Ngân hàng tích cực tiếp vốn cho doanh nghiệp

Ngân hàng tích cực tiếp vốn cho doanh nghiệp 10/07/2017 16:20:00 226

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Ngân hàng tích cực tiếp vốn cho doanh nghiệp

10/07/2017 16:20:00

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tích cực cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Theo đó, tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 22% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Cụ thể, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 đã đơn giản hóa một số hồ sơ, thủ tục cho vay; bổ sung nhiều quy định để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay; nâng cao tính tự chủ trong hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, đồng thời nâng cao yêu cầu minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay. Quy trình sản phẩm dịch vụ cho khách hàng được cải tiến thuận tiện, nhanh gọn hơn thông qua việc ứng dụng công nghệ như Internet Banking, Mobile Banking… Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên cả nước với nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp như: Tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, xây dựng các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất hợp lý; quy trình, thủ tục thuận tiện, minh bạch.

Trong những năm qua, các ngân hàng thương mại đã tích cực thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều gói tín dụng có giá trị hàng chục tỷ đồng được các ngân hàng (LienVietPostBank, PVCombank, VPBank, DongABank…) ưu đãi dành riêng cho nhóm khách hàng này, cho thấy khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đang nhận được sự quan tâm tích cực từ các ngân hàng thương mại. Có ý kiến lo ngại việc tăng cường vốn cho các đối tượng này sẽ đẩy nợ xấu tăng cao, gây rủi ro cho ngân hàng. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, nợ xấu ở nhóm doanh nghiệp lớn trong khoảng 6 - 7%, trong khi đó, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa có tỷ lệ nợ xấu 1,5%. Nêu dẫn chứng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Đông cho biết, tỷ lệ nợ xấu của doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng những đối tượng nông nghiệp, nông dân và nông thôn, cao nhất là dưới 2%, sau đó giảm xuống dưới 1,5%; phần nợ xấu trên 6 - 7% thuộc các doanh nghiệp ở thành phố và doanh nghiệp lớn. Điều đó cho thấy, không phải doanh nghiệp vay nhiều sẽ dẫn đến nợ xấu, mặt khác ngân hàng cũng sẽ có những biện pháp quản lý theo chuẩn mực riêng.

Nhu cầu vốn của doanh nghiệp rất lớn, ngành Ngân hàng đã tích cực huy động vốn để đảm bảo đáp ứng cho nền kinh tế, nhưng một phần lớn nguồn lực vẫn chưa được khơi thông, do đang nằm ở các khoản nợ xấu và những tài sản bảo đảm chưa được xử lý. Vì vậy, NHNN đã trình Chính phủ và báo cáo Bộ Chính trị Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, một trong những giải pháp chính là trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Nếu được thông qua, Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo điều kiện xử lý triệt để các vướng mắc khó khăn về cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, những khoản nợ của các tổ chức tín dụng, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi đối với các khoản nợ xấu; đồng thời giải phóng khối lượng vốn lớn đang đọng lại trong các khoản nợ xấu, cũng như giải phóng khối tài sản thế chấp chưa được xử lý, giúp các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời giảm được chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Ngoài ra, một trong những yếu tố làm cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó tiếp cận vốn là do năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành của doanh nghiệp vẫn còn yếu kém.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý triệt để những vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung triển khai có hiệu quả những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc tiếp cận vốn ngân hàng; đồng thời cải tiến quy trình, thủ tục vay vốn, tăng cường cho vay tín chấp.

Tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Bên cạnh những gói tín dụng ưu đãi được các ngân hàng thương mại thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã dành riêng một gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, với lãi suất thấp hơn khoảng 0,5 - 1,5% so với lãi suất thị trường.

Việc sử dụng gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là một định hướng chỉ đạo cần thiết trong thời điểm hiện nay, để hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có thể cạnh tranh được không chỉ ở thị trường trong nước mà còn trên thế giới. Theo ông Đặng Huy Đông, gói 100.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp sản xuất lớn theo quy mô của tổng sản phẩm, phát triển theo tư duy cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị, từ đó tất cả những người giỏi nhất, doanh nghiệp và công nghệ tốt nhất trong chuỗi giá trị được tham gia để nâng cao tính cạnh tranh cả về chất lượng và giá. Các hộ sản xuất nhỏ lẻ sẽ tham gia vào các tổ chức, có thể là hiệp hội hoặc mô hình hợp tác xã, tiến tới là liên hiệp hợp tác xã, để hình thành những tổ chức pháp nhân chính thức, có thể bước ra thị trường, cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế. Ông Đông cho biết: “Chúng ta đi vào kinh tế thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chỉ có sản xuất - kinh doanh theo kỷ luật chặt chẽ, đoàn kết mới tạo nên sức mạnh.”

Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao sẽ gây dư thừa, lãng phí. Trả lời vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đối với gói 100.000 tỷ đồng hiện nay chưa thể kết luận được là thừa hay thiếu. Nếu nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng trong nước cao, cũng như có điều kiện để xuất khẩu những sản phẩm từ công nghệ cao, gói 100.000 tỷ đồng có thể không đủ. Ngược lại, nếu tiêu dùng trong nước hay xuất khẩu không bảo đảm đạt mục tiêu hoặc vẫn ở mức thấp, gói 100.000 tỷ đồng này có thể chưa dùng hết. Mặt khác, các ngân hàng chỉ thực hiện giải ngân gói 100.000 tỷ đồng khi các doanh nghiệp hoặc dự án có nhu cầu và phương án hiệu quả.

Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016 và được đánh giá là đã có nhiều đóng góp cho doanh nghiệp. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đưa Quỹ vào hoạt động đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, các địa phương, hiệp hội và tổ chức có liên quan trong và ngoài nước. Cụ thể, tính đến tháng 4/2017 đã có trên 1.000 lượt doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với Quỹ qua các hội thảo, các kênh truyền thông và bộ phận tư vấn, hỗ trợ, để tìm hiểu các chương trình hỗ trợ của Quỹ (chưa bao gồm số lượng doanh nghiệp tiếp cận thông tin qua các ngân hàng thương mại nhận ủy thác), qua đó đã góp phần thúc đẩy, huy động sự tham gia của các ngân hàng thương mại, các tổ chức có liên quan trong hoạt động hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thông qua các hoạt động hợp tác giữa Quỹ và ba ngân hàng nhận ủy thác (BIDV, Vietcombank, HDBank), doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được hỗ trợ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các khoản vay thương mại. Bên cạnh đó, với mức lãi suất cho vay ưu đãi của Quỹ (5,5% đối với các khoản cho vay ngắn hạn và 7% đối với các khoản cho vay trung và dài hạn), các ngân hàng nhận ủy thác cũng cam kết đồng tài trợ cho doanh nghiệp với mức lãi suất cho vay thương mại ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời giảm các yêu cầu về tài sản bảo đảm. Các ngân hàng cũng đã điều chỉnh những gói dịch vụ cho vay thương mại với các điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để cạnh tranh với chương trình hỗ trợ của Quỹ, đồng thời thành lập bộ phận tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và “hot line” để tiếp nhận hồ sơ, giải đáp thắc mắc, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ vay vốn... Do đó, các doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn và giảm áp lực về chi phí tài chính trong thời gian triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều đánh giá cao sự hỗ trợ nhiệt tình, phản ứng nhanh và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp của các cán bộ tư vấn Quỹ, đồng thời doanh nghiệp cũng tích cực phản ánh những khó khăn vướng mắc trong tiếp cận tài chính và các nguồn lực để triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh hiệu quả, phù hợp với năng lực, tình hình tài chính, Quỹ đã mời các chuyên gia về lĩnh vực tài chính, công nghệ phối hợp để tư vấn cho doanh nghiệp về công nghệ, thị trường, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường kinh doanh. Quỹ cũng tích cực tham gia các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm tạo ra một môi trường kết nối cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ tư vấn về pháp lý, kỹ thuật, tài chính, giúp các doanh nghiệp có thêm thông tin, kinh nghiệm về các mô hình doanh nghiệp đi trước.

Tháng 12/2016, Quỹ và ba ngân hàng nhận ủy thác chính thức lựa chọn các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thuộc phạm vi đối tượng hỗ trợ. Sau một tháng triển khai, có 20 hồ sơ của doanh nghiệp đạt yêu cầu do 3 ngân hàng nhận ủy thác đề nghị Quỹ chấp thuận ủy thác, với tổng nhu cầu vay vốn khoảng 250 tỷ đồng. Đến nay, Quỹ đã đồng ý hỗ trợ cho 12 dự án, phương án sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp với tổng số vốn dự kiến hỗ trợ là 100,9 tỷ đồng. Việc giải ngân cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt yêu cầu được Quỹ và ngân hàng nhận ủy thác thực hiện theo tiến độ triển khai dự án và nhu cầu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong năm 2017, thực hiện triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Quỹ còn ban hành chương trình hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng hạn mức hỗ trợ là 560 tỷ đồng, bao gồm: Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo; doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, chế biến, chế tạo; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Các ngân hàng nhận ủy thác cũng cam kết bố trí nguồn vốn đối ứng đầy đủ để đồng tài trợ cho doanh nghiệp được quỹ chấp thuận vay vốn. Theo dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ sẽ thực hiện cho vay, tài trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và huy động các nguồn lực trong nước, quốc tế để thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là định hướng đúng đắn, có trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh nguồn lực nhà nước có hạn.

Trọng Triết