiệm từ việc cấp vốn và hoàn trả vốn. Bên gọi vốn có thể hoàn trả bằng quà tặng, cổ phần, vốn vay hoặc dưới các hình thức khác. Theo dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp được phép sử dụng gọi vốn cộng đồng như một kênh huy động vốn. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy những hỗ trợ thiết thực của Chính phủ đối với cộng đồng khởi nghiệp.

Trên thế giới, hình thức gây quỹ cộng đồng bắt đầu hình thành từ năm 1997 tại Anh và xuất hiện tại Hoa Kỳ vào năm 2000 với việc thành lập công ty gọi vốn cộng đồng ArtistShare. Năm 2006, nền tảng công nghệ gọi vốn cộng đồng được hoàn thiện với sự ra đời của nhiều website góp vốn nổi tiếng như Sellaband (2006), Indiegogo (2008), Pledge Music (2009), Kickstarter (2009), RocketHub (2009), InvestedIn (2010), GoFundMe (2010), Rock The Post (2011). Các website này cho phép cá nhân hoặc nhóm, tổ chức mới khởi nghiệp chia sẻ ý tưởng, giải thích ngắn gọn và rõ ràng sản phẩm cùng mục đích sử dụng của số vốn huy động từ cộng đồng cho dự án. Cộng đồng quen thuộc của mỗi website sẽ theo dõi các dự án và quyết định mức độ đầu tư để thực hiện ý tưởng đó. Tương ứng, chủ dự án sẽ có những phần quà cảm ơn người hỗ trợ nhưng không chuyển nhượng quyền sở hữu đối với sản phẩm hay dự án. Sau thời gian quy định, nếu dự án không gây đủ số tiền ban đầu đề ra thì toàn bộ số tiền đã gây quỹ sẽ trả về cho từng người hỗ trợ. Điều này thúc đẩy chủ dự án phải thường xuyên tương tác với cộng đồng như cập nhật tiến độ thực hiện dự án, giới thiệu các ưu đãi với các mức độ đầu tư, trả lời các ý kiến đóng góp. Mức độ tương tác càng cao thì càng thuyết phục được cộng đồng về sự tin cậy và tâm huyết của chủ dự án.

Gọi vốn cộng đồng ngày càng chứng tỏ sức hút của mình với các nhà đầu tư và đem về nhiều quyền lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn cầu. Năm 2012 có 536 website hoạt động về gây quỹ cộng đồng, hỗ trợ huy động 2,7 tỷ USD. Theo báo cáo của Massolution, vốn huy động toàn cầu từ hình thức gọi vốn cộng đồng đã tăng 167% trong năm 2014, đạt 16,2 tỷ USD và tăng lên 34,4 tỷ USD trong năm 2015. Bắc Mỹ là khu vực có quy mô huy động vốn từ gọi vốn cộng đồng cao nhất (17,25 tỷ USD trong năm 2015), tiếp theo là châu Á (10,54 tỷ USD). Tốc độ huy động vốn tăng nhanh nhất tại khu vực châu Á (210% trong năm 2015), theo sau là châu Phi (101%), châu Âu (98,6%) và Bắc Mỹ (82%). Số liệu trên cho thấy sự phát triển nhanh và vai trò ngày càng tăng của mô hình gọi vốn cộng đồng.

Tại Việt Nam, mô hình gọi vốn cộng đồng chính thức xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2012. Hiện nay, một số website kêu gọi vốn cộng đồng nổi bật là IG9.vn, FirstStep, Comicola, Fundstart, Charity Map, FundingVN. Trong đó, FirstStep là website cho nhiều lĩnh vực về khởi nghiệp như nông nghiệp, phần mềm, giải trí, trò chơi điện tử, từ thiện… với nhiều tính năng nổi bật về hệ thống thanh toán qua ví điện tử, hoàn trả tiền tự động và linh hoạt, minh bạch, dễ quản lý danh sách những người đóng góp, tỷ lệ thành công của các dự án được gây quỹ khá cao, đã đóng góp không nhỏ trong việc gia tăng niềm tin thị trường về gọi vốn cộng đồng tại Việt Nam.

Nhiều khó khăn thách thức

Gọi vốn cộng đồng đem lại ba công cụ cần thiết cho các công ty khởi nghiệp, gồm khảo sát thị trường, gọi vốn và marketing. Sự thành công của không ít dự án vừa và nhỏ cho thấy tiềm năng của gọi vốn cộng đồng tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển kênh huy động gọi vốn cộng đồng tại Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức.

Văn hóa phương Đông và tập quán kinh doanh tại châu Á thường đề cao cá nhân và “bi kịch hóa” sự thất bại trong kinh doanh. Việc chia sẻ và công bố rộng rãi về ý tưởng kinh doanh còn bị hạn chế do yếu tố tâm lý. Do đó, gọi vốn cộng đồng có thể giúp phát triển và mở rộng nhiều ý tưởng kinh doanh mới tại châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng lại gặp khó tại Việt Nam và các quốc gia châu Á khác. Ngoài ra, với môi trường kinh doanh chú trọng đến mối quan hệ như tại Việt Nam thì việc đầu tư cho một người lạ trên internet cũng hạn chế.

Tại châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, sự sáng tạo và cải tiến thường không được phân biệt cụ thể. Tại Hoa Kỳ, bằng sáng chế được cấp khi chứng minh được sản phẩm tạo ra hoàn toàn mới; trong khi tại Nhật, chỉ cần cải tiến sản phẩm cũ. Sự khác biệt trong cách hiểu về sáng tạo giữa hai nền văn hóa Đông - Tây đã tạo nên sự xung đột về pháp lý, bản quyền công nghệ hay ý tưởng. Khi tham gia gọi vốn cộng đồng, chủ dự án phải minh bạch dự án, do đó thường có tâm lý lo sợ về việc mất ý tưởng khi kêu gọi cộng đồng góp vốn.

Việt Nam chưa có quy định pháp lý chính thức và hệ thống về gọi vốn cộng đồng, chưa có quy định cụ thể về tư cách, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên tham gia. Những quy định hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý, theo dõi, giám sát hoạt động gọi vốn cộng đồng nhằm tạo điều kiện phát huy những mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực. Gọi vốn cộng đồng cần được ghi nhận như một kênh huy động vốn chính thức, cần được tạo điều kiện hoạt động và quản lý trong một khuôn khổ pháp lý nhà nước. Việc xây dựng các quy định pháp luật về gọi vốn cộng đồng phù hợp với nhu cầu và xu thế chung của thị trường, cũng như chủ trương của Chính phủ về tận dụng khả năng nội tại của những nhà khởi nghiệp và nguồn vốn có sẵn trong xã hội. Việc Nhà nước công nhận và pháp luật có quy định rõ ràng về gọi vốn cộng đồng cũng sẽ khuyến khích hoạt động này phát triển. Trong khối ASEAN, Malaysia là quốc gia đầu tiên chính thức ban hành khuôn khổ pháp lý cho hoạt động gọi vốn cộng đồng vào năm 2015 khi thông qua sửa đổi và bổ sung Luật Thị trường vốn và dịch vụ.

Hiện nay, Việt Nam vẫn trong giai đoạn khởi đầu của gọi vốn cộng đồng, do đó để tháo gỡ những thách thức, thúc đẩy mô hình huy động vốn này phát triển cần sự chung tay của nhiều bên tham gia thị trường. Các website hỗ trợ gây quỹ phải xây dựng mạng lưới giao dịch ổn định, minh bạch, làm cầu nối tin cậy cho dự án đến với số đông công chúng, góp phần xây dựng niềm tin và thay đổi quan điểm về gọi vốn cộng đồng. Trong lúc mô hình gọi vốn cộng đồng trong nước chưa phát triển thì các website gây quỹ lớn trên thế giới có thể là lựa chọn cho các nhà khởi nghiệp Việt Nam.

Ánh Nguyệt